Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng, khoa tiết niệu bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết như vậy.
Phóng to |
Một bé trai tìm hiểu về thông tin hướng dẫn chăm sóc trẻ đái dầm tại buổi nói chuyện bệnh lý đái dầm do BV Đại học Y dược TP.HCM tổ chức sáng 8-6 - Ảnh: D.N. |
Đến 3 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn khô ráo, đa số sẽ hết đái dầm trong giai đoạn này. Từ 3-5 tuổi, hành vi đái dầm có thể tạm chấp nhận bởi ở tuổi này trẻ có thể chưa phát triển hoàn thiện về thần kinh, phản xạ chưa đủ thiết lập. Nhưng khi trẻ trên 5 tuổi mà vẫn đái dầm thì hãy đưa trẻ đến bác sĩ.
Phương pháp điều trị cho trẻ mắc chứng này phụ thuộc vào những nguyên nhân khác nhau.
Theo yếu tố di truyền, nếu cả bố và mẹ đều mắc chứng đái dầm lúc nhỏ thì 77% con sinh ra sẽ bị chứng này, nếu bố hoặc mẹ bị thì tỉ lệ 44%, 15% với những trường hợp bố và mẹ không mắc chứng này lúc nhỏ. Hoặc trẻ đái dầm do rối loạn giấc ngủ, trẻ ngủ mơ thấy mình đã đi tiểu ở ngoài mà không ý thức được là đái dầm trên giường. Chậm phát triển hệ thần kinh trung ương, khiến não không được thông báo khi bàng quang đầy, khiến quá trình tiểu tiện diễn ra tự động; rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu đường, nghẹt đường tiểu; dị dạng bàng quang, bàng quang không trưởng thành (dung tích quá nhỏ, không kiểm soát được hoạt động của ống dẫn tiểu hay của chính bàng quang)… cũng là những nguyên nhân gây cho trẻ mắc chứng này. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không kiểm soát việc tiểu tiện của mình.
Một ông bố có con trai 8 tuổi chia sẻ mỗi lần đi du lịch xa, lâu ngày thì con trai không đái dầm ngày nào, nhưng cứ về đến nhà là con lại đái dầm mỗi đêm. Một bà mẹ khác cũng cho biết ban ngày đi học bị bạn ức hiếp hay bị cô giáo la mắng thì tối về cháu sẽ đái dầm.
Bác sĩ Trí Dũng chia sẻ thêm về những thắc mắc trên, chứng đái dầm ở trẻ em tuổi học đường (trên 5 tuổi) chủ yếu do yếu tố tâm lý. Học tập căng thẳng, áp lực từ bố mẹ... có thể khiến trẻ lo lắng, rối loạn tâm lý và đái dầm. Đôi khi do thay đổi môi trường học (từ mẫu giáo lên lớp 1), trẻ chưa thích nghi ngay được dẫn đến lo lắng, sợ sệt, bị bạn bè bắt nạt... dẫn đến tình trạng trên. Trẻ đến tuổi đi học vẫn đái dầm cũng có thể do không được săn sóc, bị chú ý quá mức, bị căng thẳng, buồn rầu, không thích chơi với những trẻ khác hay xảy ra ở những gia đình có điều kiện kinh tế thấp. Chính điều này lại tác động trở lại tâm lý trẻ, khiến trẻ căng thẳng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó khắc phục. Vì vậy, cách tốt nhất khi trẻ có bệnh này là đưa đến bác sĩ.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có con đái dầm không nên mắng, chế giễu, hạ thấp trẻ vì chứng này. Bản thân bé vốn đã rất xấu hổ, mặc cảm. Nếu bị đánh mắng, trẻ vừa phải lo lắng về chuyện đái dầm, vừa sợ bố mẹ nên càng mất tự tin, căng thẳng, càng khó điều trị. Thay vì lên án hành vi đái dầm, gia đình nên động viên trẻ, khuyến khích giúp trẻ tự tin tập luyện theo liệu pháp mà bác sĩ hướng dẫn.
Bác sĩ Dũng nhấn mạnh hầu hết trẻ đái dầm được chữa trị hết hoàn toàn. Việc cho trẻ được điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn, không gây tâm lý mặc cảm cho trẻ khi lớn lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận