25/02/2016 11:13 GMT+7

Chỉ quẹt xe đã gọi điện kêu người vây bắt

NGUYỄN QUẾ DIỆU
NGUYỄN QUẾ DIỆU

TT - Chỉ trong mấy ngày, trên đường đi làm về trên quốc lộ 1A, đoạn từ ngã tư Ga về nút giao thông Gò Dưa, tôi chứng kiến hai sự việc dẫn đến cách hành xử theo kiểu hung hãn, may là không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ một vụ va quẹt nhỏ nhưng hai bên thiếu kiềm chế, dẫn đến gây gổ với nhau - Ảnh: T.T.D.
Chỉ một vụ va quẹt nhỏ nhưng hai bên thiếu kiềm chế, dẫn đến gây gổ với nhau - Ảnh: T.T.D.

1 Đường không đông lắm nhưng khi cặp vợ chồng chở phía sau xe một chiếc bao tải vượt lên, chiếc bao tải đã vướng vào tay lái của một cô gái đi cùng chiều khiến cô chao đảo tay lái một chút rồi mới lấy lại thăng bằng.

Cặp vợ chồng kia coi như không có chuyện gì, cứ chạy luôn. Thấy người vừa suýt gây tai nạn cho mình không đoái hoài gì đến nên cô gái ấm ức đuổi theo.

Đến đèn đỏ thì đuổi kịp, cô gái hỏi: “Sao anh chạy xe kỳ vậy, choàng vào tay lái làm người ta suýt té mà không hỏi han gì?”. Người chồng điều khiển xe máy tỏ thái độ xấc xược: “Có chuyện gì đâu?”.

Cô gái lớn tiếng: “Anh đụng người ta, làm người ta suýt té mà không xin lỗi còn bảo có gì đâu là sao?”. Cặp vợ chồng kia không trả lời, chờ hết tín hiệu đèn đỏ rồi chạy tiếp. Cô gái bực mình, vừa chạy chầm chậm vừa rút điện thoại ra gọi, dù hơi ồn nhưng cả tôi và cặp vợ chồng kia cũng kịp nghe: “... Anh cho mọi người chặn ở ngã tư Gò Dưa”.

Biết mình có thể bị gây khó khăn, thậm chí là bị “xử” nên người vợ ngồi sau mới bảo chồng dừng xe lại. Hai bên có trao đổi qua lại mấy câu và tôi thấy mức độ căng thẳng hiện lên trên cả ba khuôn mặt. Một lúc sau, hai vợ chồng vòng xe quay lại, không tiếp tục hành trình đã định nữa. Thấy vậy, cô gái cũng nổ máy đi về phía ngã tư Gò Dưa mà không đuổi theo họ nữa.

2 Một thanh niên chạy xe phía trước nhổ nước bọt xuống đường. Hai thanh niên khác đang đi phía sau rồ ga vọt lên chặn người thanh niên vừa nhổ nước bọt lại và hỏi: “Mày đi đứng kiểu gì mà nhổ nước bọt văng tung tóe vào người tao vậy?”. Có vẻ thấy mình yếu thế, người thanh niên nhổ nước bọt xuống đường nhỏ giọng: “Các anh thông cảm, tại mấy hôm nay em đang viêm họng ấy mà”.

Tuy nhiên, hai thanh niên kia không chịu buông tha: “Đã bệnh rồi còn nhổ lên người ta à? Tao cho mày một trận bây giờ”. Người trước nói, người ngồi sau đã lấy mũ bảo hiểm ra sẵn sàng nghênh chiến. Rất may là được nhiều người đi đường can ngăn nên hai thanh niên kia bỏ đi trong khi gương mặt vẫn bộc lộ đầy vẻ hung hãn.

3 Chỉ trong dịp Tết Bính Thân 2016, đã có 5.000 ca nhập viện do đánh nhau, trong đó có 13 người tử vong. Không ít người đặt câu hỏi vì sao một số người Việt hiện nay hung hãn đến lạ kỳ? Một xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn!

Lâu nay, thói hung hãn đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Chỉ một cái nhìn, người có thói hung hãn có thể nhanh chóng quy nó thành “nhìn đểu” để rồi hành hung gây thương tích cho người khác.

Và qua hai câu chuyện trên, có thể thấy các nhân vật trong câu chuyện đều thiếu kỹ năng ứng xử khi có tình huống xảy ra. Nếu như trong câu chuyện thứ nhất, hai vợ chồng suýt gây tai nạn cho người khác xin lỗi cô gái một câu chân thành thì họ sẽ nhận được sự cảm thông và cô gái cũng không gọi người nhà ra “nghênh chiến”.

Còn trong câu chuyện thứ hai, mọi việc sẽ rất đơn giản nếu người bị bệnh không khạc nhổ bừa bãi và hai chàng trai có khả năng kiềm chế tốt.

Đời sống xã hội dù có muôn màu muôn vẻ, có nhiều tình huống khác nhau và trong mỗi tình huống cụ thể nếu chúng ta có những ứng xử phù hợp thì thiệt hại sẽ được giảm xuống. Gốc rễ của vấn đề hạn chế thói hung hãn là mỗi cá nhân cần trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống, kỹ năng tự kiềm chế...

NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên