21/06/2015 09:23 GMT+7

Chi phí sinh hoạt ở châu Á ngày càng đắt đỏ

TUẤN ANH
TUẤN ANH

TT - Những thành phố tại các quốc gia châu Á chiếm phân nửa trong danh sách 10 nơi đắt đỏ nhất thế giới. Thành phố đứng đầu bảng xếp hạng năm nay vẫn là thủ đô Luanda của Angola.

Một khu vực kios mua sắm hiện đại tại TP.HCM
Một khu vực kios mua sắm hiện đại tại TP.HCM. Châu Á đã trở thành một trong những khu vực đắt đỏ

Công ty dịch vụ tài chính Mercer có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa công bố khảo sát thường niên "Chi phí cho cuộc sống 2015" cho thấy châu Á đã trở thành một trong những khu vực đắt đỏ nhất cho người từ nước khác đến sinh sống và làm việc.

Theo AFP, khảo sát cho thấy những thành phố tại các quốc gia châu Á chiếm phân nửa trong danh sách 10 nơi đắt đỏ nhất thế giới. Điển hình là Hong Kong đã leo lên một bậc so với năm ngoái và là thành phố sinh sống, làm việc đắt đỏ thứ hai thế giới dành cho người nước ngoài.

Ngoài ra, trong top 10 này còn có Singapore (hạng 4), Thượng Hải (hạng 6) và Bắc Kinh (hạng 7) của Trung Quốc, thủ đô Seoul (hạng 8) của Hàn Quốc.

Hầu hết những thay đổi trong bảng xếp hạng năm nay là do sự biến động của tiền tệ, đặc biệt là sự tăng vọt của đồng nhân dân tệ so với đồng đôla Mỹ khiến chi phí sinh hoạt và làm việc tại chín thành phố của Trung Quốc nằm trong top 30 của khảo sát.

“Các thành phố của Trung Quốc leo bậc vì sự tăng giá của đồng nhân dân tệ cùng với chi phí cao của các mặt hàng tiêu dùng nước ngoài” - giám đốc điều hành Mercer, bà Nathalie Constantin-Metral, nhận định.

Ngược lại, Tokyo (Nhật) từng là thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài trong năm 2012, đã rớt bốn bậc vào năm ngoái và đứng vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng năm nay sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện hành.

“Các thành phố của Nhật tiếp tục rớt hạng trong bảng xếp hạng năm nay bởi đồng yen Nhật đang mất giá so với đồng đôla Mỹ” - bà Constantin-Metral cho biết.

Nhìn chung, chi phí sinh hoạt và làm việc tại các thành phố thuộc Tây Âu cũng giảm nhẹ bởi sự trượt giá của đồng euro.

Thành phố đứng đầu bảng xếp hạng năm nay vẫn là thủ đô Luanda của Angola bởi chi phí đắt đỏ từ hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ bảo mật và an ninh dành cho người nước ngoài.

Khảo sát của Mercer tiến hành bằng cách so sánh giá cả của hơn 200 mặt hàng tại 207 thành phố trên thế giới như nhà cửa, thực phẩm, phương tiện vận chuyển và giải trí... Mercer cũng lấy thành phố New York (đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng 2015) làm cơ sở để so sánh cùng với những biến động tiền tệ tại các quốc gia khác so với đồng đôla Mỹ.

TUẤN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên