Phóng to |
Người biểu tình ở London (Anh) hôm 1-5 với khẩu hiệu: “Không cắt giảm” - Ảnh: Reuters |
Tân Thủ tướng Ý Enrico Letta ngày 5-5 tuyên bố đã đến lúc Liên minh châu Âu không thể “chỉ là giá cả tăng vọt, thuế và thắt lưng buộc bụng”.
Đồng loạt đòi hỏi tăng trưởng
"Tôi cam kết sẽ từ chức nếu có những cắt giảm" Thủ tướng Ý Enrico Letta tuyên bố và nêu rõ trong những lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và văn hóa |
Ông Letta đang đi một vòng các nước châu Âu để tìm kiếm một sự đồng thuận về một ý tưởng mới cho châu Âu. Sau khi đến Berlin vào tuần trước ông nói với nữ Thủ tướng Angela Merkel là chính phủ của ông sẽ đạt được các cam kết về ngân sách, nhưng cũng hi vọng châu Âu từ bỏ chính sách khắc khổ và nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Ông Letta cũng đã đến Pháp để gặp Tổng thống François Hollande và đến Brussels gặp các nhà lãnh đạo châu Âu là Herman Van Rompuy và José Manuel Barroso với hi vọng giành được sự ủng hộ đối với trọng tâm tăng trưởng của ông.
Nền kinh tế Đức đang suy giảm và nước này không thể tìm được những nguồn lực bổ sung ngoài châu Âu để thúc đẩy nhu cầu nội địa, trong lúc ngân sách quốc gia đang ở mức báo động đỏ với món nợ chiếm khoảng 130% GDP.
Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici trên Đài Europe 1 ngày 5-5 cũng cho rằng “thắt lưng buộc bụng tự nó đang cản trở tăng trưởng” và nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của quan điểm giáo điều về tài chính và quan điểm về khắc khổ khi cho đó là công cụ duy nhất để chống lại khủng hoảng nợ ở châu Âu”.
Những tuyên bố trên như được xem là phản ánh lại những tiếng nói trên đường phố từ đầu tháng 5 đến nay. Reuters cho biết vào Ngày quốc tế lao động vừa qua, trên các đường phố từ Tây Ban Nha, Hi Lạp, Ý, Pháp, hàng chục ngàn người đã tuần hành đòi việc làm, chấm dứt những năm tháng thắt lưng buộc bụng. Họ là những người lao động bị tác động nặng nề nhất của chính sách khắc khổ với điều kiện sống thấp và tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục.
Tại Tây Ban Nha, nơi nền kinh tế sụt giảm bảy quý liên tiếp và tình trạng thất nghiệp ở mức kỷ lục 27%, hàng ngàn người đã xuống phố mua sắm ở trung tâm Gran Via, thủ đô Madrid, trên tay cầm các biểu ngữ “Thắt lưng buộc bụng đang hủy hoại và giết dần giết mòn người dân”. Một cựu công chức là Alicia Candelas, 54 tuổi và bị cho nghỉ việc từ hai năm qua, nói: “Tương lai của Tây Ban Nha thật tồi tệ. Chúng ta đang tụt hậu cùng với chính phủ này”.
Tại Hi Lạp, nơi đã trải qua năm thứ sáu suy thoái, tàu hỏa và phà ngưng hoạt động. Khoảng 5.000 công nhân đình công, sinh viên và người hưởng trợ cấp đã diễu hành đến trụ sở quốc hội cầm biểu ngữ với nội dung: “Chúng tôi sẽ không trở thành nô lệ, hãy xuống đường!”. Tại Pháp, hai nghiệp đoàn lớn nhất vốn bị chia rẽ bởi các chính sách cải tổ lao động của ông Hollande, đã tổ chức hai cuộc tuần hành khác nhau vào ngày 1-5. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp François Hollande thời gian qua đã giảm 25% bởi việc cắt giảm chi tiêu và tình trạng thất nghiệp tăng lên. Tại Đức, khoảng 425.000 người đã tham gia hơn 400 sự kiện trên toàn quốc. Chủ tịch Nghiệp đoàn Lao động Đức Michael Sommer tuyên bố: “Không thể cho phép châu lục này thắt lưng buộc bụng đến mức bị tan vỡ”. Tại Ý, hàng chục ngàn người tuần hành qua các thành phố lớn, đòi hỏi chính phủ giải quyết nạn thất nghiệp hiện đã tăng lên 11,5%, riêng trong giới trẻ là 40%.
Theo Reuters, đã có bốn nước thuộc khối đồng euro nhận được gói giải cứu bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cyprus. Trong bối cảnh hầu như không có dấu hiệu tăng trưởng trong khối, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự định sẽ cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,5%. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chỉ như vậy thôi thì không đủ để kéo khu vực này ra khỏi suy thoái, và hiện nhiều chính phủ đang thảo luận cởi mở về các chính sách nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.
“Khắc khổ” làm tăng bất bình đẳng xã hội
Các chuyên gia đã cảnh báo suy thoái ở châu lục này sẽ còn lún sâu hơn dự kiến vào cuối năm nay và sẽ tác động đến cả những nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này, đẩy tình trạng thất nghiệp đến mức kỷ lục.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc đang khiến xã hội Hi Lạp chứng kiến một sự “vỡ vụn chưa từng có”. AFP dẫn lời chuyên gia về nợ và nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Cephas Lumina nói cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hi Lạp đã trở thành “một tình trạng khẩn cấp” về xã hội. Trong chuyến thăm đến Hi Lạp gần đây, ông Lumina nói số người vô gia cư ở đây đã tăng chừng 25% kể từ năm 2009. Nhiều nhà quan sát cũng tin rằng các biện pháp cắt giảm quyết liệt mà các chủ nợ quốc tế áp đặt cho Hi Lạp để đổi lấy các gói giải cứu hàng tỉ euro khiến tình hình vốn đã khó khăn nay càng tồi tệ hơn. Nhà khảo cổ học Eleni Mlouke, một người mất việc hai năm nay, chua chát cho rằng người có bằng cấp cao nhất hiện nay cũng không hi vọng gì trong xã hội Hi Lạp ngày nay. Nhà kinh tế Dionysis Balourdis cho biết tầng lớp trung lưu ở nước này đã tụt gần xuống mức nghèo khổ trong khi người nghèo lại càng nghèo hơn, điều khiến cho bất bình đẳng thêm tồi tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận