28/11/2017 11:33 GMT+7

Chế độ ăn cho bệnh nhân đang mắc bệnh vảy nến

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Nếu có một chế độ ăn uống hợp lý, đôi khi tác dụng còn hiệu quả hơn cả sử dụng các loại thuốc điều trị vảy nến.

Chế độ ăn cho bệnh nhân đang mắc bệnh vảy nến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: saudedica.com.br

Bệnh vảy nến là bệnh lý về da mạn tính, có tính chu kỳ và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường ít gây đau đớn nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt vảy nến vùng da đầu là hay gặp hơn cả. Bệnh tiến triển từng đợt và có thể dai dẳng suốt đời. Đôi khi người bệnh cũng nên chấp nhận sống chung với vảy nến, một bệnh tương đối lành tính, tuy khó chữa dứt điểm. Chế độ ăn hợp lý có hiệu quả giảm nhẹ các dấu hiệu bệnh.

Hiện nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh. Thời gian gần đây, di truyền học đã xác định được bệnh vảy nến có tính cơ địa di truyền và cơ chế tự miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác động khác có thể sinh bệnh đó là các yếu tố như stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường...

Biểu hiện thường thấy nhất của bệnh vảy nến là những mảng đỏ có kích thước khác nhau. Các mảng này trông khác hẳn, hơi gồ lên, cứng cộm và có ranh giới rất rõ với vùng da bên cạnh. Ban đầu, vảy thường khởi phát bằng những thương tổn vùng thượng bì ở da đầu. Khi giới hạn của các mảng chưa rõ ràng, bệnh thường dễ bị nhầm với chàm da mỡ, nấm da. Những thương tổn này thường có khuynh hướng lan ra phía trước, ở trán, tạo thành hình móng ngựa. Trường hợp nặng, những mảng đỏ có thể lan rộng khắp da đầu và xuất hiện vảy da. Tóc ở những vị trí đó vẫn mọc xuyên qua lớp vảy da bình thường. Tuy nhiên, khi cạo, gãi thì người bệnh vảy nến da đầu sẽ thấy những vảy bạc bong ra dễ dàng như gầu hoặc sáp nến.

Nếu có một chế độ ăn uống hợp lý, đôi khi tác dụng còn hiệu quả hơn cả sử dụng các loại thuốc điều trị vảy nến. Một số thực phẩm người bệnh nên ăn như cá biển (có nhiều omega-3 như cá hồi, cá thu, cá saba), omega- 3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm trong bệnh vảy nến như leucotriene 3 và 5. Vì vậy, nếu dùng 150g cá biển mỗi ngày trong một thời gian dài sẽ rất hiệu quả trong chữa trị. Rau quả có nhiều beta-caroten như trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài có chứa nhiều beta-caroten có khả năng hữu hiệu để bảo vệ cấu trúc da. Vừng đen có chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự omega-3, vừa cung cấp sinh tố E cần thiết cho lớp sợi liên kết dưới da. Vì vậy, các món ăn chế biến từ vừng đen rất tốt cho người mắc bệnh vảy nến.

Bông cải xanh với acid folic luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Bông cải xanh được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp lượng acid folic thiết yếu cho da đầu.

Ngao sò có chất kẽm là khoáng chất vô cùng cần thiết cho da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngao sò lại cung cấp lượng kẽm rất lớn. Nếu như không bị dị ứng hải sản thì đây là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh vảy nến.

Bên cạnh đó, một số thực phẩm người bệnh nên tránh như các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là món đồ ăn nhiều protein và tanh: tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp xưởng , xúc xích, gà, đồ hộp, trứng,... Đồ uống có chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt... Đồ ăn có chứa nhiều chất béo: đường, sữa, mỡ, bơ, chocolate, đồ ngọt tổng hợp. Ngoài ra, người bệnh vảy nến phải chú ý: hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm,... Thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm: nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc.

Dành thời gian mỗi buổi sáng sớm phơi nắng khoảng 15 phút sẽ rất tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời; không được tắm nước nóng; và không được gãi, kỳ cọ, chà xát vùng da thương tổn để tránh lan rộng thêm.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên