![]() |
Thầy giáo Trần Hoàng Nam - Ảnh: Bích Nhàn |
Có hôm đang đứng ở văn phòng thấy một nhóm học sinh vai mang túi xách đang lén chui qua cổng, thầy thầm nghĩ: “Chắc vì khổ quá, cơm không đủ ăn, ăn toàn rau đắng hái ở rừng nên các em chịu không xiết”. Nhìn đám học sinh đang trong tư thế “chạy trốn”, bộ dạng thiểu não lẫn hoảng hốt, thầy không trách mắng mà chỉ ân cần hỏi chuyện. Sau đó thầy dẫn nhóm học sinh về nhà mình. Nhà có con gà, thầy làm thịt mời cơm các em, nói điều phải trái, dỗ dành, động viên cho đến lúc nhóm học sinh đồng ý ở lại học. Giờ thì trong số học sinh toan “trốn trại” ngày ấy có em đã rất thành đạt...
Một học trò cũ của thầy, anh Võ Quốc Hưng, hiện là bí thư Xã đoàn Sơn Giang (huyện Sông Hinh, Phú Yên), kể khi mùa mưa nước lũ tràn về đi lại nguy hiểm, thầy đã chủ động thu xếp để các em ở xa được trọ lại nhà thầy mà đi học cho qua mùa lũ. Ngày chưa có quy định cấm dạy thêm ở nhà, lớp dạy thêm của thầy bao giờ cũng đông nghịt, nhưng thầy không lập danh sách lớp, cũng không bao giờ mở miệng nhắc chuyện tiền nong. Học trò tới học có em đóng tiền có em không, thầy vẫn dạy dỗ bình đẳng, nhiệt tình.
Câu chuyện về Nguyễn Thị Thanh Hoa được học trò cũ của thầy kể thật cảm động. Hoa là một học sinh giỏi, nhà nghèo. Hoa thi đậu vào Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM), đang là sinh viên năm hai thì bỏ học vì gia đình quá khó khăn. Hoa tâm sự với thầy Nam và được thầy động viên nên quyết định sẽ tiếp tục ôn để thi vào Trường ĐH An ninh nhân dân. Thầy Nam đã kèm cặp, ôn luyện cho Hoa và cô học trò nhỏ đã thi đậu như ước nguyện.
Thầy Nam giờ là hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh, Phú Yên). Tôi không phải học trò của thầy Nam, những câu chuyện này thầy cũng không bao giờ kể với một đồng nghiệp như tôi. Điều làm tôi thêm kính mến thầy hơn bởi những điều này tôi được nghe học trò cũ của thầy chia sẻ. Cảm ơn vì thầy đã giúp chắp cánh những ước mơ...
Cho mượn tiền mua xe Nói về thầy giáo Trần Hoàng Nam, ThS Nguyễn Khắc Tín - giảng viên khoa khoa học cơ bản Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết cậu học trò nghèo Tín sẽ mãi không quên sự giúp đỡ, những lời động viên của thầy Nam. “Dù thầy Nam không phải là giáo viên dạy tôi trên lớp nhưng thầy luôn quan tâm kèm cặp, chia sẻ tài liệu cho tôi đọc, bồi dưỡng kiến thức... Nhờ sự giúp đỡ của thầy, tôi tự tin hơn và thi đậu vào ĐH” - ThS Tín tâm sự. Ngày đó, thầy Nam dạy thêm cho Tín nhưng không nhận học phí. Khi theo học ĐH, những lời động viên của thầy Nam đã tiếp sức cho Tín quyết tâm hơn, vượt khó vươn lên... Đến khi Tín tốt nghiệp ĐH, thầy Nam vẫn tiếp tục dõi theo như một người cha. Thầy khuyên nhủ: “Em còn rất trẻ, cần phát triển đường học hành của mình, nên học tiếp ở bậc học cao hơn”. Không chỉ động viên bằng lời, biết học trò mình cần xe máy đi dạy thêm cho đỡ vất vả, thầy Nam gọi Tín đến cho mượn tiền mua xe. Nhờ đó Nguyễn Khắc Tín đã vững bước hơn trong con đường học hành và hiện đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh ở ĐH Quy Nhơn. TRẦN HUỲNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận