Phóng to |
Người dân Hi Lạp biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” ở Athens hôm 28-4. Hình nộm bị đốt biểu tượng cho người lao động đang bị hi sinh - Ảnh: Reuters |
Để nhận được tiền cứu trợ của bộ ba chủ nợ là Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chính phủ nhiều nước khủng hoảng của châu Âu đã mạnh tay thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” như tăng thuế, giảm ngân sách chi tiêu công và phúc lợi xã hội.
Tờ Bloomberg, trong bài “Châu Âu nên nghĩ lại về chính sách khắc khổ”, đã báo động: càng khắc khổ thì kinh tế càng sụt giảm, bất ổn xã hội càng tăng lên. Điển hình như ở Tây Ban Nha, tỉ lệ thất nghiệp đã lên đến 27%, trong khi Madrid thừa nhận nước này cần hơn hai năm để đưa mức thâm hụt ngân sách dưới mức 3% GDP như mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU). Ngay cả những nước từng kiên quyết ủng hộ “chính sách khắc khổ” như Đức cũng đã dịu giọng. Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thừa nhận “nếu nền kinh tế cứ diễn tiến xấu đi, không thể cắt giảm bằng các biện pháp khắc khổ được nữa”. Tại Ý, chính phủ đang thảo luận việc bỏ đánh thuế tài sản đối với những công dân sở hữu nhiều ngôi nhà. Dự kiến ECB cũng hạ mục tiêu cắt giảm ngân sách cho các nước vay nợ trong phiên họp tuần này. Nhiều chính phủ đang xem xét hạ mức độ “khắc khổ” trước sức ép của người dân.
Để thoát “vòng luẩn quẩn”, các chuyên gia đề nghị EU nên nới lỏng chính sách điều phối tài chính, chia sẻ gánh nặng tài chính và tái cơ cấu nền kinh tế hơn là chăm chăm vào việc ép buộc các nước “thắt lưng buộc bụng” để đạt được mục tiêu cắt giảm đề ra. Tuy nhiên, tổng giám đốc IMF Christine Lagarde lại bảo vệ biện pháp khắc khổ khi nhấn mạnh “tình hình hiện nay ít có biện pháp nào thay thế nó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận