23/07/2018 10:44 GMT+7

Chậm tiến độ, đội vốn 'khủng' vẫn được giải thưởng!

TRẦN MAI - LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
TRẦN MAI - LÊ DÂN - CHÍ QUỐC

TTO - Hầu hết các địa phương có công trình đội vốn đều nêu ra những nguyên nhân gần giống nhau như: do điều chỉnh quy mô dự án, do chậm triển khai, tăng bồi hoàn giải tỏa, tăng các loại chi phí, trượt giá hoặc do nhà thầu phá sản...

Chậm tiến độ, đội vốn khủng vẫn được giải thưởng! - Ảnh 1.

Hồ chứa nước Nước Trong vì chậm triển khai dẫn đến đội vốn “khủng” - Ảnh: TRẦN MAI

Đáng chú ý, có dự án chậm tiến độ 7 năm khiến công trình đội vốn "khủng" nhưng vẫn được tặng... giải thưởng.

11 năm chưa làm xong

Với mục tiêu ổn định nước tưới nông nghiệp, nguồn nước phục vụ cho Khu kinh tế Dung Quất, công trình hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.642 tỉ đồng, bao gồm cả việc đền bù tái định cư và xây dựng đập.

Dự án hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) được chia làm hai dự án riêng biệt: dự án xây dựng đập do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 6 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư và dự án di dân hợp phần tái định cư do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 1.642 tỉ, đã tăng lên hơn 2.512 tỉ đồng.

Năm 2007, công trình được khởi công và dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2011. Ì ạch một thời gian dài không xong, sau đó chủ đầu tư nêu ra nhiều khó khăn, trong đó có chuyện tổng vốn đầu tư phê duyệt ban đầu không đủ hoàn thành dự án.

Tháng 9-2014, Bộ NN&PTNT phải điều chỉnh tăng lên hơn 2.512 tỉ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, hồ chứa nước Nước Trong đã cơ bản hoàn thành. Ngày 19-4-2018, Bộ NN&PTNT ra quyết định phê duyệt nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, do nguồn vốn cấp về còn thiếu hơn 160 tỉ đồng nên nhiều hạng mục vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. 

Ngoài một số hạng mục phụ thì có ba hạng mục chính cần có nguồn vốn lớn để hoàn thành là đường ống cấp nước cho dân, đường bến thuyền đang làm dang dở và hệ thống quan trắc giai đoạn 2.

Như vậy, từ lúc khởi công đã 11 năm trôi qua, dự án hồ Nước Trong vẫn chưa hoàn thành toàn bộ công trình.

Do công trình chưa hoàn thiện đồng bộ nên đã xảy ra không ít hệ lụy. Dù mục tiêu ban đầu là để phục vụ tưới tiêu, trồng trọt, ổn định nguồn nước trong khu vực dự án nhưng có lúc ruộng của dân không có nước tưới. 

Chính quyền địa phương cho biết đường mương dẫn nước đến các ruộng đồng cho dân sản xuất đều hư hỏng.

Điều đáng nói là dù công trình đội vốn, tiến độ chậm đến 7 năm so với phương án ban đầu nhưng Bộ Xây dựng lại ra quyết định công nhận công trình, gói thầu xây dựng dự án Nước Trong đoạt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng đợt 3 năm 2017. Điều kỳ lạ là quyết định trao giải thưởng này lại có trước khi dự án hồ chứa nước Nước 

Trong được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cụ thể, công trình này được Bộ NN&PTNT phê duyệt nghiệm thu ngày 19-4-2018 thì trước đó ngày 30-3-2018, Bộ Xây dựng đã có quyết định trao thưởng.

Chậm tiến độ, đội vốn khủng vẫn được giải thưởng! - Ảnh 3.

Dự án kè sông Cần Thơ bờ Ninh Kiều (thuộc Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bên phải), chưa rõ thời gian khởi công dự án, trong khi đã tăng vốn gấp đôi - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đủ kiểu đội vốn

Dự án 3.200 tỉ đội lên 9.000 tỉ đồng

Dự án "Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu" khởi công cuối tháng 12-2009. Vốn dự kiến ban đầu khoảng 3.200 tỉ đồng. Theo Cục Hàng hải VN (chủ đầu tư), do khó khăn về nguồn vốn, dự án đã phải ngừng thi công một thời gian. Từ năm 2010-2013, dự án đã trải qua 9 lần rà soát để đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật và môi trường. Đến giữa tháng 3-2014, dự án mới chính thức khởi động lại khi khởi công gói thầu 10A (xây dựng khoảng 2,4km đê chắn sóng phía nam). Tiếp theo đó, gói thầu 6A (thi công nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ Km 0-650 đến Km 3+628) cũng được khởi công. Đến lúc này thì dự án đã tăng tổng mức đầu tư lên trên 9.000 tỉ đồng (hai giai đoạn).

Dự án được đưa vào khai thác từ năm 2016 và đang chuẩn bị thi công giai đoạn 2. Tuy nhiên, với những vấn đề phát sinh như bồi lắng luồng, sạt lở hai bên luồng thì dự án chắc chắn tiếp tục bị đội vốn.

MẬU TRƯỜNG

Một trường hợp đội vốn gấp đôi tại TP Cần Thơ là dự án kè sông Cần Thơ. Dự án này được phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư trên 711 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài 10.271m (gồm 10 gói thầu xây lắp và 2 gói thầu sau kè), phạm vi ảnh hưởng toàn dự án là hơn 1.000 hộ dân. 

Trong đó tuyến kè phía bờ trái (Q.Cái Răng) dài 4.781m, tổng mức đầu tư hơn 355 tỉ đồng, đã thực hiện cơ bản xong. Trong khi phía bờ Q.Ninh Kiều (dài gần 5.500m) đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Năm 2014, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 1.554 tỉ đồng.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Cần Thơ, dự án đội vốn do tăng quy mô giải phóng mặt bằng và chính sách hỗ trợ, tái định cư cũng thay đổi do một thời gian dài không thực hiện dự án. 

Cụ thể, quy mô ban đầu làm kè chỉ giải phóng mặt bằng 15m tính từ tường kè lên bờ, nhưng sau đó đã được điều chỉnh tăng quy mô cho đồng bộ với bến Ninh Kiều hiện hữu (kè này sẽ kéo dài từ bến Ninh Kiều tới cầu Cái Răng), theo đó có đoạn sẽ phải giải tỏa 30-40m. 

Vì vậy, tổng vốn đầu tư ban đầu để làm toàn bộ dự án là 711 tỉ đồng hiện tại chủ yếu dành cho công tác giải phóng mặt bằng, do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Cần Thơ thực hiện (đã xong 90%).

Còn phần xây dựng các hạng mục đã chuyển sang cho Ban quản lý dự án ODA (sử dụng nguồn vốn vay ODA). Số vốn thực hiện phần này là phần tăng vốn từ 711 tỉ đồng lên 1.554 tỉ đồng (tăng hơn 800 tỉ). 

Ông Huỳnh Thanh Sử - giám đốc Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ - cho biết đơn vị đang trong giai đoạn thiết kế lại dự án này, kêu gọi đấu thầu và chưa thể nói được ngày sẽ khởi công dự án. 

Khi được hỏi nếu dự án tiếp tục kéo dài, liệu phần xây lắp của dự án có đội vốn nữa hay không, ông Sử nói chưa thể đưa ra nhận định được vì trước đây và bây giờ là hai giai đoạn khác nhau.

Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng tăng vốn do đâu?

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM ngày 22-7, vốn đầu tư của công trình Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (khoảng 1.954 tỉ đồng) tăng nhiều so với mức ban đầu (988 tỉ đồng) là do yêu cầu của các sở ngành thay đổi theo định mức cao hơn.

Theo sở này, nhiệm vụ thiết kế ban đầu của công trình chỉ có một tầng hầm rộng khoảng 10.000m2. Trong quá trình đưa đề án thiết kế đoạt giải của đơn vị dự thi ra lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan thì quy mô của dự án có thay đổi so với ban đầu.

Sở Giao thông vận tải lo ngại khi trung tâm tổ chức các giải đấu lớn có thể gây ra kẹt xe cho những đường xung quanh, nên phát sinh thêm một tầng hầm lửng (nửa nổi nửa chìm) làm sảnh đón và là nơi điều tiết xe ra khi lượng người lớn từ công trình ra ngoài.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng đặt vấn đề xây dựng tầng hầm của công trình thành nơi đỗ xe công cộng cho khu vực trung tâm. Vì vậy, công trình được thiết kế tăng thêm một tầng hầm và diện tích các tầng hầm được mở rộng hết diện tích của khu đất (khoảng 14.000m2).

Sở Văn hóa và thể thao cũng đặt yêu cầu công trình phải đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu tất cả các môn thể thao trong nhà, tất cả các môn có thể tập luyện cùng lúc. Sàn đấu, thiết bị, hệ thống ánh sáng, âm thanh... nằm trong hạng mục theo quy định của các liên đoàn thế giới...

Trung tâm còn có những thiết kế hiện đại với khán đài 4.000 chỗ ngồi cố định, 500 chỗ ngồi di động, có lối đi riêng dành cho các vận động viên, khách VIP, phòng báo chí, phòng họp báo.

Bên cạnh đó, thiết kế của sân vận động trung tâm có thể dành cho những sự kiện ngoài thể thao như tổ chức cuộc thi hoa hậu hoặc các cuộc triển lãm lớn. Vì vậy, phần nổi của công trình chỉ có 3 tầng nhưng có chiều cao tương đương 7 tầng của công trình xây dựng thông thường. Kinh phí cho trang thiết bị cũng không nhỏ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng khẳng định dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng tăng vốn do nhiều yếu tố. Thứ nhất là do trượt giá.

Khi lập khái toán, công trình chỉ có một tầng hầm, thiết kế hiện giờ có ba tầng hầm. Bà Thu cho biết giá trị khái toán tính theo suất đầu tư, giờ tính theo chuẩn thi đấu quốc tế như sân bãi, ánh sáng, đường chạy, âm thanh...

Trước đây, UBND TP tính chỉ xây dựng nhà thi đấu cấp TP, sau một thời gian thì TP mới yêu cầu làm để phục vụ SEA Games. Sau đó, TP đặt điều kiện với nhà đầu tư cao hơn nữa để phục vụ các sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế.

"Tổng mức đầu tư hiện nay đã bao gồm luôn chi phí lãi vay với các chi phí khác theo đúng quy định và nhiều vấn đề. UBND TP đang phấn đấu làm công trình này cho tốt, hiện đại hơn những công trình trước đây.

Vậy nên đáng ra công trình này khởi công từ cuối năm 2017 nhưng UBND TP đàm phán hợp đồng rất kỹ với nhà đầu tư, nên đến giờ này chưa khởi công được" - bà Thu nhấn mạnh. (D.N.HÀ)

​Đường Nước Trong vào mùa thu hoạch mía ​Đường Nước Trong vào mùa thu hoạch mía

TTO - Là một trong những nông trường có diện tích mía hơn 3000ha, nông trường mía Nước Trong của Tập đoàn TTC nằm ở Tây Ninh không những lớn về diện tích mà còn đi đầu về cơ giới hóa, hướng tới việc tăng năng suất, chất lượng, cạnh tranh được với đường ngoại nhập.

TRẦN MAI - LÊ DÂN - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên