16/03/2018 15:12 GMT+7

'Chăm sóc cột mốc, việc thiêng liêng lắm'

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Thầm lặng trên miền biên ải ấy là những giọt mồ hôi của người dân lẫn người lính biên phòng đang gìn giữ biên cương, để những mùa xuân biên giới mãi tươi xanh.

Chăm sóc cột mốc,  việc thiêng liêng lắm - Ảnh 1.

Người dân sống ở khu vực biên giới luôn tự hào vì đã chăm sóc cột mốc biên cương - Ảnh: M.PHƯỢNG

'Chăm sóc cột mốc, việc thiêng liêng lắm' - những người dân đến từ nhiều vùng đất khác nhau, đã quan niệm như vậy. Họ cùng ý thức được chủ quyền biên giới nên đã ngày đêm cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cũng nhờ một phần đóng góp của những “cột mốc sống” này mà nhiều năm qua các cột mốc được giữ nguyên hiện trạng, đường biên không có gì thay đổi."

Thượng tá Nguyễn Duy Thành

Đi thăm cộc mốc...

7h sáng, trời biên giới se lạnh, những lùm cỏ trên lối mòn nối từ đường tuần tra biên giới vào cột mốc 74 (do đồn biên phòng Chiu Riu, tỉnh Bình Phước quản lý) đẫm nước sau trận mưa đêm.

Lúc này, anh Tạ Quang Tuấn (41 tuổi, quê Cà Mau) bận chiếc áo cũ, vai vác rựa, tay cầm chổi đã có mặt ở cột mốc. Trên đường đi làm, anh Tuấn tranh thủ ghé qua thăm chừng, rồi cặm cụi nhổ sạch cỏ trước khi quét dọn sạch sẽ quanh cột mốc. Xong xuôi, thấy không có gì bất thường, anh mới yên tâm rời đi.

Từ cột mốc 74 vào sâu các cột mốc phụ và cọc dấu khác đường đi càng lúc càng khó. Không thể đi theo đường thẳng, mà phải luồn qua vô số đường vòng tránh sông, suối... Do đó, chiếc rựa luôn là người bạn đồng hành với anh Tuấn. Đi đến đâu, anh lại phát quang những lùm cỏ, tre gai, cây rừng... để tạo lối đi, giúp cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Chiu Riu dễ dàng đi tuần tra, bảo vệ biên giới.

Với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió nhưng chất giọng miền Tây rất đôn hậu, anh Tuấn bộc bạch: "Tui quê tuốt dưới Cà Mau nhưng lên đây làm mướn. Hằng ngày, tui thường đi ngang qua cộc mốc 74 này..., vậy nên nếu thấy gì bất thường là báo cho anh em dưới đồn để họ xử lý".

Có lẽ với anh Tuấn, việc thăm nom cột mốc đã là thói quen nên vài ba ngày không đi là cảm thấy bồn chồn. Vậy nên đều đặn năm năm nay, mỗi tuần anh Tuấn lại lội đi kiểm tra cột mốc vài ba lần.

"Hồi đầu thấy tui đi hoài, bà xã gặng hỏi nhưng khi nghe tui nói "đi thăm cộc mốc trên biên giới", từ đó bà không hỏi nữa. Tui cũng hay kể cho các con nghe việc mình làm để mấy đứa nhỏ hiểu đó là công việc thiêng liêng lắm".

Cùng là người dân đất Mũi, nhưng chị Phan Thị Hồng (42 tuổi) lại gắn bó với vùng phên giậu này đã tám năm nay. Chị nói hằng ngày gặp và nghe những người lính biên phòng nói về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nên chị tự ý thức về trách nhiệm trong việc bảo vệ cột mốc, đường biên.

"Hằng ngày tui đều để mắt tới các cột mốc, cọc dấu. Nếu có cỏ thì nhổ đi rồi lau cột mốc sạch sẽ" - chị Hồng chia sẻ. Ngày này qua tháng khác, bước chân của những người dân đất Mũi như chị Hồng, anh Tuấn trên mảnh đất vùng biên này đã trở nên rất đỗi thân quen.

Chăm sóc cột mốc,  việc thiêng liêng lắm - Ảnh 3.

Đội phân giới cắm mốc tỉnh Bình Phước cùng Đội phân giới cắm mốc Campuchia kiểm tra các mốc biên giới tỉnh Bình Phước vào tháng 11-2017 - Ảnh: M.P.

Giữ cho biên cương yên bình

Không "đao to búa lớn", cứ bình dị và thầm lặng như thế, những người dân mộc mạc ấy đang cùng người lính biên phòng bảo vệ miền biên ải. "Biên cương yên ổn thì người dân chúng tôi mới yên bình, yên tâm làm ăn. Chúng tôi vui vì thấy mình góp một phần cho sự bình yên đó" - chị Hồng nói với giọng đầy hãnh diện.

Có lẽ không chỉ chị Hồng thuộc lòng câu hát: "Biên cương xanh của chúng tôi, là tiếng hát tình yêu đất nước. Biên cương xanh của chúng tôi, là tiếng hát niềm tin hòa bình...", mà tất cả những ai sống dọc tuyến đường biên qua Lộc Ninh đều nằm lòng câu hát ấy.

Nói về những người dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên địa bàn do đồn biên phòng Chiu Riu quản lý, thượng tá Nguyễn Duy Thành - chính trị viên của đồn - cho biết: "Hiện nay, hầu hết người dân sinh sống ở các ấp giáp biên giới và những người thường xuyên ra vào làm việc nơi đây đều cam kết tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia."

Theo thượng tá Thành, đồn biên phòng Chiu Riu hiện đang quản lý hơn 21km đường biên giới với 23 cột mốc chính, phụ lẫn cọc dấu riêng.

"Biên giới giữa Việt Nam - Campuchia trên tuyến Lộc Ninh có đoạn trên đất liền, có đoạn trên sông, suối. Vào mùa mưa nước dâng cao, đường vào các cột mốc rất vất vả nhưng người dân vẫn thường xuyên vào thăm mốc. Và họ chính là những "cột mốc sống" vô cùng quan trọng với anh em biên phòng" - thượng tá Thành nói.

Suốt 7 năm chăm sóc cột mốc

Ông Nguyễn Hồng Thông (65 tuổi, quê Bình Dương) hiện sống ở thị trấn Lộc Ninh, là người làm thuê nên thường xuyên ra vào khu vực biên giới. Khi cột mốc 75 khánh thành năm 2010, ông đã tự nguyện nhận trông nom, bảo vệ cột mốc này.

Những lúc đi làm thuê ở đây, ông đều tạt qua thăm cột mốc. Nhưng có những tuần không nhận được việc làm thuê ở đây, ông Thông vẫn cọc cạch trên chiếc xe máy cũ mèm từ thị trấn Lộc Ninh lên quét dọn, lau chùi cột mốc.

Dù một chân bị tật nhưng ông chưa bao giờ thấy mình mỏi mệt với công việc đã chọn. Ông Thông tâm sự: "Tui tham gia bảo vệ cột mốc này cũng tròm trèm bảy năm rồi! Có lẽ sống độc thân nên tui cảm thấy công việc ấy là vui".

Không riêng cột mốc 75, mỗi lần vào thăm mốc ông lại lội bộ kiểm tra các cột mốc, cọc dấu dọc tuyến biên giới này. "Mốc nhiều lắm. Có khi đi mất cả ngày vì đường đi khó, nhất là mùa mưa, cỏ dại cao lút đầu lại gặp sông suối chảy xiết nên phải đi đường vòng vất vả dữ lắm" - ông Thông kể.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên