10/10/2016 09:03 GMT+7

Châu Phi sẽ thành công xưởng của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trung Quốc đang thiếu nhân công giá rẻ, trong khi châu Phi đang đáp ứng được những điều kiện đó.

Đường xe lửa mới khánh thành đầu tháng 10 ở Ethiopia mang màu sắc rất Trung Quốc. Tuyến đường dài 750km và trị giá đầu tư 4 tỉ USD - Ảnh: Reuters
Đường xe lửa mới khánh thành đầu tháng 10 ở Ethiopia mang màu sắc rất Trung Quốc. Tuyến đường dài 750km và trị giá đầu tư 4 tỉ USD - Ảnh: Reuters

“Các nước châu Phi không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và phương Tây. Họ đang tạo dựng mô hình phát triển của riêng mình

Chuyên gia David Dollar

Trung Quốc đang gặp những vấn nạn như dân số già đi, người dân không muốn làm công nhân, lương bổng tăng cao và do đó tính cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa cũng giảm đi.

Bắc cầu sang châu Âu và Trung Đông

“Tình hình này ở Trung Quốc đang là một cơ hội đặc biệt cho châu Phi” - nhà nghiên cứu người Mỹ David Dollar, thuộc Viện Brookings, nhận định chắc chắn với báo Le Monde.

Ông có đủ hiểu biết và uy tín để đưa ra nhận định trên bởi ông từng là giám đốc của Ngân hàng Thế giới (WB) ở Trung Quốc giai đoạn 2009-2013 và từng là đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh.

Theo ông Dollar, châu Phi sẽ là một phần trong chiến lược tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc. “Châu Phi có thể trở thành công xưởng của Trung Quốc.

Nhưng cũng cần phải thực tế một chút. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc sẽ chuyển hướng sản xuất một số mặt hàng sang Việt Nam hoặc Bangladesh, sau đó mới hướng sang châu Phi”.

Sự lựa chọn lục địa đen của Bắc Kinh nằm trong tính toán sử dụng nơi này (cùng các mối quan hệ lịch sử của nó) để bắc cầu sang châu Âu và Trung Đông, đó là chưa kể lượng khách hàng trung lưu tiềm năng của châu Phi sắp tới sẽ mua sắm nhiều hơn.

Thật ra trong thời gian qua, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã dần đặt những viên đá vững chắc đầu tiên trên lục địa đen xa xôi.

Tại các đặc khu kinh tế quanh thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đã có khoảng 20 nhà máy Trung Quốc thuộc các lĩnh vực vải sợi và điện tử đi vào hoạt động.

Mùa hè vừa qua, Ethiopia cũng vừa khánh thành khu công nghiệp lớn nhất nước. Khu công nghiệp rộng 1.000km2 này do Trung Quốc xây dựng tại Hawassa, cách thủ đô Addis Ababa khoảng 300km.

Khu công nghiệp Hawassa sẽ được dành chủ yếu cho các doanh nghiệp vải sợi và may mặc - lĩnh vực mới chỉ chiếm 5% GDP của Ethiopia, nhưng lại là thế mạnh của Trung Quốc.

Chuyên gia David Dollar phân tích: “Ta thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hướng sang châu Phi để tìm nơi đặt nhà xưởng, phân nhỏ quy mô sản xuất để khai thác lợi thế giá rẻ”.

Tư nhân năng động hơn

Mối quan hệ châu Phi - Trung Quốc vì thế đang đổi thay, dần hướng từ kiểu thu mua và khai thác nguyên liệu sang sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ tại chỗ.

Thực tế là nhu cầu nội địa của Trung Quốc cũng đang suy giảm vì cung vượt quá cầu. Theo chuyên gia Dollar, đây là cơ hội để các quốc gia châu Phi chuyển mình, đầu tư cho nguồn nhân lực để hứng làn gió mới đầu tư từ Trung Quốc”.

Trong xu thế khá rõ này, chắc chắn các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xem châu Phi như giải pháp thay thế cho các khu công nghiệp châu Á cũng sẽ đến lúc đi vào vết xe đổ ở ngay chính Trung Quốc: thiếu nhân lực lao động, đòi hỏi lương bổng cao... chưa kể thị trường mới mẻ ở châu Phi hấp dẫn hơn nhiều.

Ngay trong cuộc đầu tư sang châu Phi, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tỏ ra rất nhạy bén và linh động. Như Tập đoàn viễn thông Huawei đã lên kế hoạch mở xưởng sản xuất một số linh kiện tại châu Phi và thậm chí sẽ sản xuất cả điện thoại thông minh tại đây.

Chuyên gia David Dollar cho biết song song với đầu tư sản xuất, ngày càng nhiều ngân hàng đầu tư của Trung Quốc mở chi nhánh hoạt động ở châu Phi.

Theo tính toán, giới làm ăn tư nhân của Trung Quốc và các ngân hàng Trung Quốc đã đầu tư khoảng 10 tỉ USD vào các dự án ở châu Phi.

Ngoài Ethiopia, Uganda cũng được xem là một trường hợp thành công khi đang thu hút được đầu tư nước ngoài.

“Tất cả tùy thuộc vào ban lãnh đạo địa phương, nạn tham nhũng vòi vĩnh, hệ thống chính trị để quyết định mức độ thành công. Những trường hợp như ở Nam Phi, Tanzania cũng đang rất tốt” - chuyên gia Dollar chỉ rõ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên