Đỗ Văn Hùng cùng các em học sinh thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Từ khi còn là sinh viên khoa công tác xã hội Trường đại học KHXH&NV Hà Nội, Hùng đã mơ ước được đi du lịch và chụp ảnh cho mọi người.
10.000 bức ảnh cho trẻ em nghèo
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Hùng nói: “Thời sinh viên, mình đã từng đến vùng cao và biết có nhiều em nhỏ chưa hề có một tấm ảnh nào. Cũng có nhiều nhiếp ảnh gia lên miền núi chụp ảnh những đứa trẻ rồi về, vì thế những tấm ảnh chưa một lần được nằm trong tay các em. Lúc ấy mình ấp ủ mong muốn tặng mỗi em món quà là một tấm ảnh chân dung để mang lại chút niềm vui nhỏ bé cho các em...”.
Tốt nghiệp đại học năm 2012, Hùng sang Singapore ba tháng trong chương trình thực tập sinh. Ở đây, Hùng tranh thủ làm thêm và tậu được chiếc máy ảnh đầu tiên. Sau đó, Hùng sang Thái Lan dạy tiếng Việt cho học sinh Thái. Đây là thời gian Hùng lên kế hoạch khi về nước sẽ chụp ảnh miễn phí cho các em nhỏ Việt Nam. Hùng chọn địa bàn thực hiện là các tỉnh miền núi Tây Bắc, mời bạn bè cùng tham gia và bắt đầu vận động tài trợ để khi về nước có thể tiến hành được ngay.
Hùng cho biết con số 10.000 bức ảnh là sự lựa chọn ngẫu hứng của anh và các bạn sau khi xem bộ phim Việt Nam - cuộc chiến tranh 10.000 ngày. “Đó là con số lớn. Ở vùng sâu vùng xa rất khó tập hợp các em chụp ảnh một lúc. Các ngôi trường ít học sinh, lại cách biệt... nhưng mình tin có thể hoàn thành dự án dựa vào sự quyết tâm của các thành viên và sự ủng hộ của mọi người” - Hùng chia sẻ.
Mỗi bức ảnh, nhiều niềm vui
Tháng 3-2014, Hùng về nước bắt đầu thực hiện dự án. Nơi đầu tiên Hùng và các bạn đến là Mèo Vạc, Hà Giang, cách Hà Nội khoảng 500km, đường núi hiểm trở, khí hậu lạnh giá khắc nghiệt. Hùng nhớ lại: “Các em lần đầu tiên thấy máy ảnh, máy in, thế là tò mò vây kín khu vực in ảnh để đón chờ từng chiếc ảnh trôi ra khỏi máy. Có em bỏ cả ngủ trưa để chờ ảnh của mình. Chuyến đi đầu tiên rất hồi hộp, nhiều lo lắng nhưng đã thành công”.
Trên đường đi chụp ảnh, để tiết kiệm chi phí, Hùng và các bạn tranh thủ ăn, ngủ nhờ nhà dân, nhà của các thầy giáo, cán bộ miền núi tốt bụng.
Cho tới thời điểm hiện tại nhóm của Hùng đã thực hiện được hơn 3.500 bức ảnh chân dung và hàng trăm ảnh tập thể tặng các em nhỏ miền núi. Dự án đã đi qua các bản làng của 11 xã vùng đặc biệt khó khăn của ba tỉnh Hà Giang (Mèo Vạc), Lai Châu (Sìn Hồ), Hòa Bình (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc). Hùng dự tính tới tháng 11-2014 dự án sẽ hoàn thành.
Để có được thành quả ấy, Hùng và các bạn đã vượt qua rất nhiều khó khăn về kinh phí, thời tiết, địa hình... “Thời tiết và địa hình là thử thách lớn cho việc di chuyển thiết bị máy móc. Nhiều hôm trời mưa to, đường trơn lầy lội, nhưng đã hẹn với thầy cô và các em từ hôm trước nên nhóm mình vẫn đi. Một nỗi lo khác là điện để in ảnh. Bản làng nào không có điện mình phải chụp rồi mang về nơi ở in, hôm sau gửi lại các em. Có lần khi đang thực hiện tại Sìn Hồ, Lai Châu, máy in và máy ép bị hỏng không sửa được, chúng mình phải gửi về Hà Nội nhờ in rồi gửi xe khách lên để kịp tặng ảnh cho các em” - Hùng kể.
Nói về quyết tâm thực hiện dự án này, Hùng chia sẻ: “Động lực thôi thúc mình theo đuổi dự án đó là cơ hội được rèn luyện, được tới những vùng đất khó khăn nhất, được nhìn thấy những ánh mắt hồn nhiên nhất và được là người chụp ảnh dạo cho hàng ngàn em nhỏ nghèo miền cao. Niềm vui lớn nhất của bọn mình khi thực hiện dự án này chính là nụ cười khi nhận được ảnh của các em, là cái cảnh bị bao vây bốn phía khi các em chờ in ảnh”.
Hùng cho biết sau dự án này nhóm có thể sẽ tổ chức chụp và in ảnh cho các em nhỏ tại nông thôn miền Trung và miền Nam vào năm sau.
Nói về dự án chụp 10.000 bức ảnh chân dung miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi của Hùng, thầy Nguyễn Quang Thắng - giáo viên Trường tiểu học Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang - cho biết: “Đây là dự án có tính nhân văn cao. Các em học sinh miền núi do điều kiện khó khăn nên hầu như không em nào có được một tấm ảnh chân dung. Lần đầu được đứng trước ống kính máy ảnh, được cầm trên tay tấm ảnh của mình, với các em là một niềm vui lớn”.
Mời bạn viết bài giới thiệu “Hạt giống tâm hồn Việt” Tuổi Trẻ mời bạn đọc viết bài hoặc quay clip giới thiệu những “hạt giống tâm hồn” quanh bạn - những người nhân ái, lạc quan, giúp đỡ mọi người bằng tinh thần trong sáng. Bài dự thi gửi về địa chỉ mail hatgiongtamhon@tuoitre.com.vn, hoặc gửi trực tiếp vào microsite cuộc thi http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn trước ngày 31-8-2014. Bài viết 1.000 chữ giới thiệu một nhân vật là người thật việc thật kèm file hình ảnh, thông tin nhân vật gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại để Tuổi Trẻ xác minh. Với mỗi bài viết được chọn đăng hằng tuần trên báo in Tuổi Trẻ, tác giả nhận 2 triệu đồng nhuận bút, bộ sản phẩm Bibica và 200 quyển sách Hạt giống tâm hồn của First News. Với cuộc thi clip, những clip được chọn đăng trên microsite cuộc thi là clip ghi lại khoảnh khắc đẹp, xúc động truyền cảm hứng sống của người thật, việc thật, độ dài 3-5 phút. Ở cả hai hạng mục bài viết và clip, những tác phẩm truyền cảm nhất sẽ được chọn trao giải chung cuộc gồm giải nhất, nhì, ba cho cả tác giả và nhân vật được giới thiệu. Bạn đọc tham khảo cơ cấu giải thưởng tại http://hatgiongtamhon.tuoitre.vn. Ngoài ra, những nhân vật có câu chuyện xúc động sẽ được chọn làm người thụ hưởng trong game show Vì bạn xứng đáng của VTV. Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ. H.THI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận