30/07/2012 08:31 GMT+7

Chê trường nghề do chỉ tiêu vào ĐH tăng

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ

TT - Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, năm nay cả nước có hơn 1,5 triệu lượt thí sinh dự ba đợt thi, nhưng chỉ có khoảng 576.000 thí sinh sẽ giành được chỗ ngồi trong giảng đường.

jmqxFtsw.jpgPhóng to
Học viên lớp nghề cơ điện tử tại Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Phú Lâm (TP.HCM) trong giờ học. Theo khảo sát của trường, 90% học viên lớp này có việc làm ngay - Ảnh: Hà Bình

Về mặt lý thuyết, tổng chỉ tiêu chiêu sinh của các trường xét tuyển trực tiếp học sinh mà không bị ràng buộc bởi điểm sàn, như các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, TCCN, hoàn toàn có thể đủ để tiếp nhận các học sinh không trúng tuyển ĐH, CĐ. Thế nhưng từ nhiều năm qua, sau kỳ thi tuyển sinh, các trường nghề thắc thỏm chờ thí sinh đến đăng ký. Nhiều trường được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, nhưng số học sinh đăng ký không đủ mở lớp.

Chỉ tiêu ĐH, CĐ luôn tăng

Theo ông Nguyễn Văn Áng - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), kế hoạch về tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ cả nước năm nay tăng 6,5% so với kế hoạch đặt ra năm 2011. Tuy nhiên, do năm 2011 số thí sinh trúng tuyển chỉ đạt 91,22% nên tổng chỉ tiêu năm nay sẽ tăng hơn mức 6,5% so với con số tuyển sinh thực tế của năm 2011.

Nếu so với số lượt dự thi tuyển sinh thì số trúng tuyển chỉ chiếm hơn 30%. Song nếu so với số học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm khoảng 800.000 thì số thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đã chiếm đến 60%. Tuy nhiên, ông Áng cho rằng: “Nếu xét về tỉ lệ sinh viên/vạn dân thì hiện nay VN vẫn thấp so với thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực. Do đó, từ nay đến năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ còn tiếp tục tăng. Đó là xu thế tất yếu, nhưng tôi cho rằng nên giữ tỉ lệ trúng tuyển ĐH, CĐ không vượt quá mức 60% số học sinh tốt nghiệp THPT mới đảm bảo được chất lượng đào tạo”.

Nhìn từ thực tế các trường: ĐH Mỏ - địa chất tăng 700 chỉ tiêu hệ chính quy ĐH, CĐ với 4.500 (so với 3.800 chỉ tiêu năm 2011); ĐH Công nghiệp Việt Trì tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2011, từ 2.400 lên 2.500 chỉ tiêu, trong đó tăng gấp rưỡi chỉ tiêu ĐH (từ 900 chỉ tiêu năm 2011 lên 1.500 chỉ tiêu năm 2012), đồng thời giảm 1/3 chỉ tiêu đào tạo CĐ (từ 1.500 chỉ tiêu năm 2011 xuống còn 1.000 chỉ tiêu năm 2012). ĐH FPT cũng quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên khoảng 1,5 lần so với năm 2011, từ 1.320 lên 1.900.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây các trường ĐH, CĐ được mở ra, đồng thời tốc độ “nâng cấp” ồ ạt các trường TCCN lên CĐ, CĐ lên ĐH cũng góp phần làm mất cân đối giữa các bậc đào tạo, đào tạo liên thông khép kín từ trung cấp lên CĐ và ĐH của nhiều trường... đẩy chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ lên. Trong năm 2009, chỉ tiêu tuyển CĐ tăng vọt lên 30,7% và ĐH tăng 5,1% so với năm 2008.

Năm 2012, các trường CĐ Thủy sản, CĐ Kinh tế kỹ thuật Điện Biên, CĐ Cộng đồng Hải Phòng... đều xác nhận số thí sinh dự thi còn không đạt số chỉ tiêu, nghĩa là thí sinh không hề phải “chọi” với bất cứ thí sinh nào, chỉ cần đạt điểm sàn. Ông Trần Văn Cường - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Hưng Yên - lý giải: “Các trường ĐH “vét sạch” thí sinh khi tuyển đến “đáy sàn”, khiến học sinh nuôi tâm lý kiểu gì cũng vào được ĐH để từ chối tất cả cánh cửa còn lại phù hợp với bản thân hơn”.

Hiệu trưởng một trường TCCN ở TP.HCM cũng cho rằng chỉ tiêu đào tạo ĐH, CĐ hiện nay đã quá nhiều, Bộ GD-ĐT cần tính toán cân đối với hệ đào tạo nghề, TCCN. Khi đó những học sinh có năng lực phù hợp được học ĐH, CĐ, số còn lại phải học TCCN, học nghề.

IiV5jRcd.jpgPhóng to
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục tăng qua các năm. Chỉ tính riêng trong năm 2012, chỉ tiêu ĐH tăng 9,8% và CĐ tăng 6,2% so với chỉ tiêu tuyển thực tế năm 2011 - Đồ họa: N.Kh.

Cần quan tâm dự báo nguồn nhân lực

Sẽ tiếp tục tăng

Theo lộ trình đã định, từ nay đến năm 2020, chỉ tiêu đào tạo trình độ ĐH, CĐ sẽ tiếp tục tăng, trong đó giai đoạn 2010-2015 mức tăng 6,5%/năm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay mức tăng của ba năm trở lại đây đã giảm nhiều so với giai đoạn trước 2010. “Đã có những năm chỉ tiêu tuyển sinh tăng đến mức hơn 15%/năm, nhưng nay để bảo đảm chất lượng, không thể để chỉ tiêu tăng cao như vậy nữa”.

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, cho rằng trong khi các nước quy mô đào tạo bậc trung cấp chiếm tỉ lệ nhiều hơn số sinh viên CĐ, ĐH thì ở VN ngược lại. Điều này sẽ làm mất cân đối nguồn nhân lực trong tương lai. “Thực tế các trường đang đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần. Tuy nhiên, khó khăn của các trường là không biết xã hội đang cần nhân lực ra sao để đáp ứng. Theo tôi, Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư cho công tác dự báo nguồn nhân lực từng lĩnh vực ngành nghề để tổ chức đào tạo các bậc học hợp lý hơn” - bà Mai nói.

Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - cũng cho rằng ngành giáo dục cần sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo cho rõ ràng. Cũng theo ông Tuấn, việc định hình thị trường lao động ở các nước được thực hiện trước 20-30 năm nên dễ dàng biết được cần đào tạo bao nhiêu người trình độ nào (trung cấp, ĐH) ở từng ngành nghề, trong khi VN lại không cân đối được các bậc ngành, ngành nghề đào tạo. Vì thế, dẫn tới việc học sinh đua nhau thi ĐH, nhiều người không muốn học trung cấp, học nghề. “Ở các nước, mỗi năm các doanh nghiệp phải báo với cơ quan nguồn nhân lực nhu cầu họ cần. Còn ở VN cứ nhắm mắt đào tạo, không cần biết nhân lực từng ngành nghề thừa thiếu ra sao và cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Đã đến lúc cần phải thay đổi cơ cấu đào tạo để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước” - ông Tuấn chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, các trường nghề và trường TCCN cũng có những nỗ lực để tự cứu mình như quảng bá hình ảnh, tạo liên kết với doanh nghiệp, xây dựng liên thông giữa các bậc học... nhưng xem ra chưa hiệu quả, không xóa tan được tâm lý “tạm trú” của nhiều học sinh khi học ở các trường nghề và các trường TCCN. “Cần có những quyết sách vĩ mô, không chỉ để cứu các trường nghề và trường TCCN trong tuyển sinh, mà còn để khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp phân luồng sau trung học phổ thông, định hướng vào đời thiết thực hơn cho các học sinh vừa rời ghế nhà trường” - TS Nghĩa nói.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên