23/12/2012 06:40 GMT+7

Chỉ mua hàng thiết yếu

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - chủ hệ thống siêu thị Citimart, khó khăn kinh tế thể hiện qua cơ cấu doanh số bán hàng, người tiêu dùng tập trung vào những nhóm hàng cơ bản là lương thực, thực phẩm..., những nhóm hàng tiêu dùng làm đẹp, ăn chơi hay sản phẩm xa xỉ đều phải cắt bớt hoặc co lại.

xoqjK0hd.jpgPhóng to
Mua sắm đồ ăn dịp Giáng sinh tại siêu thị Big C, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm

Thông thường, người tiêu dùng chi tiêu dè sẻn cả năm nhưng sẽ “bung” ra cuối năm như phản xạ tâm lý, tuy nhiên hiện nay dù đã đến sát ngày Giáng sinh và năm mới sức mua vẫn khá trầm lắng. Tại Citimart, bên cạnh những chương trình khuyến mãi đều đặn hằng tuần, trong dịp cuối năm còn có thêm chương trình “Giá sốc” giảm trên 60%, bán đồng giá 10.000 đồng/món cho các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày (giá bình thường trên 30.000 đồng), khách có thẻ ưu đãi còn được giảm đến 10%.

Ông Nguyễn Thành Nhân, phó giám đốc Saigon Co.op, cho biết một xu hướng nổi lên hiện nay là người tiêu dùng tính toán và tìm hiểu thông tin rất kỹ trước khi mua sắm. “Ngày trước một bà nội trợ có thể thích gì mua nấy hay mạnh tay chi tiêu những món hàng mình thích, bây giờ quyết định mua sắm bị chi phối khá nhiều bởi những người xung quanh hoặc thông tin trên cộng đồng” - ông Nhân nói. Tại các siêu thị hiện nay, người dân vẫn tập trung mua thực phẩm thiết yếu, nhóm hàng tiêu dùng khác chỉ bán chạy khi có khuyến mãi.

Theo các nhà bán lẻ, tâm lý thận trọng thể hiện rõ ở người tiêu dùng VN khi trong một cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng gần đây do Công ty Nielsen thực hiện, 91% người được hỏi thừa nhận mình đã thay đổi thói quen mua sắm so với năm ngoái để tiết kiệm sinh hoạt phí, tăng từ 86% trong quý 2 và 84% trong quý 1-2012. Đáng lưu ý, 67% người tiêu dùng cho biết họ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu cho quần áo, 66% tiết kiệm bằng cách hạn chế các hoạt động giải trí bên ngoài, thậm chí có đến 55% người trong cuộc khảo sát còn cho biết họ bớt “buôn chuyện” hơn để giảm chi phí cho điện thoại.

Ông Peter Gale, giám đốc phụ trách đo lường bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc của Công ty Nielsen, lý giải: giá các sản phẩm hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao và nằm trong số những quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng. Vì thế để đối phó với giá sản phẩm cao, người tiêu dùng đang mua sắm một cách cẩn trọng hơn. Những thay đổi này kéo theo một loạt chuyển động mới trên thị trường: nhiều sản phẩm giá rẻ ra đời, hàng nhãn riêng phát triển mạnh, dày đặc các chương trình khuyến mãi...

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên