21/07/2008 08:32 GMT+7

Châu Á: những núi rác thải "nhập khẩu" - Kỳ cuối: Cuộc chiến dai dẳng

GIANG ANH tổng hợp
GIANG ANH tổng hợp

TT - Rác thải luôn phải được xử lý hoặc... tống sang nước khác. Nếu những thứ độc hại đó được tiếp nhận ở một nơi nào đó thì vẫn có những cách để nó tìm đến được, dĩ nhiên nếu qua mắt được tai mắt nhân dân.

ea0bU5vI.jpgPhóng to

Các tổ chức bảo vệ môi trường luôn đi đầu trong cuộc chiến chống rác thải. Trong ảnh: một thành viên Tổ chức Hòa bình xanh đối mặt với con tàu “tử thần” Probo Koala

TT - Rác thải luôn phải được xử lý hoặc... tống sang nước khác. Nếu những thứ độc hại đó được tiếp nhận ở một nơi nào đó thì vẫn có những cách để nó tìm đến được, dĩ nhiên nếu qua mắt được tai mắt nhân dân.

Những tưởng ở thế kỷ 21 này sẽ khó có chuyện tày đình nào thoát khỏi sự theo dõi của các phương tiện an ninh và thông tin. Vậy mà hơn 550 tấn chất thải độc hại đã cập cảng khu vực thành phố Abidjan của Bờ Biển Ngà. Đêm 19-8, rạng sáng 20-8-2006, số chất thải đó đã được bí mật đổ bỏ ở hơn chục bãi rác hoặc bãi đất trống trong thành phố.

Câu chuyện thật ở Abidjan

"Thứ sáu 18-8-2006, thông cáo của địa phương cho biết có chiến dịch phun thuốc diệt muỗi tại thành phố Abidjan từ máy bay. Qua hôm sau, chúng tôi bị đánh thức bằng thứ mùi khó tả. Chúng tôi cứ nghĩ đó là do mùi thuốc muỗi...

Đến ngày 25-8, tôi thức dậy với cái họng khô khốc và phát hoảng vì khạc ra máu. Đi khám bệnh cũng chẳng tìm được nguyên nhân. Chỉ nhờ bản tin thời sự trên truyền hình chúng tôi mới biết có một chất lỏng nguy hiểm đã được đổ xuống nhiều nơi tại Abidjan, tạo ra thứ hơi khói cực độc và đã có nhiều nạn nhân trong thành phố.

oORs3CC5.jpgPhóng to

Những bãi rác bị đổ chất thải ở Abidjan giờ đây vẫn chờ xử lý

Tìm hiểu tôi mới biết một phần chất độc đó đã được đổ phía sau nhà tôi ở Abobo. Thế là cả gia đình tôi gồm tám người đều mắc bệnh mà không được trợ giúp y tế. Gia đình chúng tôi sau đó phải bỏ nhà đi, phải chia nhiều ngả để tìm nơi trú thân ở nhà người quen...".

Trên đây là câu chuyện do một nhà báo ở Bờ Biển Ngà, nạn nhân của vụ đổ chất thải tại Abidjan thuật lại trên mặt báo vào tháng 9-2006.

Chờ đêm đi đổ

Mọi chuyện chắc sẽ êm thấm nếu như số chất thải quá độc đó không làm cả chục người dân thành phố thiệt mạng và hơn 100.000 người phải nhờ trợ giúp y tế một thời gian dài sau đó do các triệu chứng khó thở, nôn mửa, chóng mặt, bị mẩn ngứa... Cho đến nay, tại các cuộc hội nghị hoặc sự kiện liên quan đến chất thải độc hại, vụ tàu Probo Koala (được đăng ký chủ sở hữu là Công ty Celtic Legend Shipping Inc. của Na Uy, nhưng mang cờ hiệu Panama) luôn được đưa ra như thí dụ điển hình về ảnh hưởng của chất thải độc hại đối với sức khỏe con người.

Tại châu Á, sau nhiều tháng điều tra, các nhà hoạt động của Tổ chức Hòa bình xanh Hong Kong đã buộc chính quyền Hong Kong từ chối cập cảng chuyến hàng đến từ Oakland, Mỹ vào giữa tháng sáu qua. Các nhà hoạt động vì môi trường này đã phát hiện container chứa đầy rác thải điện tử và điểm đến là quận Tam Thủy ở Trung Quốc. Họ treo ngay một băngrôn ngang container với dòng chữ "Chất thải độc hại không được chào đón tại đây".

Trong khi những nhân công nghèo tại các vùng quê Trung Quốc không nhận thức được việc tháo dỡ các thiết bị điện tử cũ chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe con người mà còn ô nhiễm nước, đất, không khí, môi trường xung quanh, các nhà hoạt động vì môi trường buộc phải cố gắng hành động bằng việc ngăn chặn từ đầu. Nhưng trong tình hình hàng điện tử lỗi thời được vứt bỏ hằng năm tại các nước phát triển như hiện nay, nhiệm vụ của các nhà hoạt động môi trường sẽ càng gian nan hơn nhiều.

Những chất thải đó sau này đã được xác định chứa một lượng lớn hydrocarbon bị nhiễm ít nhất ba chất: hydrogen sulphit, mecaptan và natri hydroxit. Hydrogen sulphit và mecaptan là hai chất độc hóa học. Hydrogen sulphit là một loại gas có mùi như mùi trứng thối và tác động cực mạnh đến hệ hô hấp. Mecaptan là chất hóa học dễ bay hơi có mùi như mùi tỏi, một khi hít phải nạn nhân bị ảnh hưởng hệ hô hấp và nhanh chóng bị hiện tượng nôn mửa.

Tại thời điểm đó đã xác định được Tập đoàn Trafigura Beheer BV của Hà Lan là đơn vị xuất khẩu chất thải này. Chất thải được chuyển sang bờ biển châu Phi vì chi phí hủy chất thải này ở Amsterdam quá cao. Một công ty tại Bờ Biển Ngà có tên Tommy (nhưng sau này người ta cũng chẳng tìm được chủ nhân thật sự của nó) nhận hủy chất thải, nhưng thực tế lại không có đủ phương tiện thích hợp nên đã chọn phương án chờ đêm đến đi đổ! Công ty Trafigura sau đó đã đồng ý chi trả 236 triệu USD cho chính phủ Bờ Biển Ngà xử lý hậu quả của các chất thải độc hại gây ra nhưng họ không chịu nhận bất kỳ trách nhiệm nào.

Mô hình mới

Tác động của chất thải độc hại tại thành phố Abidjan không thể một sớm một chiều giải quyết được. Chính vì thế một dự án do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) phát động ngày 16-6-2008 sẽ giúp đỡ Chính phủ Bờ Biển Ngà và các nơi khác trong khu vực quản lý chặt chẽ chất thải độc hại và chất thải trên tàu trong phạm vi đất nước mình và dọc theo biên giới. Chương trình sẽ được triển khai đầu tiên tại nơi mà các cư dân Abidjan bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố tàu Probo Koala.

Căn cứ số lượng và thành phần chất thải, sẽ có bộ phận tư vấn kết hợp với các đơn vị tài trợ địa phương thiết lập các ban ngành hợp pháp. Chương trình sẽ có sự hợp tác của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Các ban ngành của chính phủ có liên quan đến hoạt động quản lý chất thải ở cảng biển cũng sẽ được huấn luyện kỹ năng liên quan. Để việc quản lý chất thải tại mỗi quốc gia có hiệu quả thật sự, dự án cũng khuyến khích việc phối hợp các qui định có hiệu lực tại một số quốc gia châu Phi lại với nhau. Nếu như dự án được thực hiện thành công tại Bờ Biển Ngà, sau đó sẽ được nhân rộng ra các quốc gia nói tiếng Pháp trong khu vực.

Nhưng đối với các nạn nhân vụ Abidjan, họ vẫn còn một cuộc chiến khác. Cuộc chiến đòi bồi thường những tổn thất cho sức khỏe và tinh thần của mình. Đó gần như là một câu chuyện vô vọng ở một đất nước còn nhiều bất ổn về chính trị, xã hội...

______________________

Số tới, đón đọc loạt phóng sự: Nông dân nhọc nhằn bám đất

Ở một xã điểm tại Kiên Giang, trung bình cứ mười nhà mới có ba nhà có điện thắp sáng, bốn nhà thì một nhà mắc nợ quá hạn ngân hàng. Vậy nhưng muốn có con lộ nhỏ về ấp, họ phải đóng góp đến 960.000 đồng/hộ...

Nhiều nông dân bây giờ không thể sống bám vào sản xuất nông nghiệp vì thị trường bấp bênh, giá nông sản rẻ mạt, bao nhiêu năm "cày ải" vẫn nghèo. Họ còn phải đối diện với bao nỗi khổ: khổ vì dự án treo, khổ vì đất ở thôn quê ngày càng chật chội, khổ vì môi trường sống ngày càng ô nhiễm…

GIANG ANH tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên