14/01/2011 07:19 GMT+7

Châu Á tìm sự cân bằng Mỹ - Trung

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Giới học giả châu Á nhận định các quốc gia trong khu vực đang thận trọng theo dõi diễn biến quan hệ Mỹ - Trung để có đối sách phù hợp.

Ngày 19-1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ đến thăm Mỹ và hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo giới quan sát bình luận, đây sẽ là cơ hội để các nước châu Á đánh giá mối quan hệ giữa một siêu cường đang suy giảm là Mỹ và một đối thủ đang nổi lên là Trung Quốc. Không nhiều người hi vọng sẽ có một bước đột phá lớn trong quan hệ Mỹ - Trung cả về phương diện thương mại và quân sự. Nhiều vấn đề mang tính đối lập lợi ích giữa hai nước là không dễ giải quyết.

Tìm sự cân bằng mới trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đang là một chiến lược không dễ dàng. Nhiều quốc gia trong khu vực này vừa e ngại sự trỗi dậy về kinh tế, nhất là về quân sự của Bắc Kinh, mà biểu hiện gần đây nhất là việc Trung Quốc cho bay thử máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến thăm Bắc Kinh, nhưng lại vừa không muốn chọc giận người hàng xóm khổng lồ này.

“Chúng tôi đang cố gắng tăng cường vị thế đàm phán với Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc và Úc - Reuters dẫn lời chuyên gia Narushige Michishita của Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo (Nhật) - Điều đó không đồng nghĩa với việc coi Trung Quốc là đối thủ, mà chỉ cho thấy một sự chuẩn bị”. Năm ngoái, Trung Quốc khiến nhiều quốc gia khu vực quan ngại khi bày tỏ quan điểm cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển Hoa Đông và biển Đông.

“Trung Quốc chưa thuyết phục được khu vực rằng một Trung Quốc trỗi dậy là một Trung Quốc hòa bình - Reuters dẫn lời ông Jeffrey Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á thuộc chi nhánh Nhật của ĐH Temple (Mỹ) - Ở Đông Nam Á và Nhật, đang có quan điểm coi sự hiện diện của Mỹ như một đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. Sự lo ngại này đã buộc Nhật Bản hàn gắn quan hệ với Mỹ sau những rạn nứt quanh vụ di dời căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa hồi năm ngoái. Tháng trước, Nhật Bản thay đổi bố trí chiến lược phòng thủ và triển khai quân đội ở một số đảo phía nam để canh chừng hải quân Trung Quốc.

Cùng lúc, Nhật Bản cũng mở rộng quan hệ với các đối tác khu vực như Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ, như hướng dẫn quốc phòng mới của Tokyo ghi rõ. “Thông điệp là rất rõ ràng - chuyên gia Michishita khẳng định - Mỹ đang suy yếu trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy, do đó Mỹ không thể là đối tác an ninh đáng tin cậy hoàn toàn xét về lâu về dài. Để lấp khoảng trống từ sự suy yếu của Mỹ, Nhật cần thêm đối tác”. Theo chiến lược đó, hồi đầu tuần Nhật và Hàn Quốc đã đồng ý mở các cuộc đàm phán với mục tiêu nâng cấp quan hệ quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và thiết bị quân sự, theo Kyodo News cho biết. Đây là bước đầu hướng tới thỏa thuận quân sự đầu tiên giữa Tokyo và Seoul kể từ Thế chiến II. Tuy quân đội Hàn Quốc tuyên bố các cuộc đối thoại “không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc”, nhưng giới phân tích khẳng định Trung Quốc chính là mục tiêu của Tokyo và Seoul. “Chúng ta phải ngăn chặn trò chơi quyền lực của Trung Quốc vì an ninh quốc gia” - chuyên gia Moon Chang Keuk nhận định trên báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc.

Trong khi đó, Úc đang mở rộng đối thoại ba bên với Mỹ và Nhật và công khai tuyên bố khi khẳng định “Úc sẽ không cảm thấy thoải mái với một châu Á tương lai do Trung Quốc kiểm soát, và Canberra muốn Washington tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Á”, như Reuters dẫn lời chuyên gia Rory Medcaff thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc).

Quan điểm cứng rắn của Trung Quốc về lãnh hải cũng khiến Indonesia đang hướng về Mỹ, dù quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này vẫn muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. “Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn lôi kéo Indonesia về mình. Chuyện đó đã xảy ra rồi” - Reuters dẫn lời chuyên gia Yang Razaki Kassim thuộc ĐH Nanyang ở Singapore.

Tương tự, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm sự cân bằng. Quan hệ Ấn - Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những xung đột biên giới, còn chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng trước cũng như giao thương mạnh mẽ giữa hai nước vẫn chưa xóa nổi sự bất an của New Delhi. Theo Press Trust of India, tháng trước New Delhi đã quyết định tăng cường quân sự ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc với 50.000 quân cùng xe tăng và máy bay chiến đấu mới.

“Các nhà hoạch định chính sách lo ngại trước sự cứng rắn của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ cũng không muốn thực hiện một chính sách bị xem là kết bè với các nước khác để đối phó với Trung Quốc” - Reuters dẫn lời ông Alka Acharya, thành viên Ủy ban cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ. Mới đây, Nhân Dân Nhật Báo cũng dẫn lời một số chuyên gia nước này dự báo quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khu vực sẽ “phức tạp” hơn trong năm 2011.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên