Đạo diễn Charlie Nguyễn giới thiệu về ý tưởng gây quỹ cộng đồng cho điện ảnh ứng dụng công nghệ blockchain
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho biết anh ấp ủ việc này sau khi chứng kiến nhiều thất bại của điện ảnh Việt trong các năm qua.
Khán giả có thể đầu tư một tấm vé hay 1 triệu đồng
Trong tương lai, phim điện ảnh Việt sẽ có số lượng nhà đầu tư không hạn chế, có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Vừa qua, Charlie Nguyễn cùng các đối tác giới thiệu FAM Central, nhằm giúp anh hiện thực hóa ý tưởng nói trên.
Sau khi tìm hiểu, Charlie Nguyễn nhận thấy mô hình "fanvestor", gây quỹ cộng đồng trong ngành giải trí đã được áp dụng ở các nước với những thương hiệu như Legion M (Mỹ) - công ty giải trí đầu tiên do người hâm mộ sở hữu, Angel Funding thuộc Angel Studios, Slated, Indiegogo...
Riêng về đầu tư phim thì có SingularDTV, Vevue, Ara Blocks, FilmChain, Cinezen Blockchained Entertainment, BINGE, LiveTree ADEPT... Tại Việt Nam, có Cổng Trời Gallery - sàn giao dịch NFT đầu tiên của hội họa Việt Nam với mục tiêu NFT hóa 50.000 tác phẩm hội họa, do Công ty KardiaChain phát triển.
Hệ sinh thái FAM Central bao gồm 3 yếu tố: các ứng dụng công nghệ; cộng đồng "fanvestor" nơi người hâm mộ được trao quyền đồng hành với nghệ sĩ và dự án nghệ thuật; các dự án được giám tuyển và giới thiệu để cộng đồng hỗ trợ.
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn chia sẻ: "Một khán giả có thể đầu tư số tiền bằng một tấm vé, 2 tấm vé, vài trăm nghìn đồng, 1 triệu đồng, 50 USD là tùy họ. Họ sẽ đồng hành cùng bộ phim. Nếu bộ phim có lời, họ sẽ có lời.
Người đầu tư lớn có thể nhận các phần thưởng đi kèm như đến thăm trường quay, chụp ảnh với những người mà họ yêu thích như diễn viên Thái Hòa hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hoặc các phần thưởng ý nghĩa khác. Cách làm này là nhằm đưa người yêu điện ảnh đồng hành với nhà làm phim".
Thái Hòa và Phương Anh Đào trong "Chàng vợ của em", một phim thành công của đạo diễn Charlie Nguyễn - Ảnh: ĐPCC
Sẽ không bất công cho các nhà làm phim nhỏ, độc lập
Trước câu hỏi "Gây quỹ cộng đồng có tạo nên chênh lệch về cơ hội giữa các dự án của nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng với các dự án ít nổi tiếng hơn?", Charlie Nguyễn nói: "Người có danh tiếng tất nhiên sẽ được hưởng ứng nhiều hơn. Nhưng người chưa có danh tiếng cũng có cơ hội để kết nối với những ai thực sự muốn ủng hộ họ.
Hiện tại, họ chỉ có cơ hội từ các hãng phim nhưng các hãng phim cũng không muốn đầu tư vào các dự án nhỏ hay phim độc lập. Lâu nay, phim độc lập gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Còn sắp tới, các bạn có thể huy động vốn từ những ai quan tâm và theo dõi quá trình hoạt động nghệ thuật của mình".
"Bố già", trường hợp thành công lớn gần đây của điện ảnh Việt, là phim theo mô hình đầu tư truyền thống - Ảnh: ĐPCC
Để thu hút khán giả đầu tư, nhà làm phim phải đưa lên nền tảng những chất liệu quảng bá như tóm tắt kịch bản, teaser, dàn diễn viên, tổng kinh phí, số kinh phí cần huy động từ "fanvestor", thời điểm quay phim và dự kiến ra mắt, một lời tuyên bố quan trọng về phim của đạo diễn (về mong muốn của bản thân), bảo chứng của hội đồng thẩm định.
Charlie Nguyễn đã mời các cố vấn uy tín đến từ lĩnh vực công nghệ, tài chính và điện ảnh. Giới điện ảnh có đạo diễn Hàm Trần, Phan Đăng Di, nhà sản xuất HKFilm. Anh đã trò chuyện với BHD, Cinebox, đạo diễn Lê Thanh Sơn, biên kịch Trần Khánh Hoàng.
Hiện nay, khán giả thường không được tiếp cận với một dự án phim trong quá trình sản xuất. Họ thường chỉ biết đến khi phim đã hoàn thành hoặc ra mắt các chất liệu quảng bá như trailer, teaser, hình ảnh.
Theo nhà sản xuất Charlie Nguyễn, hình thức "fanvestor" sẽ đưa khán giả trở thành một phần của bộ phim, không còn là người xa lạ và không biết gì về phim trước khi nó ra rạp.
"Qua cách làm này, thị trường và khán giả sẽ phản hồi trước cho nhà làm phim biết, tránh tình trạng đầu tư hơn 20 tỉ trong mấy năm trời nhưng phim ra không ai xem" - anh nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di là một trong các cố vấn về điện ảnh được nhà sản xuất Charlie Nguyễn mời tham gia dự án - Ảnh: NVCC
Đạo diễn Phan Đăng Di: ‘Cơ hội đầu tư cho những người không có quá nhiều tiền’
"Khi Charlie Nguyễn nói với tôi về hình thức gọi vốn mới, tôi thấy đây là cách làm rất hay vì khiến xã hội quan tâm hơn đến đầu tư phim.
Cách đầu tư phim truyền thống là các nhà đầu tư lớn hoặc quen biết, cách làm này an toàn nhưng bó hẹp khả năng gọi vốn của nhà làm phim và khó kêu gọi cộng đồng tham gia.
Trước đây, người ta phải có thật nhiều tiền mới nhảy vào được. Còn từ nay, sẽ có cơ hội cho những người không có quá nhiều tiền hoặc có nhưng không biết cách thức đầu tư.
Điều lo ngại nhất của cách gọi vốn mới là quản lý tài chính và tính hợp pháp, được bảo vệ. Hình thức blockchain của anh Charlie là một cách để đảm bảo, tương tự hợp đồng điện tử, mọi người đóng góp bao nhiêu thì đều được ghi lại qua hệ thống trung gian, không ai can thiệp vào được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận