15/05/2014 07:44 GMT+7

Chắt chiu cho sự yên bình

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Không chỉ đóng góp vật chất cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, nhiều bạn đọc đến với Tuổi Trẻ trong ngày 14-5 còn gửi gắm nỗi niềm: Người VN yêu nước nhưng không hiếu chiến, chắt chiu đóng góp từng chút một để bảo vệ hòa bình và lẽ phải.

8,8 tỉ đồng cho chương trình "Chung sức vì chủ quyền biển Đông"Ôtô Trường Hải góp 1 tỉ đồng hướng về biển ĐôngVăn nghệ sĩ hướng về biển Đông

“Tôi tên là Tôn Văn Xuân Hai, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Tôi xin góp một phần nhỏ để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển Đông chứ không muốn mất vào tay người khác”- ngồi run run nắn nót một lúc khá lâu, cụ Xuân Hai, 75 tuổi, mới viết xong mấy dòng ý nguyện.

Ai cũng mong muốn hòa bình

Thật ra lúc ở nhà cụ Xuân Hai đã viết sẵn nội dung trên ra một tờ giấy rồi, giờ đến báo Tuổi Trẻ mới viết lại vào sổ ghi chép. Cụ nói mình già rồi, đầu óc lan man, từ quận 1 tới tòa soạn này thôi mà cụ đi lạc bốn lần. Một mình trên chiếc xe đạp rong ruổi trên phố từ sáng, mãi đến gần trưa cụ mới tới nơi.

8.812.436.600 đồng

Là số tiền bạn đọc đóng góp và hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g30 ngày 14-5. Riêng ngày 14-5 số tiền đóng góp là 4.743.546.700 đồng.

* Ngày 14-5, chương trình đã chi hỗ trợ tàu cảnh sát biển VN hai tổ máy phát điện MTU - CHLB Đức công suất 130 kVA liên tục, trị giá 1.380.000.000 đồng. Như vậy, chương trình đã triển khai hỗ trợ các hoạt động với số tiền 4.270.400.000 đồng.

Rút từ chiếc phong bì đã cũ ra một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng đặt ngay ngắn trên bàn, cụ nói rành rọt: “Cô biên rõ giùm, tui đóng tiền này để mua vũ khí chống lại tàu Trung Quốc đang gây hấn ở biển nước mình. Tui không có bệnh nhưng tại mấy cái tàu này mà mấy ngày rồi tui đổ bệnh”. Quyết liệt là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi nhỏ: “Bác muốn chiến tranh, muốn đánh nhau thiệt sao?” thì ông lại lặng người đi. Thì ra ngày còn trẻ ông từng là lính cộng hòa. Ông hạ giọng: “Tui năm nay 75 tuổi rồi, còn ông anh họ ngoài 80 hồi trước theo cách mạng. Anh em máu mủ mà vì hoàn cảnh lịch sử phải ở hai chiến tuyến, có ai muốn đâu! Ai từng đi qua chiến tranh mới thấy thương cuộc sống bình yên. Có ai mà không muốn hòa bình...”. Ngồi nghỉ mệt một chút, ông từ biệt ra về. Dáng ông nhỏ xíu, ốm nhom dắt chiếc xe đạp hòa vào dòng người tấp nập.

Không tiết lộ bất cứ thông tin nào về bản thân, từ tên tuổi, địa chỉ cho đến chỗ làm, nhưng sự xúc động nghẹn ngào của cô bác sĩ có mái tóc điểm bạc ấy lại làm cho nhiều bạn đọc đến đóng góp cùng lúc với cô đều thấy xúc động. Cô nói mình sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, từng được Nhà nước cho đi học và có thời gian sống bên Trung Quốc. Cô nói về những người Trung Quốc đã từng đùm bọc, giúp đỡ mình. Chen giữa hồi ức là những khoảng lặng và những giọt nước mắt. Duyên cớ khiến cô đến đây đóng góp cũng xuất phát từ hành động của người Trung Quốc, nhưng có lẽ trong sâu thẳm trái tim cô vẫn nhớ đến những người dân Trung Quốc tốt bụng ngày nào, và vẫn muốn tin đa số người dân, dù là ở quốc gia nào, cũng đều mưu cầu một cuộc sống bình yên, không chiến tranh chết chóc.

Clip các doanh nghiệp đóng góp và hưởng ứng chương trình "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông"

Đặt lòng yêu nước đúng chỗ

Vẫn còn mặc nguyên đồng phục của Công ty giày dép da Long Thành, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, công nhân công ty, tranh thủ ghé tòa soạn để góp 2,5 triệu đồng - tiền đóng góp của mười mấy anh chị em trong chuyền may. Chị kể làm công nhân thường phải tăng ca, có hôm đến hơn 10g đêm nên thời gian để mọi người trong công ty theo dõi tin tức thời sự chỉ là 30 phút nghỉ trưa ít ỏi mỗi ngày. “Công ty cho nghỉ một giờ, trong đó thời gian ăn trưa hết 30 phút nên tụi tôi dành mấy chục phút ngủ trưa để xem tin. Anh chị em nào có điện thoại lên mạng được thì mở ra cho mọi người cùng xem. Thấy báo phát động chương trình, tụi này cũng phát động với nhau, người nhiều thì góp 500.000 đồng, người ít cũng ráng được 100.000 đồng hùn vô rồi cử mình lên tận nơi đưa cho nhà báo”- chị Vân nói.

Hôm qua tới giờ nhóm của chị Vân cũng nghe tin có nhiều công nhân đập phá tài sản của công ty Trung Quốc, Đài Loan, mọi người bảo nhau không nên làm vậy. “Mình nghĩ công nhân làm vậy chắc cũng vì sốt ruột cho đất nước thôi, nhưng mà yêu nước như vậy là làm xấu hình ảnh đất nước. Người ta qua đây mở công ty, mình là người làm công thì nên hợp tác, dân mình đi làm ở Trung Quốc chắc cũng nhiều. Mình làm vậy với người ta, người ta cũng đối xử như thế với dân mình”- chị phân tích bằng lý lẽ đơn giản của mình.

Cùng suy nghĩ với chị Vân, chị Nguyễn Phan Trúc Linh (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ quan điểm khi tới đóng góp cho chương trình: “Từ hôm Trung Quốc đặt giàn khoan tới giờ, có người kêu gọi phải tẩy chay hàng Trung Quốc, không mua bán, giao dịch với người Trung Quốc, rồi công nhân đập phá tài sản của ông chủ Trung Quốc. Tôi nghĩ chuyện nào phải ra chuyện đó”. Chị Linh cho rằng trong tình hình như bây giờ, VN nói mình có chính nghĩa thì càng phải làm sao cho người ta thương, kể cả người Trung Quốc. “Ngày xưa đánh nhau với Mỹ, nước Mỹ ở xa mình vậy mà dân Mỹ còn biểu tình ủng hộ mình. Giờ Trung Quốc gần như vầy, chẳng lẽ mình không tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân tiến bộ nước họ?” - chị Linh bày tỏ.

66psDTZE.jpgPhóng to
Ảnh: THANH ĐẠM

Chung sức từ bệnh viện

Sáng 14-5, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã phát động cán bộ công nhân viên, y bác sĩ trong toàn bệnh viện hưởng ứng, tham gia chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Ngay trong buổi sáng này, Bệnh viện Từ Dũ đã đóng góp 100 triệu đồng từ “quỹ một ngày lương” của cán bộ công nhân viên bệnh viện vào chương trình. Ngoài ra, các y bác sĩ, nhân viên y tế, thân nhân bệnh nhân, bệnh nhân của bệnh viện còn tham gia đóng góp hơn 42 triệu đồng cho chương trình qua các thùng quyên góp được tổ chức ngay trong khuôn viên bệnh viện (ảnh).

THÙY DƯƠNG

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên