01/06/2023 09:25 GMT+7

Chấp nhận 'mắc kẹt' vì sợ thất nghiệp?

Tuy chịu áp lực tinh thần, bị nợ lương, không ít người vẫn cố trụ lại với công việc hiện tại vì sợ thất nghiệp, cũng như tiếc những gì mình đã tạo dựng được.

Dù làn sóng nghỉ việc đã qua nhưng một số bạn trẻ vẫn chưa kịp "nhảy việc" - Ảnh minh họa: Pexels

Dù làn sóng nghỉ việc đã qua nhưng một số bạn trẻ vẫn chưa kịp "nhảy việc" - Ảnh minh họa: Pexels

Mắc kẹt vì tiếc việc

Hiện công tác trong ngành thể thao điện tử với vị trí là trưởng nhóm truyền thông của một đội tuyển, công việc của T. (23 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) bao gồm lên ý tưởng, thực hiện và kiểm duyệt các nội dung xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, T. còn theo sát tuyển thủ trong quá trình thi đấu để chăm sóc và đảm nhiệm luôn việc hậu cần chỉ sau một năm làm việc.

“Bản chất của thể thao điện tử là một ngành nhanh chóng, kịp “trend” và chỉn chu về chất lượng sản phẩm. Mình đã xây dựng hình ảnh đội tuyển thành công trên nhiều nền tảng nên không muốn bỏ dở vì đã có số lượng người hâm mộ nhất định”, T. cho biết.

Thậm chí, T. không thể nhận ra khoảng thời gian mình bị stress nhất vì đẩy bản thân làm việc quá sức, để đáp lại kỳ vọng từ người theo dõi. T. không đủ thời gian cho bản thân, hậu quả là gặp phải vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Giữ nhiều tài liệu quan trọng của công ty chỉ sau gần 2 năm công tác, V. (22 tuổi, nhân viên truyền thông của một tập đoàn đa ngành) ngại phải bàn giao, cũng như muốn thể hiện trách nhiệm với công việc và đam mê của mình vì mới ra trường.

“Mình từng đặt niềm tin nơi đây sẽ hiện thực hóa ước mơ của mình, nhưng tiếc rằng hiện thức khác so với những gì mình tưởng tượng. Tuy nhiên, mình không gánh nổi áp lực tài chính nếu tìm một công việc mới”, bạn tâm sự.

V. luôn bị "réo" ngoài giờ và từng bị nợ lương ở công ty hiện tại - Ảnh minh họa: My Careers Future

V. luôn bị "réo" ngoài giờ và từng bị nợ lương ở công ty hiện tại - Ảnh minh họa: My Careers Future

Chùn bước vì bị “thao túng”

Là thành phần lao động chính với khoảng 10,8 triệu người (21,4% lực lượng lao động cả nước), quý I năm 2023 ghi nhận tình trạng lao động trẻ thất nghiệp, một thách thức lớn với nền kinh tế.

Trong buổi họp báo thường kỳ về dự báo thị trường lao động của thành phố, ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin bức tranh thị trường lao động tại TP.HCM thời gian tới dự kiến vẫn còn trầm lắng khiến nhiều người trẻ e ngại “nhảy việc”.

“Mình bị sếp thao túng về thị trường đang thiếu việc làm, mình sẽ không tìm được môi trường nào có đồng nghiệp tốt như ở đây”, V. tiết lộ. Với nỗi lo và sự trì hoãn này, bạn đang mất dần niềm yêu thích về nghề nghiệp, cũng như không biết lộ trình phát triển bản thân đã đặt ra sẽ “đi về đâu”.

Là quản lý trực ca một cửa hàng của chuỗi cà phê nổi tiếng, P. (23 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú) đang chịu áp lực tinh thần từ người quản lý mới có phần yếu kém và vô lý nhưng chưa thể nghỉ việc vì sợ bị soi mói “ăn không ngồi rồi”.

“Không chỉ mình mà nhân viên tại cửa hàng cũng đang gặp tình trạng tương tự nhưng nếu ở nhà, mình sẽ mang tiếng thất nghiệp dù học ở trường giỏi và có bằng cấp về tiếng Anh”, P. tâm sự.

Trên các trang mạng xã hội, các bài đăng tìm việc xuất hiện với tần suất cao càng khiến nhiều người không dám mạo hiểm rời bỏ công việc hiện tại.

Trên các trang tìm việc, hồ sơ ứng viên cạnh tranh với thành tích "khủng" cũng khiến nhiều bạn trẻ lo lắng - Ảnh minh họa: Getty Images

Trên các trang tìm việc, hồ sơ ứng viên cạnh tranh với thành tích "khủng" cũng khiến nhiều bạn trẻ lo lắng - Ảnh minh họa: Getty Images

Chọn dung hòa trước khi mở được cánh cửa mới

Tuy vẫn đang trải qua những ngày làm việc khó khăn và trì hoãn, song họ vẫn quyết tâm không bỏ việc vì nhận thấy mình vẫn còn học được nhiều kinh nghiệm ở công việc hiện tại.

“Mình từng nghĩ sẽ rời khỏi ngành này nhưng khi nhìn lại, việc trưởng thành hơn từ áp lực là sự dung hòa cho những khó khăn của công việc và bản thân. Mình học được nhiều hơn về chuyên môn cũng như cách ứng xử, cách xây dựng thương hiệu cá nhân”, T. nói.

Quyết định tiếp tục với công việc vì mức lương hiện tại, áp lực vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của, P. cho biết mình sẽ nghỉ việc nếu không giải quyết được mâu thuẫn và khi tìm được công việc mới thích hợp.

“Mình sẵn sàng đi làm những công việc chân tay, phục vụ thậm chí chạy giao hàng nếu cần thiết, chỉ sợ đen thôi (cười)", P. hài hước chia sẻ.

Vừa qua, Trung Quốc cũng kêu gọi cử nhân thất nghiệp 'xắn tay' làm việc chân tay - Ảnh minh họa: THE WIRE CHINA

Vừa qua, Trung Quốc cũng kêu gọi cử nhân thất nghiệp 'xắn tay' làm việc chân tay - Ảnh minh họa: THE WIRE CHINA

Nhận định lại điểm mạnh và điểm yếu, tìm hiểu kỹ hơn về sở thích và kỹ năng là những cách để người trẻ đưa ra quyết định có nên tiếp tục với công việc. “Sống mòn” có chừng mực, các bạn vẫn sẽ trau dồi kỹ năng và “dứt áo ra đi” khi công việc vượt qua giới hạn.

Bằng đại học "vô giá trị" đang tạo ra thế hệ thất nghiệp ở Ấn ĐộBằng đại học 'vô giá trị' đang tạo ra thế hệ thất nghiệp ở Ấn Độ

Sinh viên trên toàn cầu đang ngày càng đặt câu hỏi về lợi ích của giáo dục, kể cả ở Mỹ. Nhưng không ở đâu vấn đề bằng đại học vô giá trị nhức nhối hơn Ấn Độ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên