25/12/2024 12:48 GMT+7

Chị dâu kể bữa giỗ của một gia đình bất ổn

Chị dâu - phim mới nhất đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Khương Ngọc - cho thấy sự lên tay rõ rệt của anh sau nhiều tác phẩm không được đánh giá cao.

Chị dâu kể bữa giỗ của một gia đình bất ổn - Ảnh 2.

Chị dâu quy tụ dàn diễn viên thực lực của điện ảnh Việt - Ảnh: ĐPCC

Phim lấy bối cảnh chính tại một bữa tiệc giỗ ở vùng quê, nơi năm người phụ nữ thuộc các thế hệ khác nhau cùng hội tụ tại nhà từ đường của gia tộc.

Đó là chị Hai Nhị (Việt Hương), dâu cả, người có tiếng nói lớn nhất trong gia đình. Ba Kỳ (Hồng Đào), người có lối sống hiện đại nhưng rất nguyên tắc và hay áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.

Tư Ánh (Đinh Y Nhung) trầm lặng, ít nói, từng tự tử vì tình. Năm Thu (Lê Khánh) nhiều chuyện, ba phải, mang trong mình nỗi ám ảnh về cuộc hôn nhân không con cái nhiều tổn thương. Út Như (Ngọc Trinh) có vẻ ngoài sang chảnh nhưng thực chất không có tiếng nói, sống lệ thuộc chị dâu do nợ nần chồng chất.

Trailer phim Chị dâu

Năm nhân vật nữ chính với năm màu sắc khác biệt nhau đại diện cho sự chênh lệch về thế hệ, sự khác biệt về quan điểm sống, tạo ra một "đám giỗ" đầy mâu thuẫn và kịch tính nơi làng quê yên bình.

Chị dâu là điểm sáng trong bức tranh thăng trầm của điện ảnh Việt cuối năm, cho thấy một bộ phim muốn để lại ấn tượng với khán giả luôn phải bắt đầu từ kịch bản, kịch bản và kịch bản.

Câu chuyện gia đình duyên dáng

Dòng phim drama gia đình hiện là thể loại ăn khách nhất phòng vé phim Việt. Năm 2024, hai cái tên nổi bật thuộc thể loại này gặt hái doanh thu trăm tỉ là Mai (đạo diễn Trấn Thành) và Lật mặt 7: Một điều ước (đạo diễn Lý Hải).

Nắm bắt xu hướng thị trường, đạo diễn Khương Ngọc chọn khai thác thể loại này, mang đến câu chuyện gia đình giản dị, gần gũi nhưng duyên dáng dù bối cảnh chỉ xoay quanh ngôi nhà cổ đã có phần mục rữa của gia tộc.

Lấy thời điểm đám giỗ làm khởi nguồn câu chuyện là lựa chọn thông minh của nhà làm phim.

Bữa giỗ trong gia đình Việt không chỉ là nơi sum họp mà đôi khi còn trở thành "sân khấu" cho những câu chuyện thêu dệt, những tình huống, va chạm không mong muốn giữa các thế hệ từ lớn đến nhỏ.

Đạo diễn Khương Ngọc nói rằng anh khai thác các nhân vật dựa trên đời sống thực, nên người xem có thể thấy hình bóng của chính mình và những người thân trong gia đình khi thưởng thức bộ phim.

Tại đám giỗ, những câu chuyện cũ bị khơi lại, từ quá khứ tổn thương đến những mâu thuẫn khó nói giữa các nhân vật, làm dấy lên những cảm xúc không vui. Người già lẫn trẻ thường xuyên bị hỏi những câu nhạy cảm về tiền lương, thời điểm lấy chồng/vợ, sinh con...

Từ đây, Chị dâu làm bật lên sự đối lập giữa tư tưởng cũ và mới, từ cách ăn mặc, lối sống, quan điểm về hôn nhân, công việc, tình yêu của từng thành viên.

Đồng thời những góc khuất trong cuộc sống của họ cũng dần hé lộ, cho thấy mỗi người dù được ngưỡng mộ bên ngoài nhưng thực chất đều mang trong mình nỗi đau, sự tổn thương và bế tắc khó có thể giãi bày.

Phim không có nhân vật phản diện. Mỗi người đều tồn tại hai mặt tốt xấu, đều có nguyên do hợp lý dẫn đến cách ứng xử đôi khi thiếu kiểm soát của họ.

Những nhân vật nam xuất hiện mờ nhạt theo chủ ý của đạo diễn, nhưng họ đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng cho kịch tính câu chuyện, châm ngòi cho những bi kịch trong cuộc đời người phụ nữ.

Đúng như câu thoại của nhân vật Như trong phim: "Ra đường thì tốt với người ngoài lắm, nhưng người thân trong nhà thì chẳng bao giờ quan tâm", những người phụ nữ mang bi kịch dồn nén của mình trút lên chính những người yêu thương ruột thịt.

Họ sẵn sàng trù ẻo, nhục mạ, nói với nhau những lời khó nghe nhất. Để đến khi hối hận, tất cả đã quá muộn màng.

So với tác phẩm gần nhất không thành công về doanh thu Live: Phát trực tiếp (2023), Khương Ngọc cho thấy sự tiết chế rõ ràng của anh.

Chị dâu kể bữa giỗ của một gia đình bất ổn - Ảnh 3.

Đạo diễn Khương Ngọc cũng tham gia một vai phụ trong phim - Ảnh: ĐPCC

Việt Hương, Hồng Đào đối đầu

Góp phần làm nên chất lượng tác phẩm không thể thiếu diễn xuất thực lực của những tên tuổi dạn dày kinh nghiệm. Đặc biệt, trong vai hai nhân vật thường xuyên đối đầu nhau, Việt Hương và Hồng Đào mỗi lần xuất hiện lại mang đến những cuộc tranh cãi nảy lửa.

So với Ma da, Việt Hương vẫn giữ hình ảnh người phụ nữ giàu trách nhiệm, lo lắng cho các em, các cháu trong gia đình. Đôi khi cô bất lực vì không ai hiểu thấu được những gánh nặng mình mang trên vai.

Chị dâu kể bữa giỗ của một gia đình bất ổn - Ảnh 1.

Việt Hương, Hồng Đào vào vai hai nhân vật thường xuyên mâu thuẫn

Hồng Đào có màu sắc đa dạng với vai diễn một người mẹ yêu thương chồng con nhưng phải tự gồng mình lên khi một mình đối diện tổn thương tình cảm.

Việc cô áp đặt hay kiểm soát những người xung quanh quá mức thực chất là cách cô phòng vệ, đối phó với cảm giác bất an, sợ hãi hay mất kiểm soát trong cuộc sống của chính mình.

Lê Khánh, Đinh Y Nhung, Ngọc Trinh và cả những vai nam phụ trong phim như Trung Dũng, La Thành hay chính Khương Ngọc nhìn chung làm tròn vai diễn, tạo nên một tổng thể vừa vặn, cân bằng cho Chị dâu.

Điểm trừ của phim nằm ở một số tình tiết gây cười nhưng còn tạo cảm giác gượng ép.

Để bộ phim phù hợp với tính chất thương mại, Khương Ngọc không khai thác câu chuyện đi theo hướng đen tối, bi kịch mà vẫn lồng ghép những tình tiết hài hước, châm biếm cùng phần kết truyền thông điệp về giá trị của gia đình đầy cảm xúc.

Chị dâu kể bữa giỗ của một gia đình bất ổn - Ảnh 4.Chị dâu soán ngôi Công tử Bạc Liêu, sắp đối đầu với Kính vạn hoa dịp Giáng sinh

Vượt qua các đối thủ nặng ký như Mufasa: Vua sư tử, Công tử Bạc Liêu, Moana 2..., phim Chị dâu dẫn đầu phòng vé, thu 25 tỉ đồng sau 3 ngày chiếu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên