Em là lớp trưởng lớp A khóa học sau tôi, không có gì nổi trội trong trường, trừ tính quyết đoán. Nghe kể em sinh ra ở một bản nghèo của huyện Mù Cang Chải, tuổi thơ em là những ngày theo mẹ lên nương, gùi sơn tra xuống chợ đổi lấy hàng hóa. Em đi học muộn, bởi vậy 22 tuổi em mới học xong lớp 12. Em không thật sự thông minh, nhưng tính cần cù khó ai bì kịp. Tôi nhớ những ngày học nội trú, đôi lúc nửa đêm tỉnh giấc, phòng bên cạnh vẫn còn ánh nến, dáng cao gầy của em làm tôi khâm phục.
Tôi vào đại học, em tìm gặp tôi trong một ngày Hà Nội vào đông, cái lạnh làm gương mặt em khắc khổ hơn nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm hi vọng. Em hỏi tôi xin tài liệu để ôn thi đại học. Tôi rất bất ngờ. Em trêu: “Chị lại hỏi em sao không đi học cử tuyển phải không?”, tôi gật đầu. Một chàng trai người dân tộc ít người, học hành cũng không tệ, em đủ điều kiện để được xét vào một trường đại học. Trả lời cho sự ngạc nhiên của tôi, em bảo: “Em đã hứa với cô chủ nhiệm sẽ học và thi đỗ. Em không đi học cử tuyển vì lòng tự trọng, chị ạ. Người Mông chúng em hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, bao nhiêu năm nay rồi có được bao nhiêu người đỗ đạt đâu, chủ yếu là được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện, điều đó làm em suy nghĩ. Mọi thứ có thể ưu tiên, nhưng tri thức mà ưu tiên thì chỉ làm con người ta thỏa mãn và muôn đời dân tộc em không thể vươn lên được, chỉ trông chờ thôi, chị ạ”. Một điều tưởng chừng thật giản đơn nhưng em đã dám đánh đổi cả tương lai của mình cho chân lý rất riêng ấy.
Tôi không thể quên những ngày sống ở Hà Nội của em. Em vừa theo học một trường trung cấp nghề vừa ôn thi, vừa phải tự trang trải cuộc sống cho mình. Em ở trọ trong một căn phòng tồi tàn, bốn bên là cánh đồng, mùa đông gió len vào từng khe vách tranh giành tấm chăn mỏng với em, mùa hè muỗi nhiều như vãi trấu. Mỗi lần vào thăm em, tôi ái ngại còn em luôn cười bảo: “Tốt hơn là không có chỗ ở chị ạ, em vẫn học được mà”. Bữa ăn hằng ngày của em chỉ là rau muống, sản phẩm do em tự “cải tạo” khoảng đất trước phòng. Thi thoảng tôi vào chơi, bữa cơm được cải thiện hơn với món đậu rán.
Ông trời đã không phụ công em, năm đó em đỗ trung cấp cảnh sát.
Tôi gặp lại Dê vào một ngày tiễn đứa bạn thân của tôi đi du học. Vẫn dáng hao gầy, vẫn ánh mắt tràn đầy hi vọng, em chững chạc hơn trong bộ quân phục. Hôm đó, chúng tôi đi đón thêm một vài người bạn học cùng phổ thông. Vì thiếu xe máy nên chúng tôi quyết định đi 3, nhưng Dê đã ngăn lại. Dê bảo tôi: “Chị có biết tại sao em hơn chị 4 tuổi mà em luôn gọi chị bằng chị không? Thứ nhất vì nguyên tắc trường nội trú, thứ hai là vì sự tôn trọng, em vẫn là em của chị, nhưng em cũng sắp trở thành một chiến sĩ công an rồi, nếu em không tôn trọng trật tự xã hội, không tôn trọng nghề của mình thì em sẽ đánh mất mình rất dễ chị ạ”. Tôi biết em đã trưởng thành.
Buổi gặp mặt hôm đó, chúng tôi đưa ra một tình huống: Nếu sau này Dê làm cảnh sát giao thông, tôi vi phạm, trong ca trực chỉ có em, em có bắt tôi không? Dê trả lời thật bất ngờ: “Em không nhẹ tay với chị đâu, nhưng em sẽ bỏ tiền của em ra để nộp phạt cho chị”. Em không nói hết mọi điều, nhưng tôi hiểu em đã tạo ra phong cách sống cho riêng mình, tôn trọng bản thân.
Đôi lúc, tôi chấp nhận cuộc sống hiện tại, cho phép mình vi phạm những lỗi nhỏ nhỏ. Tôi thừa nhận điều đó với em, những lúc như thế, em lại cười trêu tôi “mọi thứ đều bắt đầu bằng thói quen…”. Em đã từng nói với tôi em thích câu châm ngôn “Đường đi không tự nhiên mà có, nó do con người đi mãi tạo nên”. Có những chân lý phải đánh đổi cả cuộc đời này mới có được, chàng trai trẻ người Mông của tôi đã dũng cảm đi vượt qua chính mình. Em đã dạy tôi bài học về lòng tôn trọng bản thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận