26/11/2011 07:53 GMT+7

Châu Âu tiếp tục bế tắc

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Thị trường chứng khoán Á, Âu và đồng euro tiếp tục tụt dốc sau khi Bồ Đào Nha và Hungary bị hạ định mức tín dụng xuống mức “rác”, trong khi đàm phán giữa Đức, Pháp và Ý không đem lại kết quả cụ thể.

Ew802yDW.jpgPhóng to
Người dân Bồ Đào Nha biểu tình ở Lisbon để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ dẫn tới tình trạng mất việc hàng loạt và lương bị cắt giảm - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong phiên giao dịch ngày 25-11, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật) giảm 1,4% xuống mức thấp nhất trong bảy tuần qua. Trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật), chỉ số Nikkei-225 sụt tới 5,17% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2009. Thị trường chứng khoán châu Âu ảm đạm. Giá đồng euro giảm còn 1 euro đổi được 1,3302 USD, thấp nhất sau sáu tuần.

“Đồng euro sẽ tiếp tục trồi sụt thất thường trong thời gian tới, nhưng chắc chắn xét về lâu dài, đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm mạnh do khủng hoảng nợ chưa biết bao giờ mới chấm dứt” - AFP dẫn lời một chuyên gia tài chính tại Tokyo dự báo. Chuyên gia Markus Rosgen thuộc Tập đoàn Citigroup cũng nhận định thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục ảm đạm do “nỗi sợ hãi là quá lớn”.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Đức tiếp tục tăng sau phiên bán đấu giá “thảm họa” ngày 23-11. Theo Hãng tin DW, hiện lãi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức 2,2%, vượt xa ngưỡng 1,88% mà Chính phủ Mỹ phải trả cho trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư ngày càng mất niềm tin vào trái phiếu châu Âu.

Đàm phán Đức, Pháp, Ý thất bại

Thị trường trở nên ảm đạm sau khi cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Ý Mario Monti không đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào. Theo Reuters, ba nhà lãnh đạo chỉ cam kết thay đổi các hiệp ước châu Âu để thúc đẩy các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro hội nhập sâu hơn nữa về tài chính và đạt thỏa thuận ngừng tranh cãi về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trước đó, Tổng thống Pháp Sarkozy đã kêu gọi Đức cho phép ECB mạnh tay mua trái phiếu của các nước châu Âu đang khủng hoảng nhằm giảm chi phí cho vay. Hà Lan cũng đang gây sức ép buộc Berlin nghiêng về giải pháp mở rộng vai trò của ECB. Tuy nhiên, bà Merkel một lần nữa lắc đầu. Chính ECB cũng không mấy hào hứng với viễn cảnh in tiền hàng loạt để mua nợ của các nước châu Âu.

“Các nước khu vực sử dụng đồng euro không nên hi vọng ECB tài trợ cho thâm hụt ngân sách quốc gia của họ” - ủy viên ECB Jose Manuel Gonzalez-Paramo tuyên bố. Bà Merkel tiếp tục bác bỏ kế hoạch 17 nước sử dụng đồng euro cùng phát hành loại trái phiếu chung eurobond, ý tưởng được ông Sarkozy ủng hộ.

Báo New York Times dẫn lời các chuyên gia kinh tế nhận định bà Merkel và các quan chức Đức e ngại việc cho phép ECB mạnh tay mua trái phiếu hay các nước cùng phát hành eurobond sẽ giảm sức ép cải cách tài chính đối với các nước đang nợ lớn, khiến họ từ bỏ các chương trình cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo mà Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra.

Bồ Đào Nha ra khỏi câu lạc bộ các nước an toàn!

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn với các diễn biến xấu từ Bồ Đào Nha và Hungary. Theo Bloomberg, ngày 24-11 Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch đã hạ định mức tín nhiệm trái phiếu Bồ Đào Nha từ BBB- xuống còn BB+, tương đương mức “rác”, nghĩa là rời khỏi câu lạc bộ những nước an toàn. Fitch dự báo GDP của Bồ Đào Nha sẽ sụt giảm 3% vào năm 2012.

Theo Fitch, suy thoái sẽ khiến Chính phủ Bồ Đào Nha càng khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch giảm thâm hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành ngân hàng nước này. Trước đó, Hãng Moody’s Investors Services đã hạ định mức tín nhiệm Bồ Đào Nha xuống mức “rác”. Hậu quả là lãi suất trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên tới 12,14%.

Bloomberg cho biết ngày 24-11, người dân Bồ Đào Nha đã tổ chức cuộc tổng đình công đầu tiên trong năm nhằm phản đối các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc khổ của chính phủ. Các sân bay lớn bị tê liệt, hàng trăm chuyến bay từ Lisbon và Oporto đã bị hủy, hệ thống tàu điện ngầm ở Lisbon ngừng hoạt động, gây kẹt xe nghiêm trọng vào những giờ cao điểm ở thủ đô. Trên cả nước, nhiều trường học, bưu điện, ngân hàng, tòa thị chính đã đóng cửa. Theo chính phủ, 10,5% trong số 416.000 công chức các cơ quan chính phủ đã tham gia đình công. “Đất nước không thể cứ tiếp tục suy thoái và công nhân không thể cứ tiếp tục bị bóc lột tới cạn kiệt như hiện nay” - Bloomberg dẫn lời ông Manuel Carvalho da Silva, tổng thư ký Nghiệp đoàn lao động CGTP.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên