17/07/2008 00:12 GMT+7

Châu Á: những núi rác thải "nhập khẩu"

 NGUYỄN QUÂN tổng hợp
 NGUYỄN QUÂN tổng hợp

TT - Đầu tháng 7-2008, nhà chức trách Pháp thở phào nhẹ nhõm: hàng không mẫu hạm Clémenceau khổng lồ nặng 40.000 tấn đã có bến đỗ cho cuộc "xẻ thịt".

Kỳ 1: Hành trình một bãi rác nổi

pItuzVCX.jpgPhóng to

Tàu Clémenceau phải trở về cảng Brest tháng 5-2006

Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định Công ty Able UK ltd của Anh đã chấp nhận giải quyết bãi rác nổi chứa đầy chất amiante gây ung thư này, chấm dứt cuộc tìm kiếm đầy xìcăngđan kéo dài suốt năm năm qua. Dù vậy, họ cũng thận trọng tuyên bố còn phải tìm kiếm một "giấy phép vận chuyển qua biên giới" và qui trình thủ tục này cũng phải mất vài tuần!

Như thể để làm giá, phía Pháp cho rằng có đến năm công ty xin tham gia hợp đồng, nhưng cuối cùng chỉ có một được chọn. Trị giá hợp đồng phá hủy con tàu ước tính 4 triệu euro vì còn khoản sắt vụn thu lại được. Thời gian thực thi hợp đồng kéo dài khoảng mười tháng vì công trình khá khổng lồ xét theo cái vỏ tàu dài đến 266m, rộng 51m và cao 7,5m này.

Xìcăngđan thế giới

Hàng không mẫu hạm Clémenceau, niềm tự hào của hải quân Pháp trong hàng chục năm, từ khi trở thành bãi rác nổi được đặt cho cái tên vô cảm là "vỏ tàu Q790", phải nằm ụ tại cảng quân sự Brest của Pháp từ tháng 5-2006. Câu chuyện đáng kể nhất chính là việc khi trở về nằm ụ tại Brest, nó từng có chuyến hải trình dài đến 18.000km đi về giữa Pháp và Ấn Độ. Chính xác là vào ngày 15-2-2006, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã phải ban lệnh triệu hồi Clémenceau qui cố hương sau khi Tòa án tối cao Ấn Độ cấm con tàu đi vào vùng biển của mình.

Người Ấn đã chịu mất một hợp đồng béo bở do phản ứng dữ dội từ dư luận thế giới và trong nước. Một khảo sát của văn phòng Veritas cho thấy Clémenceau có 1.000 tấn chất gây ung thư amiante trong 17,5km đường ống, trong những tấm đệm cách nhiệt, tấm đan lót sàn tàu và đặc biệt ở 44.000m2 lớp sơn vỏ tàu. Những thông tin đó đã đến với Ủy ban rác thải độc hại của Tòa án Ấn Độ, và đó là cơ sở để họ tuyên bố không cho tàu Pháp vào biển Ấn Độ vì vi phạm công ước Bali về vận chuyển rác thải độc hại.

Như vậy hợp đồng với Ấn Độ bị bể vào giờ chót, bất chấp việc Tổng thống Chirac chuẩn bị sang thăm Ấn Độ. Những tác động chính trị cũng phải chịu phép trước phản ứng của cộng đồng. Người Pháp phải chấp nhận đưa chiếc hàng không mẫu hạm già cỗi của mình trở về. Hải trình lần này khổ sở hơn: họ phải đi vòng châu Phi trong ba tháng và chấp nhận tốn kém lên đến 4 triệu euro! Thậm chí vị thị trưởng thành phố Brest của Pháp cũng phản ứng với chuyện Clémenceau neo đậu ở ngoài vùng biển của mình.

Tiếng nói của các NGO

8sGBLwak.jpgPhóng to

Hai thành viên Greenpeace leo lên Clémenceau khi nó bị ách tại cửa kênh đào Suez tháng 1-2006

Quá trình xẻ thịt Clémenceau đáng là một trường thiên tiểu thuyết. Nó có chuyến ra biển hoạt động quân sự cuối cùng vào ngày 16-7-1997. Đến ngày 1-10 cùng năm nó được "giải giáp" chuyển hết khí tài đi để chuẩn bị cho việc phá hủy.

Giới chức trách đã nêu tên vài nước chấp nhận thực thi hợp đồng như Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí đã có lần nó lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ rồi phải "nửa đường quành về" vì Thổ Nhĩ Kỳ từ chối vào phút chót. Thế rồi phải đến ngày 14-4-2003, Clémenceau được tuyên bố bán cho Tập đoàn Ship Decomissioning Industries Corporation (SDI), do Công ty Eckhart Marine GmbH của Đức điều hành, để xử lý amiante và phá dỡ tàu.

Tập đoàn của phía Đức liên hệ được với Ấn Độ. Nhưng các tổ chức bảo vệ môi trường xuất hiện. Bốn tổ chức lớn là Greenpeace (Hòa bình xanh), Hiệp hội Quốc gia các nạn nhân của amiante (ANDEVA), Ban Asbestos và Ủy ban chống amiante liên kết nhau khiếu kiện về khả năng gây nguy hại môi trường của bãi rác amiante này khi chạy trên biển. Những kiện tụng kéo dài suốt gần ba năm.

Cuối cùng Tòa hành chính Paris lên tiếng bác các đơn kiện tụng của bốn tổ chức môi trường nói trên. Đến sáng 31-12-2005, Clémenceau mới được phép rời cảng Toulon (Pháp) trực chỉ bến đỗ bên Alang (bang Gujarat, Ấn Độ) của Công ty Shree Ram Vessels Scrap Limited. Hải quân Pháp phải bố trí bốn tàu kéo để bảo vệ đưa Clémenceau ra hải phận quốc tế, phòng ngừa sự ngăn cản của các tổ chức bảo vệ môi trường.

Ở ngoài hải phận quốc tế, một tàu kéo của Tập đoàn SDI chờ sẵn để đưa Clémenceau đi Ấn Độ. Người Pháp cẩn thận đến mức bố trí cả tàu chiến Aconit hộ tống đưa hai tàu trên đến tận kênh đào Suez. Chuyện vẫn chưa hết khổ: chính quyền Ai Cập chặn tàu kéo và Clémenceau suốt mười ngày với lý do làm rõ những vấn đề về chất độc hại. Tập đoàn SDI phải mất đến hơn 2,5 triệu euro chi phí cho việc đưa hai tàu qua kênh đào, chi phí cao nhất phải trả cho hai con tàu như vậy.

Chính phủ thua cuộc

Phải nói chuyện tìm nơi phá hủy tàu Clémenceau là một thất bại trắng tay suốt nhiều năm liền của giới chức trách Pháp. Trong nước, không ít tổ chức chỉ trích chính quyền làm tổn phí tiền thuế của dân khi tốn hàng triệu euro mà đành phải lai dắt tàu trở về. Nhưng thật ra vài tháng sau đó, cũng có công ty Pháp, và thậm chí nhiều công ty dự tính liên kết lại, nghiên cứu hợp đồng nhưng đành bỏ cuộc vì thấy xẻ thịt Clémenceau tại Pháp là không có lời!

Phía chính quyền chỉ lúng túng biện minh rằng thất bại trong vụ đưa Clémenceau đi Ấn là có bàn tay phá rối của một nước thứ ba. Họ dẫn chứng: vào thời điểm đó, một tàu chiến khác của Anh là chiếc Sir Galahad, cũng đầy chất amiante như các tàu cùng thời, lại đang được "làm thịt" trên công trường của Ấn Độ và cũng đi qua ngả kênh Suez mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Ngày 28-2-2006, tại buổi thảo luận của Ủy ban Quốc phòng trong quốc hội, các vị nghị sĩ Pháp đoan chắc vụ xìcăngđan tàu Clémenceau là có "kẻ phá bĩnh" vì ghen tức việc Pháp bán được máy bay tiềm kích Rafale cho Ấn Độ.

Đó chỉ là cách biện giải không nhiều căn cứ. Các nghị sĩ Pháp không chịu nhìn thấy thực tế là tiếng nói của các tổ chức môi trường đã có những ảnh hưởng nhất định. Chính phủ Ấn Độ đã ý thức được rằng họ không vì những hợp đồng hàng triệu đôla mà bất chấp sự xuống cấp của môi trường và sinh mạng hàng ngàn người dân của mình.

___________________

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu ban hành một số chính sách nghiêm ngặt nhằm thắt chặt việc kiểm soát môi trường bờ biển và bảo vệ sinh mạng nhân công. Theo ước tính, hàng ngàn công nhân đã chết từ từ vì những chất độc hại trong quá trình phá hủy tàu nước ngoài.

Kỳ tới: Những cái chết thầm lặng

 NGUYỄN QUÂN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên