Điều đáng nói là chỉ cách vài bước chân có tới bốn thùng đựng rác dọc trên hè và ngay phía bên kia đường còn có ba thùng đựng rác. Tôi quan sát và thấy tất cả những thùng đựng rác này đều không hề bị quá tải.
Vài lần tôi dừng xe, nán chuyện đi công việc lại chỉ để... đứng nhìn. Tôi thấy khi nhiều công nhân ăn sáng xong, vứt rác đó rồi vào xưởng làm việc, cũng là lúc cô công nhân vệ sinh đẩy chiếc xe rác nhỏ đến. Cô lom khom đi nhặt từng vỏ hộp, ly nhựa.
Thức ăn thừa được cô vét lại và cho vào túi nhựa, xong cô phân loại rác và cho vào những chiếc thùng. Khi vừa xong cũng là lúc xe của công ty vệ sinh đến lấy rác. Vỉa hè trở lại sạch sẽ.
Trong những dịp lễ hội, một số người thiếu ý thức xả rác bừa bãi nơi công cộng, khi bị chỉ trích họ đã biện minh rằng do không tìm thấy thùng đựng rác.
Còn tại nơi này, một khu công nghiệp lớn với những con đường rộng rãi, hàng cây xanh đẹp mát, những thùng rác được đặt dọc hai bên đường, nhưng hằng ngày một số công nhân lại thiếu ý thức, vô tư xả rác đầy trên đường ngay trước cổng công ty nơi họ đang làm việc.
Nhiều lần có dịp ra vào những phân xưởng tại một số doanh nghiệp, tôi từng chứng kiến cảnh công nhân khi hết giờ làm việc đều làm vệ sinh máy móc, quét dọn nhà xưởng sạch sẽ rồi mới được ra về. Tôi nghĩ họ đã có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi họ làm việc.
Vậy nên tôi cảm thấy buồn vì chỉ cách nhau một bờ tường trong và ngoài doanh nghiệp mà ý thức vệ sinh của họ lại mâu thuẫn quá. Sao kỷ luật của người công nhân không thể được tuân thủ ở bên ngoài nhà máy?
Tôi chứng kiến sự khổ nhọc của người công nhân vệ sinh lớn tuổi nọ và thầm nghĩ giá mà những công nhân kia khi ăn uống xong chịu khó bỏ rác vào thùng thì công việc của cô công nhân vệ sinh sẽ bớt vất vả hơn rất nhiều. Chỉ một động tác nhẹ nhàng mà sao điệp khúc “bỏ rác vào thùng” cứ phải nói mãi từ năm này sang năm khác?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận