24/08/2007 02:02 GMT+7

Che chở đời con

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - YẾN TRINH
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - YẾN TRINH

TT - Ngày Lân ra đời - đứa con trai duy nhất - bà Huỳnh Thị Kim Hoa nâng niu con trong vòng tay. Rồi một ngày, bà nhìn người ta tra còng vào tay Lân.

5KyEgP1e.jpgPhóng to
Bà Kim Hoa: “Nếu tôi không ngẩng đầu lên thì con tôi sẽ còn chỗ dựa nào trong cuộc đời này?” - Ảnh: T.HÙNG
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Rồi một ngày, tay bà run run xích tay chân cho Lân qua cơn nghiện. Bao ngày trên chiếc xe đạp cũ, bà chở con đi xin từng viên thuốc cho đoạn cuối cuộc đời.

Bài 1: Như dòng sữa mẹ

Khúc quanh cuộc đời

Năm Lân 17 tuổi, công an ập đến nhà. Họ nói Lân trấn lột có vũ khí. Bà Hoa kéo con từ trên mái nhà xuống cho họ còng tay mà nước mắt chảy ròng ròng. Lân là con trai một, đứa con trai mất cha từ tấm bé, là đứa con trai mà bà Hoa đã lặn lội làm đủ nghề từ làm móng tay dạo, bán đồ trả góp, rồi giáo viên, kế toán... để nuôi nấng. Bà đã từng tự hào vì thành tích học sinh khá giỏi của Lân, còn bây giờ đã thành phạm nhân. Cuộc đời của người mẹ bắt đầu chìm đắm trong những nỗi đau để cứu con ra khỏi bóng tối.

Lân bị bắt vì tội trấn lột một chiếc xe đạp cũ. “Mẹ ơi, con ham chiếc xe đạp leo núi quá, nhưng không biết làm sao?!” - bà Hoa nhớ hoài tiếng đứa con khao khát một thứ vật chất bình thường mà như nhát dao cứa vào lòng bà. Lân bị bắt rồi, bà không ngủ được vì dằn vặt. Trước đó, Lân có hỏi xin tiền để mua chiếc xe đạp leo núi, bà thực lòng cũng muốn gom góp tiền mua cho con. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bà lại sợ con tụ tập bạn bè đua xe nên thôi. Bây giờ, bà phải bán đổ bán tháo mọi thứ để lo luật sư, hầu kiện cho con. Tiền hết mà Lân vẫn phải ngồi tù hai năm.

Ngày Lân ra tù, bà Hoa được hồi sinh. Bà xin cho Lân học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên tại Q.10 (TP.HCM). Những tưởng Lân sẽ trở lại thành đứa con ngoan giỏi ngày xưa, nhưng không, Lân đã trở nên ma mãnh, lì lợm hơn. Lân bị đuổi học vì đánh nhau trong trường, không còn thích xe đạp leo núi mà đã biết tụ tập đua xe máy.

Những đêm Lân tụ tập đua đòi ngoài đường cũng là những đêm bà Hoa thức ròng rồi ra lan can đứng ngóng. Ngóng mãi không thấy, bà xách xe đạp đi tìm con. Đêm đã khuya mà bà cứ sục sạo khắp các hẻm hóc, có người bảo bà điên, có người khuyên bà về. Thành phố mênh mông, tìm sao được con? Nhưng cũng phải tìm thôi, vì ở nhà bà đứng ngồi không yên.

"Có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả vì những cơn nghiện ập đến, vì tuyệt vọng về căn bệnh trong người mình. Nhưng lúc ấy, tiếng trở mình của mẹ tôi trong đêm, những giọt nước mắt của mẹ đã níu tôi trở lại. Tôi như đang đứng giữa đôi bờ tối sáng. Tình thương bao la của mẹ như ánh sáng bao trùm lên tôi. Tình thương của mẹ đã kéo tôi về với cuộc sống, cho dù không biết nó còn bao lâu".

Nhiều người nói với bà Hoa: “Coi chừng con bà nghiện heroin rồi”. Bà cũng nghi ngờ về điều ấy vì mỗi lần đi về, Lân cứ chạy ào vào nhà vệ sinh thật lâu. Có lần bà thấy hai gói giấy bạc nho nhỏ trong ví Lân. Gặng hỏi mãi, Lân nói dối rằng đó chỉ là thuốc hút thông thường.

Bà cũng tin, tin dễ dàng như một đứa trẻ. Bởi vì thẳm sâu trong lòng, bà không muốn tin đứa con trai duy nhất của mình là con nghiện. Cho đến một ngày, khi bắt gặp Lân dùng ma túy, trái tim bà như vỡ tan. "Mẹ ơi, con lỡ. Mẹ cứu con với! Tiếng con tôi kêu như vọng về từ địa ngục" - bà Kim Hoa nhớ lại.

Bà đã mua không dưới 30 ống khóa và 10 dây xích. Tự tay bà giúp Lân cai nghiện bằng cách xiềng chân con lại. Mỗi lần xiềng chân Lân, con khóc, bà cũng khóc. Thế rồi, Lân tự phá xiềng và lao vào ma túy. Bà bỏ việc, hớt hơ hớt hải đạp xe đi tìm. Có hôm bắt gặp Lân đang hút, bà ôm cứng con lại như một bản năng của người mẹ bảo vệ con mình. Lân vùng khỏi vòng tay bà và lao đi, cơn đau tim ập đến, bà ngất giữa đường, nhưng còn kịp yên lòng bởi Lân vẫn còn chút tình mẫu tử, chạy đi rồi quay lại lo cho mẹ. Đến khi ấy, bà Kim Hoa mới tin rằng xiềng xích không thể giữ được Lân trước sự cám dỗ của ma túy, bà cắn răng đưa con vào trường cai nghiện Phú Văn.

Hai năm sau, Lân về. Bà lo cưới vợ cho Lân, rồi đi xin cho Lân vào làm ở một tiệm giày và bà cũng có một đứa cháu trai bụ bẫm. Đó là quãng thời gian mà bà Hoa tin rằng thử thách của định mệnh đã qua, gia đình bà lại êm ấm như ngày xưa... Vậy mà một lần nữa, ma túy lại giành mất đứa con từ tay người mẹ. Lân lại tái nghiện, lại một lần nữa, người mẹ ngậm ngùi đưa con đi cai nghiện.

“Tình mẫu tử đưa con tôi về”

25 tết, khi mọi người đang sắm sửa sum họp đón xuân về, bà Kim Hoa nhận được cuộc điện thoại: “Lên bệnh viện đón thằng Lân về, nó nhiễm HIV rồi!”. Lân đã bị HIV/AIDS giai đoạn cuối. Người ta kể khi nghe tin này, Lân đã không đủ can đảm đối diện với căn bệnh và đã định tự tử. Còn bà thì như rơi từ núi cao xuống vực thẳm.

Nhưng tất cả vì con, bà buộc mình phải đứng lên và che chở cho con, cho dù con đường phía trước chỉ thấy vực sâu. Lân giờ chỉ còn là một cái xác tiều tụy. Người ta bảo bà về chuẩn bị lo hậu sự cho con, nhưng bà không chịu đầu hàng số phận. Ngày nào bà cũng cọc cạch đạp xe chở con đi uống thuốc điều trị. Nghe ai chỉ ở đâu có thầy hay, người mẹ đã bước qua tuổi 50 ấy cũng lặng lẽ chở con đi tìm. Bà âm thầm giấu con căn bệnh hẹp van tim của bà đã vào giai đoạn 3.

hdh8SWn9.jpgPhóng to
Hơn 30 tuổi rồi, Lân vẫn là đứa con bé bỏng của bà Hoa
Cho đến khi người ta chỉ cho bà tìm đến một cơ sở hỗ trợ thuốc đặc trị thuộc ủy ban Phòng chống AIDS của TP.HCM, Lân mới dần dần hồi sinh. Bà Hoa cũng như người chết đi sống lại. Sợ Lân mặc cảm, buồn, ban ngày đi đâu bà Hoa cũng chở Lân theo. Tối, bà lại chở con đi chùa nghe thuyết pháp. Bà tin rằng con bà sẽ tìm thấy ánh sáng ở phía cuối con đường hầm mà bà vẫn ngày ngày đồng hành với con đi về phía ánh sáng ấy.

Rồi con bà trở thành một giáo dục viên đồng đẳng, lãnh những đồng lương đầu tiên. Đã lâu lắm rồi bà mới có nụ cười, cười ra nước mắt. Lân tình nguyện đi khắp các ngõ ngách thành phố chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối như mình. Hôm Lân được nhận giấy khen của thành phố, bà khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Bà Kim Hoa nói: “Tôi đã từng mong cho con trở thành người tốt, nhưng rồi nó nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Nhưng bây giờ nó đã là người tốt, làm những việc có ích cho đời, phải chăng tôi đã từng mong điều đó”.

Bà Kim Hoa vốn là một nhà giáo, mười năm khi con bà rơi vào vòng xoáy ma túy, đi ra đường bà thường dùng chiếc nón rộng vành để che đi nỗi tủi hổ của một người mẹ với cuộc đời. "Nhưng tôi vẫn có một thứ mạnh nhất trên đời là lòng tin. Chỉ có lòng tin của người mẹ mới có thể cứu được con mình. Những lúc tuyệt vọng nhất tôi đã ngộ ra rằng: Nếu tôi không ngẩng đầu lên thì con tôi sẽ còn chỗ dựa nào trong cuộc đời này, tôi phải giành lại con từ tay thần chết. Tôi tin rằng tình mẫu tử sẽ đưa được con tôi về". Và cuối cùng, con của bà Hoa đã trở về, dù không còn nguyên vẹn hình hài.

Trong ngôi nhà cuối con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thượng Hiền (quận Bình Thạnh), người mẹ đã xấp xỉ 60 tuổi ấy ngồi chăm lo con trai mỗi ngày. Bà Hoa tưởng chừng đã mất con khi nó mới 20, nay Lân đã trở thành người đàn ông độ tuổi 30 nhưng vẫn ngoan ngoãn ngồi bên mẹ. Bóng của bà vẫn che chở đời con.

______________________

Mùa Vu lan năm nay chị cũng sẽ đi chùa. Để cảm ơn trời phật đã cho chị những đứa con - ca sinh tư thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở VN, dù những đứa con không vẹn toàn...

Kỳ tới: Món quà của tạo hóa

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên