12/05/2011 07:26 GMT+7

Chấn chỉnh lễ hội, được không?

THU HÀ
THU HÀ

TT - Không kể lể than vãn hoặc thanh minh về thực trạng, cố gắng tìm giải pháp thiết thực cấp bách và lâu dài, tổ chức quản lý lễ hội từ Bắc vào Nam - là tinh thần được Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị với các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

STtOwXkz.jpgPhóng to
Quảng Nam có 230 lễ hội nhưng không có lễ hội nào bị thương mại hóa. Trong ảnh: Lễ hội Bà Chúa Thu Bồn ở huyện Duy Xuyên - Ảnh: Hoàng Duy

Hội nghị do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại ba đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vào sáng 11-5.

8.976 lễ hội/năm đã nhiều chưa?

Con số thống kê chính thức mà Cục Văn hóa thông tin cơ sở đưa ra quả thật đáng kinh ngạc (hai năm trước, con số ước tính mà các chuyên gia đưa ra chỉ khoảng 7.000 lễ hội/năm). Công luận và một số chuyên gia kêu quá nhiều, lễ hội liên miên gây lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của xã hội, nhưng hầu hết đại diện địa phương tổ chức lễ hội và các cơ quan chuyên môn đều cho rằng không nhiều, nếu nhìn nhận đúng bản chất và quy mô của từng loại lễ hội.

Hàng loạt câu hỏi chờ... kết luận

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái giao trách nhiệm cho Viện Nghiên cứu văn hóa: Cần kết luận dựa trên những căn cứ khoa học về việc có cấm vàng mã hay không, nếu cho đốt thì ở mức độ nào. Xúc tiến làm sớm các kết luận khảo sát về việc bỏ hay không bỏ tục phát ấn đền Trần, và nhanh chóng có văn bản chính thức kết luận thế nào là tâm linh, thế nào là mê tín. Các nhà khoa học đã nghiên cứu quá lâu rồi mà chưa có hệ thống, chưa kết luận. Phải đầy đủ căn cứ khoa học thì cơ quan quản lý mới có thể phân loại, quy hoạch lễ hội và mới có căn cứ để đưa ra các quy định, chế tài.

Ông Nguyễn Đức Tuấn - nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, hiện là trưởng đại diện văn phòng Bộ VH-TT&DL tại miền Trung - nêu quan điểm: “Đất nước với lịch sử 4.000 năm thì chừng đó lễ hội đâu có nhiều. Nếu phân loại lễ hội cho chính xác thì có 7.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng, 350 lễ hội văn hóa, du lịch, còn lại là các lễ hội mới. Nếu thực hiện phân cấp, cái gì của làng xã giao cho làng xã, cái gì của nhân dân trả lại cho nhân dân, Nhà nước không ôm đồm, bao sân thì việc tổ chức và quản lý sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay. Vì trong 7.500 lễ hội tôn giáo tín ngưỡng đó, hầu hết là của làng xã”.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đồng quan điểm khi đưa ra nhận xét: “Lễ hội của đồng bào dân tộc vùng cao ít sự cố hơn lễ hội đồng bằng. Lễ hội đồng bằng Bắc bộ lùm xùm nhiều chuyện hơn miền Trung, miền Nam”.

Mối lo ngại của các nhà quản lý và chuyên gia không chỉ về những lễ hội truyền thống, làng xã mà đậm đặc hơn là ở các di tích mới, các lễ hội tái tạo, phục dựng. Bà Lê Thị Minh Lý - cục phó Cục Di sản - cảnh báo: “Tình trạng mượn cớ nhu cầu hành hương, nhu cầu du lịch của cộng đồng để xây dựng các công trình tín ngưỡng mới đã đẻ ra các “di tích” mới. Hành vi thực hành tín ngưỡng trong các di tích mới này cũng đương nhiên bị sai lệch theo vì bị trao truyền sai. Một hiện tượng phổ biến nữa là do muốn thu hút đông khách du lịch hơn nên cố tình làm nó “thiêng” hơn, hoành tráng hơn nên càng sai lệch bản chất”.

Các đại diện sở VH-TT&DL và chính quyền các địa phương có nhiều lễ hội đều cho rằng chính sự thiếu hiểu biết về bản chất lễ hội và tổ chức kém đã dẫn đến các tệ nạn trong lễ hội chứ không phải vì số lượng lễ hội quá nhiều.

Hiểu biết hơn và kiên quyết hơn

Một trong những giải pháp được kiến nghị và nhận được nhiều sự đồng tình của các bên liên quan nhất là “tăng cường giáo dục nhận thức về lễ hội” của TS Lương Hồng Quang - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa.

Ông Quang cho biết: “Khảo sát từ 800 phiếu phát ra đến nhân dân của địa phương sở tại có tục khai ấn đền Trần, qua nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân cũng như các quan chức sở tại, và qua hơn 1.000 bài báo viết về khai và phát ấn đền Trần trong hai năm, có thể nhận ra một thực tế là nhu cầu tâm linh của xã hội rất cao và hiểu biết... rất kém”.

Từ đó, theo ông, “cần có một chiến lược lâu dài giáo dục hiểu biết về văn hóa, lễ hội, tâm linh không chỉ cho người dân tham gia hành lễ mà cả cho cấp quản lý và giới truyền thông vì đã có một thời gian dài chúng ta cấm đoán các lễ hội này nên các khuôn mẫu văn hóa không được trao truyền và giờ đây bị hẫng hụt”.

Các đại diện của ngành văn hóa Quảng Nam và Đà Nẵng dẫn ra các biện pháp thành công của công tác quản lý lễ hội tại hai địa phương này để chứng minh cho quan điểm cần kiên quyết trong quản lý lễ hội: “Quảng Nam có 230 lễ hội nhưng không có lễ hội nào bị thương mại hóa, mê tín dị đoan, không có ăn xin, cướp giật. Nhà nước cũng không hề phải chi nhiều cho các hoạt động này, hầu hết là địa phương thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Các lễ hội như Quán Thế Âm, lễ hội Bà Thu Bồn, Long Chu... được các xã làm rất tốt, thuần túy tâm linh và tình cảm. Chính quyền chỉ hỗ trợ bằng các chính sách cởi mở và tạo điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh, giao thông. Có biểu hiện nào vi phạm là phạt ngay, phạt rất nặng”.

Ông Nguyễn Đức Tuấn thậm chí còn đưa ra biện pháp gắt gao hơn: “Đề nghị Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng cho cấm hẳn tổ chức phát ấn. Rằm tháng giêng năm sau mà còn phát ấn, đề nghị Thủ tướng cách chức luôn chủ tịch tỉnh. Vậy là nghiêm ngay. Lễ khai ấn trở về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó ngay. Pháo còn cấm được, sao mấy cái trò mê tín dị đoan rành rành ra như vậy, ai cũng lên án mà không dẹp được, vô lý. Vấn đề là chúng ta có kiên quyết làm hay không thôi”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên