20/03/2013 10:09 GMT+7

Chỉ cần nộp phạt, tha hồ lừa đảo?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Tập đoàn Citigroup vừa tiếp nối vào danh sách hàng loạt đại gia ngân hàng Mỹ và châu Âu bị phát hiện lừa đảo khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền… và phải nộp phạt hàng tỉ USD.

55WFoeKO.jpgPhóng to

Citigroup bị kiện đã lừa dối khách hàng mua trái phiếu về các khoản lỗ mà ngân hàng này hứng chịu do ôm chứng khoán đảm bảo bằng vay địa ốc thế chấp cũng như nhiều loại cổ phiếu mạo hiểm khác từ tháng 5-2006 đến tháng 11-2008.

Báo Wall Street Journal đưa tin ngày 18-3 Citigroup tuyên bố sẽ nộp phạt và đền bù 730 triệu USD cho Chính phủ Mỹ để giải quyết vụ kiện lừa đảo các nhà đầu tư. Theo đơn kiện, Citigroup đã lừa dối khách hàng mua trái phiếu về các khoản lỗ mà ngân hàng này hứng chịu do ôm chứng khoán đảm bảo bằng vay địa ốc thế chấp, cũng như nhiều loại cổ phiếu mạo hiểm khác từ tháng 5-2006 đến tháng 11-2008.

Thậm chí Citigroup còn “tô hồng” báo cáo lỗ lãi và nói dối các nhà đầu tư rằng nhiều tài sản của hãng có giá trị tín dụng cực cao dù trên thực tế đều là những khoản đầu tư mạo hiểm. Số tiền 730 triệu USD chỉ thua khoản nộp phạt và đền bù kỷ lục 2,43 tỉ USD mà Ngân hàng Bank of America phải nộp hồi tháng 9-2012 do lừa đảo các nhà đầu tư về thương vụ mua lại Hãng chứng khoán Merrill Lynch năm 2009.

Ngân hàng nào cũng lừa đảo

Theo báo Financial Times, đây không phải là lần đầu tiên Citigroup phải xì tiền vì tội lừa đảo khách hàng. Tháng 8-2012 ngân hàng này chấp nhận nộp 590 triệu USD để giải quyết vụ kiện hãng lừa dối các cổ đông về những khoản lỗ khổng lồ trong năm 2007 và 2008. Khi khủng hoảng tài chính nổ ra, Ngân hàng New York đã nhận 45 tỉ USD tiền cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.

Hàng loạt ngân hàng Mỹ và châu Âu cũng đang đối mặt với những rắc rối pháp lý. Tuần trước, Thượng viện Mỹ công bố một báo cáo dày 301 trang cáo buộc Ngân hàng JP Morgan Chase lừa đảo cả các nhà đầu tư lẫn chính quyền về khoản thiệt hại 6,2 tỉ USD do nhân viên JP Morgan Chase ở chi nhánh London gây ra hồi tháng 5-2012. Chi nhánh này thực hiện các giao dịch chứng khoán phái sinh cực kỳ mạo hiểm nhưng khẳng định đây là các khoản đầu tư an toàn.

Khi đó, tổng giám đốc JP Morgan Chase Jamie Dimon tuyên bố khoản thiệt hại do chi nhánh London gây ra chỉ là “cơn bão trong tách trà”. Tuy nhiên báo cáo của Thượng viện Mỹ cho thấy ông Dimon biết rõ mọi thông tin về khoản lỗ khủng trên và những hành vi sai trái của cấp dưới. Thượng viện Mỹ khẳng định ban lãnh đạo JP Morgan Chase đã công bố những báo cáo “đầy sai lệch với mục tiêu lừa đảo”.

Báo Anh Guardian đưa tin cũng trong ngày 18-3, đại gia Ngân hàng Anh HSBC bị chính quyền Argentina tố cáo đã trốn thuế và rửa tiền. Nhà chức trách Argentina khẳng định chi nhánh HSBC ở nước này đã giúp nhiều doanh nghiệp trốn thuế vừa rửa tiền 121 triệu USD. Năm 2012, HSBC đã phải nộp phạt 1,9 tỉ USD cho chính quyền Mỹ để giải quyết khiếu kiện rửa tiền hàng tỉ USD cho các nhóm khủng bố và trùm ma túy.

Các vụ kiện tội lừa đảo liên quan đến khủng hoảng tài chính 2008 thì nhiều vô số kể. Năm 2010, Bank of America nộp phạt 624 triệu USD để giải quyết vụ công ty con Countrywide Financial lừa dối khách hàng về chứng khoán mạo hiểm. Năm 2011 Wells Fargo chấp nhận chi 627 triệu USD vì vụ Ngân hàng Wachovia (được Wells Fargo mua lại năm 2008) cũng dối trá các nhà đầu tư về chứng khoán đảm bảo bằng vay địa ốc thế chấp.

“Được cấp phép để ăn cắp?”

Một trong những vụ nộp phạt chấn động nhất xảy ra hồi tháng 1-2013. Theo báo Huffington Post, tổng cộng 10 ngân hàng lớn ở Mỹ đạt thỏa thuận bồi thường 8,5 tỉ USD, trong đó có 3,3 tỉ USD tiền mặt, vì tội tịch thu một cách bừa bãi, phi pháp hàng triệu căn nhà của người vay thế chấp địa ốc hồi năm 2009 và 2010. Bất chấp mọi quy định, các ngân hàng này buộc nhân viên phải thu hồi hàng nghìn căn nhà mỗi tháng, ép chủ nhà đóng các khoản phí vô lý và phớt lờ quyền lợi của họ.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao trong tất cả các vụ việc trên, không ngân hàng nào bị truy tố hình sự. Báo New York Times có câu trả lời: “Nhà chức trách lo ngại án hình sự sẽ đe dọa sự tồn tại của các ngân hàng lớn nhất thế giới và gây chấn động hệ thống tài chính toàn cầu”. Nói cách khách, theo quan điểm của Chính phủ Mỹ, các ngân hàng này quá lớn nên không thể để cho sụp đổ (too big to fail). Chính vì vậy, cách dễ nhất là phạt tiền.

Nhưng trên thực tế, số tiền mà các đại gia ngân hàng này phải nộp phạt chẳng thấm vào đâu so với tiềm lực tài chính hùng hậu của họ. Báo chí Anh ước tính số tiền 1,9 tỉ USD HSBC phải nộp phạt hồi năm 2012 chỉ tương đương 6 tuần doanh thu của HSBC, “chẳng bõ dính răng” đối với đại gia tài chính Anh.

Ngược lại, các khách hàng luôn chịu thiệt thòi nặng nề nhất. Trên báo Los Angeles Times, chuyên gia tài chính David Lazarus ước tính mỗi nạn nhân trong vụ các ngân hàng tịch thu nhà bừa bãi chỉ được bồi thường vỏn vẹn 2.000 USD tiền mặt, một con số quá ít ỏi so với những mất mát họ phải chịu đựng. Chính vì thế, không ít người cho rằng Chính phủ Mỹ đang “cấp phép cho các ngân hàng ăn cắp”.

Và bằng nhiều hình thức hoạt động, bao gồm cả các trò lừa đảo, ăn cắp, các đại gia ngân hàng vẫn đang tiếp tục kiếm lãi khủng. Trang Global Research cho biết trong năm 2011, một năm sau khi thực hiện trò tịch thu nhà vô lý, phần lớn trong số 10 đại gia ngân hàng phải bồi thường đều ăn nên làm ra. Ví dụ Citigroup đạt mức lãi ròng 11,3 tỉ USD, JP Morgan Chase đút túi 19 tỉ USD, Wells Fargo kiếm được 16 tỉ USD tiền lãi…

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên