11/08/2014 13:35 GMT+7

Chết người do xuyệc cá, bẫy chuột

ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN
ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN

TT - Ở ĐBSCL liên tiếp xảy ra nhiều cái chết oan uổng từ việc dùng điện bắt cá, bẫy chuột. Các phương tiện đánh bắt nguy hiểm này đang được sản xuất, mua bán tràn lan.

Những sợi dây dẫn điện ra tận ruộng lúa, ao cá để bẫy chuột - Ảnh Đ.Vịnh

Xuyệc điện đánh bắt cá do các thợ điện, thậm chí cả tay ngang tự chế và được mua bán vô tư với giá chỉ vài trăm ngàn đồng. 

Việc đánh bắt cá bằng xuyệc điện tự chế, theo người dân trong nghề, có thể giết chết cả trâu bò - Ảnh Đ.Vịnh

Loại thiết bị này ngày càng được sử dụng khá phổ biến, mặc dù lâu nay cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nghiêm cấm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Những cái chết thương tâm

Đáng báo động

Việc sử dụng điện bắt cá, bẫy chuột rất nguy hiểm, từng gây ra nhiều vụ chết người thương tâm.

Lâu nay ngành điện đã khuyến cáo, cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn tồn tại ở nông thôn đáng báo động.

Năm nay Điện lực Đồng Tháp phối hợp với Hội Nông dân triển khai chương trình hướng dẫn sử dụng điện an toàn cho nông dân.

Chúng tôi đưa nhân viên xuống từng chi hội nông dân hướng dẫn, trong đó đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên sử dụng điện để bẫy chuột và bắt cá.

Hiện chương trình đã thực hiện được ở 20 xã.

Ông PHẠM HỮU KHẢI (giám đốc Điện lực Đồng Tháp)

“Khi lội dưới nước bắt cá phải để hai mũi rà cách xa thân mình, nếu không sẽ bị điện giật. Đang xuyệc mà lỡ trượt ngã thì coi như... tiêu đời luôn. Được cái là nó tiện lợi, nhanh gọn, bắt được cả cá lớn, cá nhỏ” - nhiều người dân cho hay. Vì “tiện lợi” nên thời gian qua đã xảy ra nhiều cái chết rất thương tâm.

Sáng 29-7, người dân thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú (An Giang) phát hiện thi thể anh H. (23 tuổi) nằm sát bờ sông, trên mình có mang bình ăcquy và cần xuyệc điện.

“Trong lúc rà bắt cá, H. bị nhiễm điện dẫn tới tử vong. Loại xuyệc này nếu sử dụng bất cẩn dễ gây chết người” - thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Châu Phú, cho biết.

Vợ chồng anh B. (ngụ xã Vĩnh Lộc, An Phú, An Giang) vốn nghèo khó, quanh năm làm mướn nuôi hai con nhỏ và mẹ già. Họ mua lại bộ xuyệc điện cũ, hằng đêm đánh bắt cá để bán kiếm thêm thu nhập vừa có cá tạp làm thức ăn cho đàn cá lóc mới thả nuôi.

Tối 29-6, vợ chồng xách lưới và xuyệc điện ra đồng, sáng hôm sau người thân tìm thấy thi thể hai người nằm co quắp bên con rạch nhỏ.

Công an huyện An Phú xác định họ gắn biến thế tăng công suất điện bình ăcquy vào lưới để đánh bắt cá, chẳng may một đoạn dây nối hở ra nên khi xuống nước bị điện giật chết tại chỗ.

Giờ đây, người mẹ già 70 tuổi phải gánh nuôi hai đứa cháu nhỏ, đứa lớn mới lên 5 và đứa nhỏ vừa qua tuổi thôi nôi.

Bẫy chính mình

Nhiều nông dân tại khu vực ĐBSCL sử dụng điện để bẫy chuột phá hoại lúa, tuy nhiên lại trở thành nạn nhân từ những cái bẫy chính họ giăng ra. Ông S. (45 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang) là trường hợp như vậy.

Ruộng lúa sau nhà phát triển tốt, tuy nhiên thời gian gần đây chuột liên tục cắn phá nên ông phải hạn chế bằng cách bẫy điện. Ngày 23-7, ông kéo điện từ nhà ra ruộng để bẫy chuột, khoảng 2g sáng hôm sau ông đi kiểm tra bẫy xem có dính được nhiều chuột không, tuy nhiên do trời tối, bất cẩn ông té vào bẫy điện và tử vong.

Hầu như năm nào các địa phương ở ĐBSCL đều xảy ra tình trạng bị điện giật chết do bẫy chuột, thế nhưng tại các cánh đồng ở Hậu Giang vẫn xuất hiện nhan nhản bẫy chuột bằng điện. Tối 24-7, người nhà ông G. (xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) phát hiện ông bị điện giật nằm chết dưới mé ruộng.

Trước đó, ông dùng bình ăcquy và bộ xung điện để diệt chuột tấn công lúa. Hay trường hợp của C. (28 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) bị điện giật tử vong sáng 2-7, công an địa phương cho biết anh là nạn nhân của cái bẫy điện do chính mình đặt ở ruộng nhà.

Nhiều nông dân cho biết biện pháp kéo dây dẫn điện giăng mắc quanh ruộng là cách diệt chuột tiện và rẻ nhất được một số người sử dụng.

Đặc biệt gần đây xuất hiện thêm loại bẫy điện di động còn nguy hiểm hơn, thay vì sử dụng nguồn điện hạ thế thì sử dụng bình ăcquy gắn biến thế nâng công suất điện lên 220V. Loại này có thể đặt ở mọi lúc, mọi nơi và nó như những cái bẫy giết người giăng sẵn khắp cánh đồng.

Chưa đủ răn đe

Ngày 1-8, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Nguyễn Thế Trung (29 tuổi) 5 năm tù và Nguyễn Hữu Trí (51 tuổi) 2 năm tù (cùng ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) về tội giết người. Theo cáo trạng, Trung sắm bộ biến thế tăng công suất điện bình ăcquy làm bẫy chuột.

Chiều 9-3, khi Trung và ông Trí vừa gắn sợi dây dẫn điện vào thì một người dân đi ngang qua bị vướng chân chết tại chỗ.

Trước đó, TAND tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng từng xử các trường hợp dùng dây thép giăng quanh mé ruộng rồi nối với dây dẫn điện nhằm ngăn chuột bảo vệ lúa, làm các em nhỏ tử vong.

“Sử dụng điện bẫy chuột gây chết người là phạm tội giết người, thường bị xử phạt 3-7 năm tù vẫn chưa đủ răn đe, ngăn chặn. Đáng nói là tuy nghiêm cấm bắt cá, bẫy chuột bằng điện nhưng lâu nay các dụng cụ bắt, bẫy nguy hiểm này được sản xuất, mua bán tràn lan khá công khai. Do đó, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo thì cần nghiên cứu bổ sung vào luật những quy định nghiêm cấm, xử lý mạnh tay đối với đối tượng sản xuất, mua bán loại dụng cụ đó” - luật sư Lương Tống Thi, Đoàn luật sư An Giang, nói.

ĐỨC VỊNH - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên