Sự kiện & dư luận:
Phóng to |
Phóng uế bừa bãi ở công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn P.2, Q.Phú Nhuận (TP.HCM)... như chỗ không người (ảnh chụp sáng 4-3) |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhiều du khách nước ngoài khi đến VN muốn đi WC mà không tìm nổi một cái nên đành phải... vào nhà dân đi nhờ! Chuyện vứt rác cũng vậy, ít thùng rác mà nếu có cũng khó vứt vì dơ! Ở nước ngoài, để tránh mất mỹ quan thành phố, người ta cho xây những nhà vệ sinh ngầm dưới lòng đất, đêm xuống mới "mọc" lên.
Các thùng rác thì còn biết nói "cảm ơn" khi có rác bỏ vào. Bắc Kinh có nhiều nhà vệ sinh công cộng nhất thế giới nhưng để bảo đảm có nhà vệ sinh công cộng trong phạm vi năm phút đi bộ, chính quyền đã yêu cầu tất cả 3.000 tòa nhà thương mại của thành phố phải mở cửa nhà vệ sinh cho công chúng tự do sử dụng! Nước ta chưa thể có điều kiện làm những việc như vậy, nhưng nếu như chúng ta sáng tạo, không đi theo lối mòn, biết đâu sẽ có những giải pháp hay, khắc phục được vấn đề này?
Trần Khánh An (khu tập thể thủy sản, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)
* VN có nên xây dựng nhà vệ sinh công cộng thu phí tự động như ở Ý và Pháp không? Muốn vào toilet qua cửa xoay tự động phải trả tiền vào máy. Tiền thu để công trình đô thị quản lý duy tu và bảo quản, định mức phí thu sao cho đủ để đầu tư và bảo quản, đảm bảo vệ sinh và mỹ quan của thành phố.
Quan điểm tôi đồng ý xử phạt cá nhân vi phạm vệ sinh công cộng như phạt đội nón bảo hiểm khi lưu thông hay phạt xả rác ở Singapore, dần dần công dân bị phạt sẽ có ý thức và tạo được nếp sống văn minh cộng đồng. Cũng nên có camera công cộng để xử lý vấn đề này. Tôi được nghe phản ảnh của khách nước ngoài về VN rằng VN phong cảnh đẹp, người Việt thân thiện hiền hòa, dễ mến, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, duy có điều vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường sinh thái khu du lịch và giao thông thì tệ quá!
Tamphuc071@...
* Theo tôi, để giữ được nếp sống văn minh đô thị thì phải khẩn trương khắc phục tình trạng tiểu tiện bừa bãi. Nhưng phải nhận thấy rằng ở tất cả mọi nơi, công trình vệ sinh công cộng còn chưa được quan tâm đúng mức. Cũng như nhiều thành phố du lịch khác, ở Huế công trình vệ sinh công cộng để phục vụ người dân quá ít, dọc bờ sông Hương chỉ có hai nhà vệ sinh, còn những nơi khác thì hầu như không có nên tình trạng tiểu tiện bậy xảy ra thường xuyên là không thể tránh khỏi.
Nguyễn Viết Long
* Dù có "đỏ mắt" tìm nhà vệ sinh công cộng rồi, nhưng tìm được chưa hẳn đã vào được. Hôm qua, tôi và bạn đang đi trên đường, bạn tôi bị "chột" bụng nên phải chạy lòng vòng tìm nhà vệ sinh. Chạy hơn 15 phút tìm được thì ở đây không cho vào "giải quyết", lý do là đã trễ, mặc dù nhìn đồng hồ chỉ hơn 20g. Thế là bạn tôi không còn cách nào khác, phải "làm bậy thôi"! Liệu bạn tôi đúng hay sai trong trường hợp này?
Nguyễn Thanh Điền
* Sáng 8-3, tại vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình, TP.HCM) có một băngrôn lớn với nội dung như sau: "Kiên quyết nói không với hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng". Thế nhưng nhìn quanh khu vòng xoay rộng lớn, đông đúc người xe, không ai có thể tìm thấy một thùng rác nào. Thử hỏi khi muốn bỏ rác người qua đường sẽ bỏ ở đâu? Điều tương tự cũng diễn ra với nhà vệ sinh công cộng. Cả khu vực này chỉ có một nhà vệ sinh công cộng khá tồi tàn trong công viên Hoàng Văn Thụ. Vào công viên phải gửi xe. Lỡ ai có nhu cầu khẩn cấp mà tìm ra được nhà vệ sinh công cộng này thì chắc... chết!
Rõ ràng chỉ vận động suông bằng băngrôn, khẩu hiệu, treo vài ngày rồi bỏ thì chưa phải là cách làm thiết thực. Thiết nghĩ làm những nhà vệ sinh công cộng lưu động (có thu phí) không phải là một chuyện vượt quá khả năng của thành phố có kinh tế phát triển nhất nước này. Thậm chí nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng vào cuộc. Thành phố này có xanh, sạch, văn minh hay không không chỉ do ý thức của người dân mà còn phải do những quyết sách thực tế, hợp lý của các cấp chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận