Trần Đặng Đăng Khoa trong khu cách ly ở Hưng Yên - Ảnh: NAM TRẦN
Trong ngày đầu tiên về nước 17-6, Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1987) đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện ở ngay khu cách ly tại Hưng Yên. Những câu chuyện lý thú lần đầu tiên được Khoa tiết lộ.
Đã đi đến hết những nơi cần đến
* Chào Khoa! Vừa trở về đất nước sau 1.111 ngày chu du khắp thế giới và gần 3 tháng nằm yên một chỗ ở Mozambique không biết lúc nào có thể đi tiếp hay về nhà vì COVID-19, Khoa cảm thấy thế nào?
- Như các bạn theo dõi trang Facebook của tôi đã biết, ngày 1-6-2017 tôi khởi hành từ cửa khẩu Mộc Bài nên tôi từng đặt ra kế hoạch là muốn trở về Việt Nam bằng đường bộ, về đúng cửa khẩu Mộc Bài như lúc xuất phát. Lộ trình dự định là sẽ từ châu Phi về Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan - Campuchia - cửa khẩu Mộc Bài.
Nhưng xui rủi COVID-19 đến, các biên giới châu Phi đóng cửa nên đành gửi xe máy theo đường biển từ Mozambique về Việt Nam, còn người thì nằm lại đó, đợi chuyến bay về nước. Giờ này tuần trước tôi còn nằm ở Mozambique nghĩ không biết chừng nào mới có thể về nhà, có lẽ là vài tháng nữa, chỉ hi vọng về kịp trước Tết Nguyên đán. Tôi đã xa nhà ba cái tết rồi.
Không ngờ 2 ngày sau thì Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique thông báo tới công dân Việt Nam đang mắc kẹt ở đây rằng sẽ có chuyến bay hồi hương. Trưa 15-6, tôi cùng mọi người lên máy bay từ Nam Phi về Việt Nam vào sáng 16-6.
Về lại quê nhà sau 1.111 ngày xa cách nhưng lại không thể ào vào vòng tay bạn bè, người thân mà phải đi ngay về khu cách ly và chào mọi người qua... Facebook. Tuy có tiếc vì chưa gặp được ba mẹ sớm hơn nhưng tôi không phàn nàn, bởi dịch bệnh khiến cả nước mình đồng sức đồng lòng để có được kết quả tốt đẹp mà đi tới đâu cũng được bạn bè thế giới khen Việt Nam chống dịch tốt. Khoa đã xa người thân, bạn bè 1.111 ngày thì thêm 14 ngày cũng không khác nhau là mấy.
Đăng Khoa xuất phát từ Mộc Bài (Tây Ninh) ngày 1-6-2017
* Bạn có tiếc khi chuyến đi phải dừng lại dở dang ở chặng cuối cùng?
- Không thể về nước qua cửa khẩu Mộc Bài và phải thay đổi kế hoạch một chút xíu vì dịch bệnh nhưng tôi cũng không tiếc nhiều bởi tôi đã đi đến hết những nơi cần đến, đã có một chuyến đi khó quên trong đời, được ngắm nhìn biết bao cảnh và người trên thế giới, học được muôn ngàn bài học ý nghĩa mà nếu không đi thì không bao giờ học được.
Về tới nơi cách ly tại Trung đoàn 126 (Hưng Yên), tôi và mọi người lại được tiếp đón rất chu đáo, cơm rất ngon. Không ngờ bữa cơm Việt Nam đầu tiên sau hơn 1.000 ngày xa đất nước lại là bữa cơm ở trong khu cách ly, và không ngờ nữa là nó lại ngon đến thế.
Trần Đặng Đăng Khoa trong khu cách ly ở Hưng Yên - Ảnh: NAM TRẦN
* Bạn dự định thế nào khi kết thúc thời gian cách ly?
- Tôi dự định ở Hà Nội một vài ngày giải quyết một số công chuyện rồi bay về Sài Gòn để về nhà ở Tiền Giang gặp gia đình.
Thế giới về căn bản là nhiều người tốt
* Hẳn là Khoa đã có một trải nghiệm dịch bệnh COVID-19 thật đặc biệt khi bị kẹt lại ở châu Phi một mình?
- Tôi nghe tin về COVID-19 lần đầu tiên vào ngày 29 tết, khi đang ở Madagascar. Chuyến đi và những ngày chứng kiến sự chống chọi với dịch bệnh COVID-19 ở châu Phi cho tôi thấy rõ hơn về sự vô thường của cuộc đời.
Trên đường đi, tôi đã chứng kiến những đám tang và cả đám cưới. Vòng tròn sinh lão bệnh tử không ai tránh được, nên vui được ngày nào thì vui ngày đó, yêu thương nhau, giúp nhau được điều gì thì cố giúp, vì đâu biết cuộc đời lên xuống mấy hồi.
Rồi trên đường đi tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của mọi người, đồng thời tôi đã giúp đỡ nhiều người khác. Lòng tốt và sự tử tế có ở khắp mọi nơi và chúng mang lại niềm vui cho con người. Tôi nhận ra rằng nhiều khi mình đừng e ngại nhận sự giúp đỡ của người khác mà cứ vui vẻ nhận lấy khi cần, và sau đó mình giúp lại người khác như một cách để nhận lấy niềm vui cho mình, cho mọi người.
Ngay trong thời gian đi thì gia đình tôi có một người thân mất, đó là một câu chuyện rất buồn. Những lần hư xe trên đường hay việc chưa thể hoàn tất hành trình như dự định mà phải bỏ dở ở gần cuối đích của chuyến đi này cũng là một chuyện buồn. Rồi một số chuyện tình cảm trên đường không được suôn sẻ lắm; cũng có những lúc tâm trạng, nỗi cô đơn choán lấy mình; những chuyện lặt vặt như rớt đồ, bị quỵt tiền, bị cướp... Nhưng tất cả những chuyện buồn này tôi cố gắng kiểm soát để không ảnh hưởng nhiều tới chuyến đi của mình.
Đăng Khoa mang theo áo dài để chụp hình trước tháp Eiffel (Paris, Pháp)
* Bị giật đồ, quỵt tiền... trên đường, nhưng Khoa vẫn tin rằng thế giới phần nhiều là người tốt như bạn từng chia sẻ với độc giả Tuổi Trẻ?
- Nơi nào cũng có người tốt kẻ xấu, ngay ở trong một thôn làng cũng vậy. Nhưng tôi tin cơ bản con người là tốt, luôn sẵn sàng giang tay giúp đỡ người khác. Mình muốn nhận được sự giúp đỡ của người khác thì bản thân mình cũng phải luôn sẵn sàng giúp đỡ. Mình gieo hạt nào sẽ nhận quả đó. Mình thân thiện, dễ thương thì đi đâu cũng nhận được sự hỗ trợ của mọi người.
Trong hành trình của tôi, ngoài vài chuyện không vui với người xấu thì người tốt rất nhiều, luôn xuất hiện giúp đỡ tôi. Sau chuyến đi này, tôi luôn tin thế giới về căn bản là nhiều người tốt.
Trần Đặng Đăng Khoa trong khu cách ly ở Hưng Yên - Ảnh: NAM TRẦN
Việt Nam là nơi đẹp nhất
* Khoa từng chia sẻ với độc giả Tuổi Trẻ rằng bạn cũng từng có những định kiến về con người ở một số nước trên thế giới, chuyến đi đã giúp Khoa xóa bỏ định kiến?
- Tôi nói vậy thôi chứ thực tình trước giờ mình không có định kiến với bất cứ nước nào hết. Ấn Độ không sạch, đối xử tệ với phụ nữ và trẻ em gái, chuyện đó ai cũng biết. Tôi cũng từng nghĩ vậy, nhưng khi đến đó thì mình hiểu câu chuyện ở tầng sâu hơn những thứ bề nổi ai cũng thấy. Và tôi muốn nhìn nhận những khác biệt giữa các nền văn hóa ấy là sự đa dạng văn hóa cần được tôn trọng chứ không phải để phán xét. Những cái đó mình phải đi, phải đến thì mới thấy.
Trong các chuyến đi, tôi không chỉ muốn ngắm nhìn tháp Eiffel, tháp nghiêng Pisa, tượng Nữ thần tự do, cảnh núi non hùng vĩ... mà tôi muốn quan sát nhiều hơn về con người, văn hóa, các mối quan hệ xã hội ở những nơi mình đến. Tôi không thích những chuyến du lịch bay tới bay về, nó sẽ không cho mình nhiều cảm xúc, không cho mình có thể thấy được sự chuyển biến của xã hội, không biết địa chính trị của thế giới thế nào... Hành trình bằng xe máy đi khắp thế giới cho tôi những trải nghiệm vô giá đó.
Đăng Khoa trên trang bìa Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tuất 2018
* Quan sát thế giới nhiều hơn và trực diện, bạn có nhìn Việt Nam khác xưa không?
- Tôi có lẽ là người lạc quan và dễ thích nghi, nên ngay cả trước chuyến đi tôi cũng nhìn những điều mọi người hay than phiền ở Việt Nam một cách cởi mở và tích cực.
Mozambique là một nước rất nghèo nhưng đường phố cực hiếm tiếng còi xe. Họ nghèo như vậy nhưng họ làm được điều đó, còn Việt Nam thì không. Ra đường là tiếng còi xe inh tai nhức óc. Nhưng tôi cũng tự nhủ rằng ở Việt Nam cuộc sống đô thị bon chen hơn, giao thông thường xuyên tắc nghẽn nên làm con người bực bội hơn mà bóp còi loạn xạ cũng là điều có thể hiểu. Nghĩ vậy và cùng nhắc nhau mỗi người cố gắng một chút thì sẽ thay đổi. Cái gì cũng luôn có hai mặt, kể cả trong cái xấu vẫn có mặt tốt.
Ví như gánh hàng rong, vỉa hè lộn xộn có thể khiến nhiều người lo lắng vệ sinh thực phẩm không tốt, đường phố "nhếch nhác". Nhưng nó có cái hay là ở Việt Nam mua bán rất dễ. Còn ở Mỹ, đường phố ngăn nắp tinh tươm nhưng không có chuyện bạn đi vài bước ra đường là có thể gặp la liệt hàng quán mời gọi.
Cho nên quan trọng là mình suy nghĩ tích cực để cùng nhau thay đổi những cái chưa tốt. Chứ không phải cứ sống ở thiên đường mới hạnh phúc. Thiên đường mà không phù hợp với mình thì cũng chưa chắc vui.
* Vậy đi khắp thế giới rồi, bạn thấy nơi đẹp nhất là nơi nào?
- Bây giờ thì ở Việt Nam với tôi là nơi đẹp nhất. Ở Việt Nam, tôi có thể có được việc làm tốt, những cơ hội mới, làm được nhiều việc mình muốn, góp sức tạo ra sự thay đổi. Quan trọng hơn nữa là tôi có gia đình, bạn bè.
Giữ chiếc xe làm kỷ niệm
* Những chuyến đi mang lại cho Khoa rất nhiều điều, kiến thức, thậm chí là sự nổi tiếng, và kéo theo đó là tiền bạc nữa. Vậy bạn có khuyến khích các bạn trẻ cũng đi và trải nghiệm như mình?
- Tôi không khuyến khích ai làm theo mình cả, mà khuyến khích mọi người làm những gì theo sở thích và sở trường của mình. Nếu bạn nào thích những chuyến đi thì cứ đi, nhưng nếu không thích thì mình không khuyến khích. Tôi cũng giữ quan điểm này trong giáo dục con cái sau này, khuyến khích các con làm những điều mình thích chứ không phải là làm theo người khác.
Trần Đặng Đăng Khoa trong khu cách ly ở Hưng Yên - Ảnh: NAM TRẦN
* Dự định tương lai của bạn là gì?
- Tôi sẽ tập trung vào làm việc. Một số công ty của bạn bè, một số nhãn hàng muốn hợp tác với tôi. Sắp tới, tôi sẽ phải làm rất nhiều việc, giống như những công việc mình làm ba năm nay để giúp mình trang trải cho chuyến đi và lo cho gia đình.
Tôi có kế hoạch sẽ xuất bản cuốn sách về chuyến đi của mình trong năm nay, toàn bộ tiền thu được sẽ gây quỹ thiện nguyện cho trẻ em. Ngoài ra là một số chương trình như làm đại sứ cho đêm nhạc từ thiện gây quỹ cho Tổ chức Operation Smile, chăm sóc một số trại trẻ mồ côi của bạn mình, tiếp tục các chương trình từ thiện mà tôi đã làm cùng bạn bè suốt 7 năm qua.
* Bạn sẽ bán đấu giá chiếc xe gây quỹ từ thiện nào đó chứ?
- Chắc là không. Tôi muốn giữ nó làm kỷ niệm.
* Để đi nhiều như vậy, bạn có phải đánh đổi gì không?
- Thời gian, sức khỏe, những mối quan hệ bạn bè, gia đình, quan hệ xã hội... Bạn hãy hình dung 3 năm bạn không gặp người thân, bạn bè, những cái tết xa nhà một mình, những sinh nhật một mình...
Muốn kết hôn sớm
* Sau chuyến đi, bạn có thấy mình trưởng thành hơn hay đổi khác xưa?
- Trưởng thành hơn thì là điều chắc chắn. Từ chuyến đi này, tôi nghĩ sau này mình sẽ là một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình hơn. Trước đây khi kết thúc một chuyến đi tôi lại muốn có ngay một chuyến đi khác, nhưng bây giờ tôi bắt đầu mơ về một mái ấm gia đình, những đứa trẻ, bởi trên hành trình vừa rồi tôi nhìn thấy nhiều hình ảnh gia đình cảm động, rất vui.
Tôi muốn kết hôn sớm, có con sớm để các con trưởng thành sớm, có thể đi một chuyến dài ngày ra thế giới nữa cùng với vợ con. Chuyến đi có thể kéo dài trong một năm thôi và đi ôtô. Tôi vẫn luôn muốn khám phá những chân trời mới, những điều mới mẻ.
Một số hình ảnh của Trần Đặng Đăng Khoa và xe máy trong hành trình chu du thế giới:
Trần Đặng Đăng Khoa ở Phnom Penh (Campuchia) đầu tháng 6-2017, ngay khi vừa rời Việt Nam, bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy
Khoa ở Pakistan
Dừng chân tại Italy
"Chiến mã" đến Thụy Sĩ
Trần Đặng Đăng Khoa ở Iran
Đến Bulgaria
Trần Đặng Đăng Khoa ở Tirana, thủ đô Albania
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận