08/07/2015 10:25 GMT+7

​Châu Âu ra “hạn chót” cho Hi Lạp

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 8-7, các nhà lãnh đạo châu Âu ra thời hạn chót cho Chính phủ Hi Lạp là đến ngày 12-7 để đạt một thỏa thuận cứu trợ mới nhằm tránh nguy cơ bị đẩy ra khỏi khối đồng euro.

Thủ tướng Hi  Lạp Alexis Tsipras khẳng định Athens muốn đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới với châu Âu Ảnh: Reuters

Theo AFP, sau cuộc họp khẩn ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk tuyên bố chính quyền Hi Lạp phải trình kế hoạch cải cách tài chính trong ngày mai 9-7 để có cơ hội nhận gói cứu trợ mới nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Toàn bộ 28 quốc gia EU sẽ nghiên cứu kế hoạch này vào ngày 12-7 trong cuộc hội nghị mang tính “sống chết”. Kết quả hội nghị sẽ quyết định việc Hi Lạp được nhận gói cứu trợ mới hoặc vỡ nợ và bị đẩy ra khỏi khối đồng euro.

“Hôm nay tôi nói rất rõ ràng. Hạn chót là cuối tuần này. Việc không đạt được một thỏa thuận sẽ dẫn tới việc Hi Lạp vỡ nợ và hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ” - ông Tusk cảnh báo.

Trước đó khối đồng euro đã yêu cầu Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đưa các đề xuất cải cách mới trong hôm qua, sau cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố châu Âu đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản Hi Lạp rời khối đồng euro.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Hi Lạp cần một gói cứu trợ có thể kéo dài vài năm để thúc đẩy nền klnh tế đang suy sụp của nước này. Nhưng bà Merkel quả quyết rằng châu Âu sẽ không xóa một phần khối nợ khổng lồ 320 tỉ euro của Hi Lạp.

Ở Athens, chính quyền Hi Lạp tuyên bố quyết tâm giành được gói cứu trợ thứ ba, và cam kết “xem xét” đến mối lo ngại của các chủ nợ châu Âu. Tân Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Euclid Tsakalotos lạc quan cho biết các cuộc đàm phán với châu Âu đã có sự tiến triển.

Tuy nhiên những lời trấn an của ông Tsakalotos vẫn tỏ ra vô tác dụng với thị trường. Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng euro tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp nhất trong năm tuần qua với 1 euro đổi được 1,0916 USD.

Mối lo ngại Hi Lạp rời khối đồng euro ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu đã buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi điện cho bà Merkel và ông Tsipras để thảo luận. Hàng loạt nhà kinh tế nổi tiếng như Thomas Piketty hay Jeffrey Sachs viết thư ngỏ gửi bà Merkel, kêu gọi châu Âu giảm nợ cho Hi Lạp để ngăn “một thảm họa mới”.

 

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên