09/07/2012 12:34 GMT+7

Chàng sinh viên Cơ Tu vượt bản tìm chữ

THANH BA (Lớp 09BC, ĐHSP Đà Nẵng) 
THANH BA (Lớp 09BC, ĐHSP Đà Nẵng) 

AT - A Lăng Năm, dân tộc Cơ Tu (làng A Roi, xã Che Ri, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), sinh viên năm 1 Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

JvNJX4Qe.jpgPhóng to
A Lăng Năm

Để bước chân vào giảng đường đại học, cậu sinh viên nghèo đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách với ước mơ một ngày không xa sẽ mang con chữ về bản làng xa xôi của mình.

Thà đói cơm còn hơn thiếu chữ

A Lăng Năm sinh ra trong gia đình nghèo có đến bảy anh chị em. Cuộc sống ở chốn núi rừng heo hút vốn thiếu thốn đủ thứ, đối với chàng sinh viên năm 1 này dường như càng vất vả hơn khi nhà đông anh em, ba mẹ lại già yếu. “Thằng A Lăng Năm chịu khó lắm, thương con đứt ruột vì phải đi học đường xa cực quá, nhiều lần tui khuyên nó bỏ học nhưng nó không chịu. Nó bảo bây chừ đi học cực khổ, mai mốt sẽ nên người và có việc làm ổn định chớ không phải vất vả như đời ba mẹ” - bà A Lăng Thị Lý (65 tuổi), mẹ của A Lăng Năm, cho biết.

Không phải đến bây giờ, khi vượt chặng đường ngót trăm cây số từ miền núi Tây Giang (Quảng Nam) về thành phố Đà Nẵng theo học, A Lăng Năm mới thấy nhọc nhằn. Ngay từ những ngày vừa bước chân lên cấp II, mỗi ngày A Lăng Năm đã phải lội bộ vượt núi rừng gần chục cây số mới tới được trường học. Tan buổi học, Năm lại cặm cụi đi thật nhanh để về phụ giúp ba mẹ lên rẫy kiếm cái ăn. Nhà nghèo, tuổi thơ của Năm nhọc nhằn cày cuốc trên nương rẫy, săn bẫy chim muông giúp gia đình nhưng thành tích học tập lúc nào cũng loại khá trở lên.

Lên cấp III, chặng đường tới trường càng xa xôi, cách trở hơn, nhiều bạn bè cùng trang lứa vì thế lần lượt rơi rụng dần. A Lăng Năm vẫn miệt mài mỗi tuần hai lần cơm đùm gạo bới ra trung tâm huyện Tây Giang để học. “Hồi cấp III, mỗi lần đến trường phải mất hai ngày, tranh thủ mỗi dịp nghỉ lễ, tôi đi bộ về nhà bới gạo cơm ra trường. Từ khi ra trường huyện, được nghe thầy cô kể về tấm gương các anh chị vượt khó học hành thành đạt, trong tôi đã hình thành quyết tâm thà đói cơm còn hơn thiếu chữ. Có học hành thì mình mới mong có được tương lai tươi sáng” - A Lăng Năm bộc bạch.

Mơ một ngày đem chữ về bản

Từ bao đời nay, người dân tộc thiểu số trên miền núi Tây Giang đều có chung tâm lý: cái chữ không làm no cái bụng. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên thạo cây cung mũi tên để săn bắt con thú, con chim, biết trỉa cây lúa rẫy rồi đến tuổi trưởng thành thì dựng vợ gả chồng và làm một mái nhà sàn bên vách núi là quan trọng nhất. Cũng vì tâm lý đó nên cả bản A Roi từ mấy chục năm nay chưa có ai bước chân vào đại học. A Lăng Năm là cậu học trò đầu tiên của bản dám bước qua quan niệm cũ kỹ đó, thuyết phục ba mẹ thay đổi tư duy để cho cậu xuống thành phố thực hiện giấc mơ đại học.

Còn nhớ trước ngày thi đại học, Năm đã đắn đo rất nhiều trong khi chọn ngành học. Cuối cùng Năm chọn ngành tiếng Anh để theo học. “Nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, lúc đầu tôi định chọn nghề sư phạm tiểu học nhưng nghĩ mãi rồi quyết định đổi sang ngoại ngữ. Với tôi, việc theo học ngoại ngữ là cả một thử thách lớn vì đối với học sinh miền núi, lên cấp III mới được làm quen với môn học này trong khi đó ở thành phố các em lớp 3 đã được học rồi. Tôi nghĩ thế hệ tụi tôi thiệt thòi nhiều quá rồi nên chọn ngoại ngữ để sau này ra trường, tôi sẽ tình nguyện về lại bản làng dạy các em nhỏ” - A Lăng Năm cho biết.

Ở trường, để đuổi kịp các bạn, A Lăng Năm chăm chỉ đọc sách, cái gì chưa hiểu đều tìm đến bạn bè và thầy cô để hỏi. Ngoài ra, Năm tranh thủ nghe thêm radio các chương trình dạy đọc tiếng Anh để có thể phát âm chuẩn. “Lúc đầu tôi cũng thấy mình hụt hơi nhưng sau đó nhờ các bạn giúp đỡ nên làm quen dần. Bây giờ thì ổn hơn rất nhiều. Tôi cũng đã biết đi xe đạp và biết sử dụng điện thoại di động. Mấy cái này hồi ở bản làng không hề biết, đi đâu cũng quen đi bộ thôi” - A Lăng Năm cười hiền, nói.

Chặng đường phía trước của A Lăng Năm còn dài và còn vất vả hơn rất nhiều so với những gì bạn đã trải qua. Một ngày kia, khi ước mơ vượt núi tìm con chữ hoàn thành, thế hệ trẻ bản làng A Roi sẽ được Năm truyền lại kiến thức bằng cả nhiệt huyết của một chàng trai ham học hỏi và say mê trên con đường chinh phục kiến thức.

Gn9pAte8.jpgPhóng toÁo Trắngsố 12 ra ngày 1/07/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THANH BA (Lớp 09BC, ĐHSP Đà Nẵng) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên