20/12/2011 10:02 GMT+7

Cháy xe, mù mờ trách nhiệm

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Liên tục xảy ra cháy, thậm chí nổ xe máy. Một trong những vụ như thế đã cướp đi sinh mạng của một phụ nữ đang mang thai và cả con gái nhỏ của nạn nhân. Tâm lý hoang mang, nghi ngại về chất lượng, nhất là độ an toàn của những chiếc xe, ngày càng lan rộng trong xã hội trong khi các nguyên nhân gây cháy nổ vẫn mù mờ.

Cháy xe Honda: Họp đến khuya vẫn chưa kết luận Thử lý giải nguyên nhân xe máy bốc cháyCác vụ cháy xe máy: Chưa ai chịu trách nhiệm Xe Honda Lead bốc cháy trên quốc lộ 5 Rất nhiều nguyên nhân gây cháy xe máy

Không thể coi đây là điều rủi ro thông thường, kiểu như trong những trường hợp rất cá biệt mà một sản phẩm làm ra theo quy trình sản xuất hàng loạt, bị khuyết tật một cách ngẫu nhiên và do nguyên nhân khách quan. Các vụ cháy xe máy xảy ra liên tục như một chuỗi sự cố trùng lắp khiến người tiêu dùng đặt ra hàng loạt câu hỏi. Nhiều người nghi vấn về một trục trặc nào đó trong quá trình thiết kế, sản xuất và đưa sản phẩm vào lưu thông.

Cũng có người cho rằng do chất lượng xăng. Nhiều ý kiến lại cho rằng sự cố do người tiêu dùng can thiệp vào xe hoặc bảo trì không đúng kỹ thuật. Thậm chí, đa nghi hơn thì không loại trừ khả năng có nhà kinh doanh cạnh tranh bằng “đòn dưới thắt lưng”... Và còn nhiều nghi ngờ khác nữa, có thể chưa dừng ở đó khi nguyên nhân gây cháy, nổ xe vẫn là một ẩn số.

Chiếc xe trước khi xuất xưởng phải qua sự rà soát gắt gao của hệ thống kiểm định chất lượng kỹ thuật, vận hành theo các tiêu chí được doanh nghiệp cam kết tuân thủ và được pháp luật thừa nhận. Đối với sản phẩm nhập khẩu còn có hàng rào kiểm định chất lượng do nhà chức trách nước sở tại lập ra nhằm bảo đảm không cho lưu hành những phương tiện không an toàn, nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng.

Nhà phân phối, ở đây là các đại lý, cũng có trách nhiệm rà soát, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi giao cho khách hàng, bởi chính họ là người bảo đảm với khách hàng về việc sản phẩm phù hợp với những cam kết về quy cách và chất lượng do nhà sản xuất công bố.

Bởi vậy, khi xe liên tục bị bốc cháy, lẽ ra các bên liên quan phải rà lại từng khâu trong quy trình, chỗ nào vận hành không suôn sẻ, dẫn đến để lọt sản phẩm bị khuyết tật thì khắc phục, nếu do người tiêu dùng thì phải có khuyến cáo để tránh xảy ra tình trạng tương tự. Đó cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối, nhà kiểm định... trước cộng đồng nói chung và người trực tiếp tiêu dùng các sản phẩm này.

Song, đến nay ngoài cơ quan công an vào cuộc ở một vài vụ cụ thể, xã hội chưa ghi nhận được động thái tích cực từ các đơn vị được cho là có liên quan đến những vụ tai nạn này. Thật khó cho hàng chục triệu người tiêu dùng khi họ không biết điều gì đang xảy ra, nguyên nhân ở đâu, lỗi do ai, cách nào để phòng tránh các tai nạn mà khi xảy ra không chỉ thiệt hại tài sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Trên nguyên tắc, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ quan kiểm định, nhà phân phối, người bảo trì... giải trình những gì liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của họ. Không khó để xác định lô hàng xuất xưởng hoặc nhập khẩu có xe bị cháy nổ để từ đó tìm ra sự cố. Cũng chẳng quá phức tạp để các cơ quan chức năng, từ những đống sắt vụn còn lại sau các vụ cháy tìm ra được khổ chủ của những chiếc xe bị nạn, mời họ cùng tham gia làm rõ nguyên nhân.

Vậy bao giờ mới có được câu trả lời vì sao hàng loạt xe máy lại cháy, có chiếc bị nổ và cách nào để bảo đảm an toàn cho tài sản và cả tính mạng của người sử dụng?

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên