09/08/2024 09:14 GMT+7

2 kỳ Olympic trắng tay của thể thao Việt Nam: Nền thể thao không mũi nhọn

2 kỳ Olympic trắng tay liên tiếp là kết quả dễ hiểu của một nền thể thao không có mũi nhọn. Khi bước ra đấu trường quốc tế, thể thao Việt Nam hầu như chẳng có cơ hội cạnh tranh.

2 kỳ Olympic trắng tay của thể thao Việt Nam: Nền thể thao không mũi nhọn- Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam thất bại toàn diện ở Olympic Paris 2024 - Ảnh: Reuters

Mặt khác, cũng trong khoảng thời gian tương ứng, thể thao Việt Nam đã giữ ngôi nhất toàn đoàn SEA Games hai kỳ liên tiếp.

Đến Olympic với không chút kỳ vọng

Sau SEA Games 31 (diễn ra vào năm 2022 tại Hà Nội), trưởng đoàn khi đó - ông Trần Đức Phấn - phải thừa nhận rằng dù Việt Nam dẫn đầu SEA Games với hơn 200 HCV nhưng khi hướng đến Asiad Hàng Châu, mục tiêu HCV chỉ vào khoảng 3 - 5 và đến Olympic chỉ còn biết "hy vọng".

Kết quả 2 năm qua đã chứng thực nhận định đó. Tại Asiad Hàng Châu, Việt Nam giành vỏn vẹn 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và xếp dưới cả Singapore (cùng 3 HCV nhưng 6 HCB), Philippines (4 HCV), Malaysia (6 HCV), Indonesia (7 HCV), Thái Lan (12 HCV, xếp hạng 8 châu lục).

Đến Olympic, niềm hy vọng đoạt huy chương nằm trọn vẹn trên đôi vai cô gái trẻ Trịnh Thu Vinh. Đã có những thời khắc nữ xạ thủ 24 tuổi mang đến hy vọng. Cô thi đấu rất ổn định khi lọt vào chung kết cả hai nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi (Hoàng Xuân Vinh từng giành HCV Olympic nội dung này), Thu Vinh xếp hạng 4, chỉ cách huy chương một bước chân. Nhưng nhìn chung, đó vẫn là khoảng cách của trình độ, khi các xạ thủ vượt qua Thu Vinh cũng là những VĐV hàng đầu thế giới. 

Còn lại, các ngôi sao thể thao Việt Nam đều kém đẳng cấp giành huy chương Olympic một khoảng cách quá lớn. Ở bơi lội, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng - người từng giành đến 11 HCV SEA Games - đứng ngoài top 20 cả hai đợt bơi vòng loại các nội dung 800m tự do và 1.500m tự do.

Ở cử tạ, môn thể thao xưa nay vẫn là lá cờ đầu của Việt Nam khi tiến ra Olympic, Trịnh Văn Vinh thậm chí không nâng thành công bất kỳ mức tạ nào và bị loại ngay sau phần thi cử giật. Ở cầu lông, hai ngôi sao Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát dẫu đã nỗ lực tột cùng vẫn chưa đủ sức vượt qua giai đoạn vòng bảng. Còn với boxing, hai nữ võ sĩ Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh đều không thể tiến vào vòng tứ kết...

Việt Nam dự Olympic Paris 2024 với 16 VĐV - con số thấp nhất kể từ London 2012 cho đến nay. Và hầu hết đều chỉ đặt mục tiêu cọ xát ở đấu trường quốc tế.

Kể từ Olympic 2016, thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở hai kỳ Olympic liên tiếp - Ảnh: Reuters

Kể từ Olympic 2016, thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào ở hai kỳ Olympic liên tiếp - Ảnh: Reuters

Thể thao Việt Nam tỉnh mộng

Trước đó, thất bại nặng nề ở Olympic Tokyo 2020 và Asiad Hàng Châu 2022 (diễn ra vào 2023) đã khiến giới hâm mộ thể thao Việt Nam "tỉnh mộng". 8 năm trước, kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh mang đến không ít sự lầm tưởng rằng Việt Nam đã sẵn sàng bước ra đấu trường quốc tế.

Nhìn nhận một cách công bằng, hai loạt đấu súng để đời tại Olympic Rio de Janeiro năm đó in đậm dấu ấn cá nhân của Hoàng Xuân Vinh cũng như một số thành viên trong ban huấn luyện tuyển bắn súng Việt Nam. Từ đó đến nay, bắn súng cũng thường mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam với chiếc HCV ở Asiad Hàng Châu và những giây phút hồi hộp ở Olympic Paris.

Nhưng nhìn chung, những giây phút tỏa sáng đó là chưa đủ để xếp Việt Nam vào nhóm "cường quốc bắn súng", dù chỉ ở tầm châu lục. Tại Asiad Hàng Châu, xạ thủ Muhammad Dwi Putra đoạt đến 2 HCV, giúp tuyển bắn súng Indonesia vượt mặt Việt Nam.

Khi mũi nhọn bị mòn

Xuyên suốt nhiều kỳ Olympic, cử tạ thật ra mới là thế mạnh của Việt Nam. Ở Olympic Bắc Kinh 2008, Hoàng Anh Tuấn giành HCB hạng cân 56kg nam với mức tổng cử 290 kg, chỉ kém 2 kg so với người đoạt HCV là Long Qingquan. 4 năm sau, Trần Lê Quốc Toàn kế thừa thành công hạng cân này khi đoạt HCĐ.

Nhưng qua từng kỳ Olympic, chuỗi thành tích của cử tạ giảm dần đều. Tại Rio de Janeiro 2016, Quốc Toàn rớt xuống hạng 5, còn niềm hy vọng huy chương Thạch Kim Tuấn thất bại ở cả ba lần cử đẩy. Đến Tokyo 2020, Vương Thị Huyền cũng chỉ vươn đến hạng 5. Và tại Paris 2024, Trịnh Văn Vinh thậm chí dừng chân ngay ở phần thi cử giật. Đáng nói ở chỗ, các đô cử của Thái Lan, Malayasia và Indonesia đều làm tốt hơn anh (Silachai của Thái Lan còn đoạt HCB).

Ở môn thể thao thế mạnh nhất, Việt Nam cũng đã tụt lại so với các nước trong khu vực. Và nhìn rộng hơn, chúng ta lại càng không thể cạnh tranh ở những môn mũi nhọn của các nền thể thao láng giềng.

Olympic Paris 2024 đơn giản chỉ phản ánh thực trạng đáng buồn của thể thao Việt Nam nhiều thập niên qua. Một nền thể thao hầu như không có bất kỳ "mũi nhọn" nào - dù là ở nhóm các môn nhà nghề như bóng đá, bóng rổ, quần vợt, cầu lông, các môn đấu võ đài... hay nhóm các môn truyền thống Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ...

2 kỳ Olympic trắng tay của thể thao Việt Nam: Nền thể thao không mũi nhọn- Ảnh 4.

Kết thúc Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh xếp hạng 4 nội dung 10 súng ngắn hơi nữ và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thế thao nữ - Ảnh: Chụp màn hình

Thế mạnh của các nước láng giềng

Tính đến sau ngày thi đấu 7-8 (giờ địa phương), Philippines và Thái Lan đều đã có HCV ở Olympic Paris. Malaysia có 2 HCĐ, còn Indonesia cũng đã có 1 HCĐ. Họ hứa hẹn sẽ nâng cao thành tích trong những ngày cuối cùng ở Olympic khi vẫn còn môn thế mạnh.

Điểm chung trong thành tích huy chương của Thái Lan, Malaysia và Indonesia là cầu lông - một môn thể thao nhà nghề. Philippines cực mạnh ở thể dục dụng cụ, boxing. Indonesia có thêm thế mạnh với cử tạ, và Thái Lan có mũi nhọn ở taekwondo, boxing lẫn cử tạ.

Bảng xếp hạng huy chương Olympic các nước Đông Nam Á 9-8: Indonesia qua mặt Thái LanBảng xếp hạng huy chương Olympic các nước Đông Nam Á 9-8: Indonesia qua mặt Thái Lan

Tính đến hết ngày thi đấu 8-8 (giờ Pháp), đoàn thể thao Indonesia có màn bứt phá mạnh mẽ khi giành đến 2 HCV.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên