Phóng to |
Và đến nay, khi các sách có chữ ký tác giả tặng Huy Cận được chào bán rộng rãi trên một vài diễn đàn mạng, giới quan tâm vẫn chưa ước định được số lượng sách từ gia đình cố thi sĩ Huy Cận bị “chảy máu” ra chợ chuyến này chừng bao nhiêu quyển. Nhưng cứ xem giới sưu tập chào bán cho nhau, chỉ trên một trang mạng, cũng đã lên đến vài chục quyển.
Những người quan tâm đến sự nghiệp của nhà thơ Huy Cận, những người yêu mến ông và vẫn dành những tình cảm tốt đẹp cho ông chắc khó hình dung có một ngày những quyển sách từng được ông nâng niu giữ gìn, sử dụng trong công việc, và cũng là những hiện vật lưu giữ cảm tình, lưu bút của rất nhiều bè bạn gần xa... bị bán tản mát vào nhân gian như vậy.
Dò theo đường đi vắn tắt trên mạng, người ta cũng không khỏi giật mình chép miệng khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những quyển sách từ tủ nhà Huy Cận đang lần lượt ra đi.
Rất nhiều sách của những người nổi tiếng tặng ông, có khi kèm theo đó là lời nhắn thể hiện tình cảm bạn bè như Nguyễn Xuân Sanh đề tặng trên tập Sáng thơ: “Yêu mến tặng bạn của Sanh, Huy Cận, rất nhớ những ngày chúng ta cùng nhau đi vào cuộc đời làm thơ...”, ký tháng 12-1971. Hay như Hà Xuân Trường ký tặng Huy Cận trên quyển tiểu luận Văn học - Cuộc sống - Thời đại: “Tặng Huy Cận - Bạn còn hay mất vẫn là bạn/đồng chí tình thân nghĩa vẹn toàn”, ký ngày 25-12-1986.
Có cả những lời gửi gắm rất nghiêm túc như Bảo Định Giang ký trên tập Thơ văn yêu nước Nam bộ: “Gửi Huy Cận mấy vần thơ yêu nước của ông cha chúng ta - ở Nam bộ, nơi anh đã từng sống và hiện nay anh đang viết nhiều về mảnh đất thân yêu này”, ký ngày 23-9-1962. Lại có lời đề tặng và nhắc lại kỷ niệm như một mối giao tình, đó là nữ sĩ Anh Thơ ký trên tập Tiếng chim tu hú: “Thân quý tặng bạn thơ mới Cù Huy Cận, một tri âm của tập Lệ Sương. Hà Nội, 1996”.
Đọc những dòng này, có người bạn quan tâm đến những chuyện làng văn đưa ra nhận xét: Vậy là hoàn cảnh ra đời tập Lệ Sương của Anh Thơ hẳn có liên quan gì với nhà thơ Huy Cận đây.
Đặc biệt có tập sách của Tế Hanh đề tặng chung cả Xuân Diệu và Huy Cận cũng ra đi trong đợt này, đó là tập Thơ và cuộc sống mới với nét chữ Tế Hanh còn tươi rói: “Gửi Diệu Cận quyển sách nhỏ này trong ấy Hanh nghĩ đến Diệu Cận nhiều”, ký tháng 2-1962.
Mà đâu chỉ có sách, còn thư của Huy Cận gửi cho vợ lúc ông đi Trung Quốc, cả bài kiểm tra của người con trai năm học lớp 7, có cả bản thảo chùm thơ ông làm nhân dịp xuân năm nào đó có ghi “Gửi đăng số tết báo Người Hà Nội”, bản thảo do người chào bán chụp rõ, đọc được cả bài thơ đầu tiên - Thăm chùa Trăm Gian: “Trăm gian biết trú gian nào/ Mai sau biết có được vào một gian?/ Miễn là sống đẹp nhân gian/ Khi về vũ trụ ôn hàn lo chi”.
Bây giờ thì cũng không ai biết được những tư liệu quý giá này đang “trú gian nào” trong cơn lưu lạc. Lại nhớ những lần giới sưu tập bảo nhau bản thảo nhà vị này, tủ sách nhà giáo sư kia đang tuồn ra, trong đó có cả những sách do danh gia tặng cho người khả kính, chủ sách còn sống mà sách vẫn “chảy” ra chợ. Nhìn đã thấy ngậm ngùi.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, câu chuyện không chỉ có nỗi chạnh lòng khi những hiện vật cần trân trọng lại biến thành hàng hóa.
Năm kia, tủ sách của một đạo diễn nổi tiếng bị bán ngay khi đám tang ông vừa xong, có người mua được một quyển, và thẳng thắn bày tỏ với gia đình cố đạo diễn khi họ có ý kêu nhượng lại: tôi có tư cách giữ quyển này hơn, vì tôi sẽ khai thác nó một cách có ích, và tôi luôn nhớ đến người cố đạo diễn khi làm việc với quyển sách này.
Đây cũng là tinh thần của giới sưu tập thủ bút, sách cổ vì công việc. Như trong buổi tụ tập bàn tán về tủ sách Huy Cận mới đây, có người phát hiện ba chữ Hán “Cù Huy Cận” viết trên quyển Tiếng hát làm dâu, “hóa ra chữ Cận này không phải chữ cận có nghĩa là gần như lâu nay mình vẫn nghĩ”.
Và như vậy, biết đâu khi trở thành hàng hóa, những hiện vật kia mới có dịp đến với người cần lưu giữ, biết trân trọng và khai thác giá trị của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận