11/08/2024 14:22 GMT+7

Chỉ ngành thể thao, rất khó có huy chương Olympic

Thể thao Việt Nam đã có kỳ Olympic thứ hai liên tiếp ra về tay trắng. Đà sa sút của thể thao Việt Nam thật quá đáng báo động.

Trịnh Văn Vinh thi đấu không thành công ở Olympic Paris - Ảnh: REUTERS

Trịnh Văn Vinh thi đấu không thành công ở Olympic Paris - Ảnh: REUTERS

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 27-7 đến 12-8 tại thủ đô nước Pháp. Đại hội có sự tham dự của gần 11.000 VĐV đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 32 môn thi và 329 nội dung.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội với 39 thành viên, trong đó có 16 VĐV, thi đấu ở 11 môn thi. Kết quả, thể thao Việt Nam ra về tay trắng khi không giành nổi tấm huy chương nào.

Đáng nói, đây là Olympic thứ hai liên tiếp thể thao Việt Nam không giành nổi một tấm huy chương. Kết quả này đẩy Việt Nam từ vị trí số 1 SEA Games xuống số 6 Đông Nam Á tại Olympic 2024.

Ông Mai Bá Hùng - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Ông Mai Bá Hùng - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Mai Bá Hùng - nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - nói: "Thể thao Việt Nam đã hai kỳ Olympic liên tiếp không có huy chương. Đó là điều rất tiếc. Tuy nhiên, chúng ta phải xem lại cốt lõi của vấn đề, chứ chỉ quy trách nhiệm về cho ngành thể thao thì không chính xác".

Và đây là ý kiến của ông Mai Bá Hùng về thực trạng cũng như giải pháp để thể thao Việt Nam có thể trở lại với việc đoạt huy chương ở Olympic.

Đầu tư cho thể thao chưa tới

Trong thực tế, nghị quyết 08 và kết luận số 70 của Bộ Chính trị sau 10 năm thực hiện (2014-2024) về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới đều nêu rõ việc phải tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để phát triển thể dục thể thao cả ở thể thao quần chúng, học đường và chuyên nghiệp. Sau nghị quyết thường sẽ có chương trình hành động của Chính phủ. Các địa phương cũng có chương trình hành động để thực hiện nghị quyết. Nhưng nếu nhìn lại, sẽ thấy không thực hiện được bao nhiêu.

Những huy chương Olympic trước đây của chúng ta chỉ tạm thời bởi lâu lâu mới có VĐV xuất sắc. Bắn súng, cử tạ, taekwondo là có huy chương ở các kỳ Olympic trước nhưng tại sao hai kỳ Olympic gần nhất thì chúng ta không có? Do vậy, chúng ta phải xem lại công tác triển khai, các kế hoạch, các chương trình hành động để xem lại trách nhiệm của từng nơi và chuẩn bị cho các lần tham dự Olympic sau mang tính bền vững.

Chúng ta có thể thấy được ở Đông Nam Á, con người của Việt Nam và khu vực, có một số môn có thể cạnh tranh huy chương Olympic. Ngoài bắn súng, tới đây chúng ta có thể tập trung cho bắn cung, taekwondo, cử tạ. Kinh nghiệm đã có, mục tiêu đã có thì bây giờ là công tác triển khai thôi.

Kể từ sau HCV Olympic 2026 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam chưa thể có huy chương Olympic - Ảnh: REUTERS

Kể từ sau HCV Olympic 2026 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam chưa thể có huy chương Olympic - Ảnh: REUTERS

Yếu ở khâu thực hiện

Khi đặt mục tiêu đều phải có ba điều cần thực hiện. Đó là con người, cơ sở vật chất và tài chính. Ba cái này vận hành tốt thì mục tiêu mới đạt được. Nhưng nếu chúng ta xem lại sự vận hành của ngành thể thao, sẽ thấy gặp quá nhiều khó khăn thì làm sao có huy chương Olympic trong thời gian ngắn. Trong kết luận số 70 của Bộ Chính trị nêu rất rõ quan điểm phải đầu tư cho thể thao. Vấn đề chỉ là chúng ta yếu ở khâu thực hiện.

Cụ thể, mục tiêu ở các môn thể thao trọng điểm là có, nhưng chúng ta không triển khai được và vướng nhiều thứ quá. Môn nào cũng cần tiền để thực hiện nhưng chỉ nghĩ đến ngân sách. Chúng ta không huy động được các nguồn lực khác, nguồn lực xã hội từ các đơn vị ngoài công lập, nguồn lực từ các tổ chức xã hội, các liên đoàn, thậm chí là nguồn lực của gia đình.

Phát biểu của anh Đặng Hà Việt, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris, là cơ sở vật chất chúng ta còn hạn chế. Nhưng cái quan trọng hơn hết là cơ sở vật chất mình có nhưng không phát huy được tác dụng vì chúng ta cứ bao cấp, xây dựng đó rồi không cho nó sống bởi cứ tối ngày làm chuyện đào tạo đối với các trung tâm TDTT, tổ chức các hoạt động liên quan đến ngành thôi. 

Các đơn vị sự nghiệp công phải được linh hoạt, làm sao cho nó sống được thì nó mới phục vụ được nhiệm vụ chính trị. Chứ còn cứ hễ thiếu tiền thì làm văn bản xin, mà mỗi lần xin thì phải vài năm mới được duyệt sửa chữa, đầu tư... thì làm sao phát huy được hiệu quả của cơ sở vật chất .

Con người vận hành ở các cơ sở vật chất công cũng vậy. Lương thấp thì người ta chỉ làm chừng mực thôi. Điều đó dẫn đến những cơ sở vật chất công chưa thể phát huy được tác dụng. Tại sao ở các nước, các trung tâm huấn luyện của họ đều làm và sống được. Như Thái Lan, Trung Quốc hay Hàn Quốc, người ta mời gọi VĐV của các tỉnh thành hoặc đội tuyển các nước qua họ tập huấn với chi phí rẻ. 

Đồng thời còn có sẵn HLV giỏi, cơ sở vật chất rất tốt để phục vụ. Nghĩa là họ rất linh hoạt, không chỉ lo cho đội tuyển của mình mà còn làm nhiều cái khác để có nguồn thu. Và nguồn thu đó được nghiên cứu để nuôi sống trung tâm, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công, có tiền cho VĐV đi tập huấn và thi đấu quốc tế.

Từ đây, cần có cơ chế để các trung tâm TDTT của chúng ta phát huy được cao nhất hiệu quả hoạt động để từ đó đóng góp lớn hơn trong việc đào tạo VĐV đỉnh cao.

Ở Hungary, khi tôi sang làm việc, họ nói chính phủ của chúng tôi có quan điểm xây các công trình thể thao nhiều để giảm xây bệnh viện. Đây là ý tưởng rất ngắn gọn và dễ hiểu, thể thao tốt thì sức khỏe tốt. Thể thao phong trào tốt là nền tảng cho thể thao chuyên nghiệp. Không có người yêu thích môn thể thao đó thì không thể chọn được VĐV tốt để đi theo con đường chuyên nghiệp, không có nhà đầu tư cho môn thể thao đó thì không có liên đoàn tốt.

Ông MAI BÁ HÙNG

Chỉ ngành thể thao, rất khó có huy chương Olympic- Ảnh 4.

Kết thúc Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh xếp hạng 4 nội dung 10 súng ngắn hơi nữ và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thế thao nữ - Ảnh: Chụp màn hình

Cần chung tay góp sức cho thể thao

Muốn phát triển thể thao, không chỉ có ngành thể thao mà các bộ, ngành khác cũng cần phải rà soát lại và tháo gỡ những điều chưa thực hiện được ở nghị quyết 08. Chẳng hạn trách nhiệm của các bộ, ngành đã triển khai đến đâu? Vì trong chương trình hành động lúc nào cũng có những phân công cụ thể. Đây là điều phải làm đầu tiên.

Vì vậy, mục tiêu hướng đến Olympic phải là sự chung tay của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương. Chỉ mỗi ngành thể thao thì không đủ nên cần phải huy động nhiều nguồn lực.

Dư luận cho rằng tại SEA Games, Việt Nam đứng nhất Đông Nam Á nhưng không có huy chương Olympic so với các nước trong khu vực. Điều này tôi đồng ý. Nhưng làm gì thì cũng phải có từ thấp đến cao. Còn lại là con người mình đưa đi dự các kỳ đại hội từ thấp đến cao đó làm sao cho phù hợp. Các VĐV phải có điều kiện cọ xát để nâng trình độ. 

VĐV được đi thi đấu quốc tế, cọ xát với người giỏi hơn mình thì trình độ sẽ được nâng lên rất nhiều. Trong khi đó, nguồn ngân sách của chúng ta lại hạn chế trong việc cử VĐV đi thi đấu và tập huấn nước ngoài. Mà muốn huy động nguồn lực khác thì mình phải tạo điều kiện, giao quyền hạn cho người làm thì mới được. 

Tôi lấy ví dụ, chúng ta có gần 40 liên đoàn ở cấp quốc gia, nhưng có liên đoàn nào được như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không? Các liên đoàn khác phải tự "bơi". Mô hình của VFF thành công trong việc vận động nguồn lực xã hội. Vậy thì tại sao không nghiên cứu mô hình đó để xây dựng thêm một vài liên đoàn mạnh, đặc biệt là những liên đoàn ở các môn thể thao trọng điểm mà chúng ta hướng tới.

Như ở TP.HCM, bao nhiêu dự án mà ngành thể thao xin và đặt vấn đề, ra được nhiều biện pháp. Nhưng muốn làm được thì các sở, ban ngành khác phải giúp, chứ không thể một mình thể thao làm được. Nên dư luận nhiều khi nói nặng về chuyện của ngành thể thao thì cũng không chính xác cho những người làm, vì đôi khi muốn làm cũng không làm được.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tập Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Tập 'chay', bắn súng Việt Nam không thể phát triển mạnh

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - huy chương vàng bắn súng Olympic 2016 - cho biết dù chưa thể giành huy chương tại Olympic 2024, nhưng với những VĐV tài năng hiện có, bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic nếu được đầu tư tổng lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên