Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương |
Các đại biểu và cử tri trông đợi điều gì ở phiên chất vấn này?
* Ông NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình):
Phải hứa và xác định rõ trách nhiệm
Vấn đề tôi chắc chắn sẽ đặt câu hỏi đó là việc tiếp tục xử lý sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra và việc xử lý ô nhiễm môi trường nói chung.
Tôi sẽ hỏi bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường có trách nhiệm như thế nào trong việc xác lập niềm tin của người dân trong thời gian tới? Vì chỉ khi bộ trưởng làm cho người dân tin tưởng thì người dân mới yên tâm được.
Bây giờ ô nhiễm đã xảy ra rồi và người dân cũng phải hứng chịu rồi, Chính phủ cũng như Bộ Tài nguyên - môi trường đã vào cuộc giải quyết rồi, nhưng người dân vẫn còn rất băn khoăn lo lắng.
Vậy trách nhiệm của bộ trưởng là phải giải thích, lý giải để người dân tin vào những giải pháp sẽ thực hiện, những việc cụ thể mà bộ trưởng sẽ hành động sắp tới để dân tin.
* Vào đầu kỳ họp, về sự cố môi trường biển, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật đã phát biểu rằng sự cố môi trường biển xảy ra lâu rồi nhưng “đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa”, hoặc “chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước”. Có phải làm rõ nội dung này để sớm lấy lại niềm tin trong nhân dân?
- Đúng là như vậy.
* Vậy ông mong muốn bộ trưởng trả lời thế nào, đặc biệt là sau khi Chính phủ, Bộ Tài nguyên - môi trường và các cấp chính quyền đã vào cuộc suốt thời gian qua?
- Tôi nghĩ muốn dân tin thì trước hết bộ trưởng phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân bộ trưởng. Và phải hứa trước dân là nếu tiếp tục để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào.
Một vấn đề nữa là các giải pháp cụ thể sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới là gì, đặc biệt là để phục hồi môi trường biển và đảm bảo sinh kế cho người dân.
* Ông TRƯƠNG MINH HOÀNG (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường):
Truy đến cùng để tìm ra giải pháp
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng - Ảnh: Việt Dũng |
Tôi cho rằng việc đổi mới trong điều hành tại kỳ họp này sẽ đem lại hiệu quả hơn trong hoạt động chất vấn.
Đó là việc đại biểu có quyền giơ biển lên để tranh luận với ý kiến trước mình, chất vấn bộ trưởng, chứ không nhất thiết phải đợi hết lượt phát biểu (theo danh sách đăng ký thông qua bấm nút) mới được phát biểu.
Điều này sẽ khiến các vấn đề thảo luận sôi động hơn, thực tế hơn và cho phép đại biểu truy đến cùng các vấn đề đặt ra.
Cá nhân tôi rất mong qua đó sẽ tăng cường được trách nhiệm của cả đại biểu Quốc hội trong tư cách người chất vấn và những người trả lời chất vấn. Bởi vì mục đích lớn nhất của chúng ta là tìm ra giải pháp để giải quyết từng vấn đề.
Thực trạng thì đã quá rõ rồi (an toàn thực phẩm, dự án ngàn tỉ kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, bổ nhiệm cán bộ, đổi mới giáo dục...), nên vấn đề được quan tâm nhất là giải pháp, là trách nhiệm giải quyết những vấn đề đó.
* Theo ông, đại biểu chất vấn thế nào là có trách nhiệm?
- Tôi nghĩ rằng đại biểu phải đặt vấn đề đúng tầm mức của nó, với mục đích cuối cùng là tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề, chứ không phải là chất vấn kiểu để biết thông tin, hoặc chất vấn để thể hiện bản thân hoặc khoe kiến thức của mình.
Còn khi mình đặt vấn đề chất vấn thì phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ từ trước. Chỉ như vậy thì mới có câu chất vấn xác đáng, mới có cơ hội truy đến cùng sự việc.
* Với những nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn, theo ông, đó là những vấn đề nóng nhất chưa?
- Lúc đầu đại biểu Quốc hội đặt ra tới mười mấy nhóm vấn đề, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp với các bên liên quan gút lại năm nhóm vấn đề, cuối cùng lựa chọn bốn nhóm vấn đề để chất vấn bốn vị bộ trưởng phụ trách chính các lĩnh vực đó.
Tôi cho rằng sự lựa chọn của đại biểu là xác đáng, bởi những vấn đề đưa ra đều thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận