17/01/2021 08:27 GMT+7

Chỉ 3 tháng, 1 triệu người chết vì COVID-19

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngày 15-1, nhân loại chứng kiến một kỷ lục u ám khác về đại dịch COVID-19: hơn 2 triệu người đã chết. Nếu 1 triệu người đầu tiên thiệt mạng trong 9 tháng thì chỉ cần 3 tháng tiếp theo đó, 1 triệu người nữa đã qua đời.

Chỉ 3 tháng, 1 triệu người chết vì COVID-19 - Ảnh 1.

Vùng Tuscany của Ý (trong ảnh) chỉ là một phần trong số nhiều khu vực của châu Âu sẽ phải áp dụng các quy định hạn chế mới phòng chống đại dịch COVID-19 - Ảnh: AFP

Phía sau con số gây choáng váng này là những cái tên và những gương mặt: nụ cười của họ giờ chỉ còn là ký ức, chỗ ngồi của họ mãi mãi trống vắng bên những bữa cơm tối, khoảng trống này cộng hưởng với sự lặng lẽ của một người thân yêu.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ANTÓNIO GUTERRES chia sẻ, sau khi toàn cầu vượt mốc 2 triệu người chết do COVID-19.

Trong những năm tới, nhiều gia đình trên thế giới sẽ nhớ tới những gì xảy ra với họ trong tháng 1-2021 khi nhìn vào khoảng trống trong các bức ảnh gia đình, trong các video hay những dòng tin nhắn của người thân lưu lại, khi 2 triệu người ra đi vĩnh viễn vì dịch bệnh.

Lo ngại biến thể virus

Với những gì đã trải qua, COVID-19 đã trở thành đại dịch chết chóc nhất kể từ sau sự xuất hiện của HIV/AIDS từ 40 năm trước, và cũng là đại dịch bệnh hô hấp chết chóc nhất trong một thế kỷ.

Số người chết vẫn tăng, số ca mắc mới vẫn liên tục lập kỷ lục tại một số nước bất chấp các loại vắcxin khả dụng đã bắt đầu được triển khai và bất chấp luôn cả những nỗ lực cắn răng chịu đựng hi sinh thiệt hại kinh tế để phòng dịch của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Không chỉ tiếp tục lây lan, virus corona còn không ngừng biến đổi, tiến hóa, có thêm những đột biến gen để tăng cơ hội tồn tại cho chúng. Nhiều biến thể đã được phát hiện và một số loài đã chứng tỏ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn chủng virus corona ban đầu, như biến thể virus corona tìm thấy ở Anh.

Chính chủng virus biến thể mới này đã bất chấp mọi nỗ lực kiểm soát dịch của Anh trong mùa thu năm nay và hiện là nguyên nhân chính khiến hệ thống y tế Anh vô cùng căng thẳng, quá tải trước làn sóng người bệnh COVID-19 phải nhập viện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể virus corona ở Anh đã được tìm thấy tại 22 quốc gia châu Âu và một số nước ở các châu lục khác. 

Hơn 230 triệu người trên toàn châu Âu đang phải sống trong tình trạng phong tỏa toàn quốc vì dịch bệnh. Trong ngày 15-1, châu Âu cũng ghi nhận dấu mốc buồn với 30 triệu ca mắc COVID-19 trong tổng số hơn 93 triệu ca toàn cầu.

Điều may mắn là cho tới lúc này, theo báo New York Times, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các biến thể virus corona có thể kháng lại hiệu lực của các vắc xin COVID-19 đã được cấp phép dùng khẩn cấp. 

Dù vậy, giới khoa học vẫn thận trọng cảnh báo mọi sự "có thể" sẽ không mãi mãi vì virus sẽ luôn có những biến đổi và đột biến gen.

95% vắcxin trong tay nước giàu

Với hơn 2 triệu người đã chết vì virus corona, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres ngày 15-1 kêu gọi các nước đoàn kết, hợp tác với nhau nhiều hơn nữa để chấm dứt đại dịch và cứu sống thêm được nhiều người hơn nữa.

Trong video thông điệp phát đi cùng ngày, ông António Guterres cho rằng chính sự thiếu vắng một nỗ lực điều phối toàn cầu đã khiến tác động khủng khiếp của đại dịch với nhân loại càng trở nên nặng nề hơn.

Ở cương vị của mình, hơn ai hết, ông António Guterres thấy rõ tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận vắcxin COVID-19 giữa các nước. 

"Vắcxin đang đến nhanh chóng với các nước có thu nhập cao, trong khi những nước nghèo nhất không có gì" - ông António Guterres nói, lưu ý thêm việc "một số nước đang theo đuổi những hợp đồng phụ, ngay cả khi mua nhiều hơn nhu cầu sử dụng".

Tạp chí Time (Mỹ) dẫn lại thông tin của tiến sĩ Hans Henri P. Kluge, giám đốc WHO tại châu Âu, cho biết khoảng 95% lượng vắcxin COVID-19 khả dụng của thế giới đã được phân phối cho tới nay chỉ có ở 10 quốc gia.

Mặc dù đồng ý rằng các chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ người dân nước họ, nhưng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối cái mà ông gọi là "chủ nghĩa dân tộc vắcxin". 

Ông António Guterres cho rằng quan điểm tiếp cận vắcxin theo cách này sẽ tự chuốc lấy thất bại và càng khiến cho quá trình hồi phục toàn cầu sau đại dịch chậm trễ hơn nữa.

"Đại dịch COVID-19 không thể bị đánh bại ở từng quốc gia", ông António Guterres nhấn mạnh. Từ đó, ông kêu gọi các nước cam kết chia sẻ số liều vắcxin còn dư để khẩn trương chủng ngừa cho các nhân viên y tế trên toàn thế giới và ngăn ngừa nguy cơ hệ thống y tế có thể sụp đổ vì quá tải trước đại dịch COVID-19.

"Thế giới của chúng ta chỉ có một cách để có thể vượt trước con virus này, đó là sát cánh bên nhau. Sự đoàn kết toàn cầu sẽ cứu sống các sinh mạng, bảo vệ mọi người và giúp đánh bại loài virus hiểm ác này", ông António Guterres chia sẻ thông điệp tha thiết của mình.

93,3 triệu

Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào cuối tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tới nay dịch bệnh COVID-19 đã có mặt tại 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã vượt qua 93,3 triệu ca.

Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng 'lớn nhất thế giới' chống COVID-19

TTO - Chiến dịch tiêm chủng 'lớn nhất thế giới' bắt đầu sáng nay 16-1 tại Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi tìm cách kiểm soát và ngăn chặn đại dịch bằng 2 liều tiêm vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: COVID virus Vắc xin