12/04/2012 01:26 GMT+7

Chắp cánh cho những ước mơ

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - “Mình mơ ước được nâng cao tay nghề để công việc tốt hơn, có thêm thu nhập...” - Nguyễn Hoàng Trà My (1991), Công ty cổ phần may Cholimex (huyện Bình Chánh, TP.HCM), tâm sự như vậy.

eoG5XvX2.jpgPhóng to
Nguyễn Hoàng Trà My tại nơi làm việc - Ảnh: Hữu Công

Trằn trọc vì ước muốn.. nâng cao tay nghề

Là chị cả trong gia đình ba chị em với cha làm thợ hồ, mẹ buôn bán ngoài chợ, cuộc sống của gia đình Trà My (TP Huế) tạm đủ để cô nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng nuôi ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Nhưng biến cố dồn dập xảy đến với gia đình My khiến ước mơ đó tan vỡ. “Cha bị sỏi mật phải phẫu thuật gấp, chi phí gần cả trăm triệu đồng. Trong lúc đó mẹ lại bị tai nạn giao thông, bể xương bánh chè chỉ ngồi một chỗ”, Trà My nhớ lại. Và My - đang học lớp 11 - trở thành trụ cột của gia đình, lao vào cuộc mưu sinh kiếm tiền. Làm ở quê thu nhập không cao, My theo chân những đoàn người xa xứ vào Nam lập nghiệp.

Những ngày đầu vào TP.HCM, hết giờ làm việc My ngồi khóc vì nhớ nhà, khóc xong lại gạt nước mắt trở vào chiếc máy may tiếp tục công việc. Nhưng từ khi trở thành đoàn viên của chi đoàn 1 trong công ty, My bảo “thấy mình đỡ cô đơn ở quê người”...

My bảo công việc vất vả cả ngày nhưng đêm về thường khó chợp mắt nổi. Trong những giấc ngủ ngắn ngủi, đầy mộng mị, My luôn trăn trở về tương lai của mình. Những lúc như thế, ước muốn được nâng cao tay nghề để kiếm thêm thu nhập càng mạnh mẽ...

RN8bTdXX.jpgPhóng to
Nguyễn Thanh Điền tại nơi làm việc - Ảnh: Hữu Công

Để được học nghề điện lạnh...

Thi đậu vào một trường cao đẳng đợt tuyển sinh năm 2004 nhưng Nguyễn Thanh Điền (1985), ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chọn học nghề “vừa phù hợp kinh tế gia đình, vừa có thể làm thêm nuôi các em đến trường”.

Ở vùng đất cằn như ấp Gò Sao, xã Tân Phú chỉ có thể làm lúa vào mùa mưa, mùa nắng phải quay sang trồng bắp cao sản hoặc đậu phộng, cha mẹ Điền vất vả lắm mới nuôi nổi bốn anh em Điền qua những năm học phổ thông. Đến năm tốt nghiệp phổ thông, cha bị di chứng lao phổi, mẹ bị u não, Điền rẽ lối trên con đường bước vào giảng đường.

Tốt nghiệp ngành điện công nghiệp Trường trung cấp nghề Đức Hòa, Điền khăn gói lên TP.HCM làm việc cho Công ty Điện tử tin học Sài Gòn với công việc... giữ xe. Buổi sáng phụ làm việc cho căngtin cơ quan, buổi chiều Điền giữ xe đến tối. Thương cha mẹ già ở quê, mỗi tháng anh giữ lại chưa đầy hai trăm ngàn để tiêu vặt, số tiền còn lại đều gửi về nhà.

Cuối năm rồi, Điền rất mừng khi được chuyển sang làm ở bộ phận bảo trì, đúng với chuyên môn được đào tạo. Tan giờ làm việc hành chính lại thấy Điền lật đật xuống căngtin phụ bán cơm, xong giờ cơm trưa lại trở lên nơi làm việc. Cứ cần mẫn, chịu khó như thế, Điền chắt chiu mãi mới đủ tiền đóng học phí để học thêm ngành điện lạnh mà anh ao ước lâu nay. “Công việc đó phù hợp với bản thân, nhu cầu xã hội và giúp mình hoàn thành tốt hơn công việc ở bộ phận bảo trì”, Điền nói.

Trao 120 suất học bổng "Nhất nghệ tinh" 2012

Tối nay, 12-4, tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM trao 120 suất học bổng "Nhất nghệ tinh" năm 2012 trên tinh thần định hướng cho thanh niên: vào đại học không phải là con đường duy nhất, học nghề cũng là ngả dẫn về tương lai.

Trong đó, 100 suất dành cho đối tượng học sinh, sinh viên nghề các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (trị giá 4 triệu đồng/suất) và 20 suất dành cho công nhân nâng cao bậc tay nghề (trị giá 5 triệu đồng/suất).

Tổng kinh phí chương trình là 500 triệu đồng trích từ giải golf gây quỹ "Tiếp sức đến trường" (do Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, báo Tuổi Trẻ tổ chức) và đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên