20/08/2021 10:57 GMT+7

Chăm người về, lo cho người ở lại

HIẾU GIANG - NHẬT LINH
HIẾU GIANG - NHẬT LINH

TTO - Về đến quê có việc làm ngay, việc đang chờ người hồi hương. Nhiều tỉnh thành đang chăm lo việc làm cho người về, nhiều doanh nghiệp cùng những tấm lòng thơm thảo từ quê gửi tiền và quà hỗ trợ cho người đang ở lại vùng dịch.

Chăm người về, lo cho người ở lại - Ảnh 1.

Bà con xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế tất bật lo thực phẩm gửi vào tiếp sức cho đồng hương tại TP.HCM và Bình Dương - Ảnh: N.L

Gửi tấm lòng quê vào thành phố

Hướng về đồng bào đang vất vả ở vùng dịch, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, nguồn lực huy động từ cộng đồng cũng góp tay chia sẻ với bà con đang gặp khó ở TP.HCM.

Ông Phạm Xuân Dũng (ngụ huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã đứng ra vận động, thực hiện một đợt cứu trợ khẩn cấp bằng tiền mặt gửi đến đồng bào tại TP.HCM. Với số tiền huy động được 53 triệu đồng, ông Dũng đã kết nối với người đang sống ở TP để trao đến những khu trọ, ưu tiên người bán vé số, thợ hồ, người tàn tật đang thất nghiệp... với số tiền 500.000 đồng/suất, tương đương tiền ăn 10 ngày. Với những người mù bán vé số, đang sống nương tựa vào người khác thì mức hỗ trợ cao hơn, 1 triệu đồng/suất để họ có đủ tiền ăn trong 20 ngày. Một phần số tiền này cũng được trao đến sinh viên Quảng Trị đang mắc kẹt ở TP, giúp sinh viên có thêm chi phí tiền ăn, tiền trọ.

Cũng với cách tương trợ con em xa quê, người dân thôn An Thái (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) thời gian qua đã vận động đóng góp hai khoản tiền. Một khoản để chuyển cho huyện gửi người dân huyện đang ở các tỉnh phía Nam, một khoản "góp gió thành bão" để thôn tự trao đến con em của địa phương này đang khó khăn vì COVID-19 ở các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào. Danh sách nhanh chóng được lập, số tiền hỗ trợ tuy còn khiêm tốn song được chuyển đi nhanh nhất bằng cách trao tận tay các gia đình trong thôn, nhờ gia đình gửi vào tài khoản công nhân, sinh viên, người thất nghiệp đang ở phía Nam rất kịp thời. Trước đó, các loại nông sản, lương thực thực phẩm từ thôn này cũng được gửi vào Nam.

Một miếng khi đói...

Mấy ngày nay, bà con ở vùng miệt biển thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế vẫn tất bật kho cá nục biển gửi vào tiếp sức cho đồng hương của mình tại TP.HCM và Bình Dương.

Bà Lê Thị Mão (trú xã Phú Thuận) cho biết bà con trong xã ai rảnh rang đều đến khu bếp tại chợ Hòa Duân để nấu cá gửi vào Nam. Cá được kho xong sẽ được đóng gói vào hộp kỹ càng, sạch sẽ. "Dân quê tụi tui cũng không giàu có gì. Mong sao món quê nhà giúp bà con có cái ăn trước mắt, vượt qua được khó khăn này", bà Mão nói.

Ông Nguyễn Dân, phó bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận, cho biết xã thường xuyên gom cá kho, nông sản gửi vào cho đồng hương ở TP.HCM và Bình Dương. "Chúng tôi thuê xe chở hàng vào trong đó. Hàng đến nơi sẽ có người tự chia nhỏ rồi gửi đến những gia đình đồng hương xã Phú Thuận khó khăn giữa tâm dịch", ông Dân nói.

Từ đầu tháng 7 đến nay, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM và những người yêu Huế... đã hỗ trợ hơn 6.000 suất quà cho bà con. Nhiều doanh nghiệp gốc Huế đã trao gần 160 triệu đồng cho hơn 300 bà con khó khăn bằng hình thức chuyển khoản. Mỗi phần quà từ 500.000 - 1 triệu đồng. Các hội đồng hương huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc... đã trao hơn 2.000 phần quà cho bà con khó khăn, đặc biệt là lao động tự do, công nhân.

Huế: hơn 7.200 cơ hội việc làm chờ người từ vùng dịch

nl - scavi hue 2(read-only)

Công nhân làm việc tại Công ty Scavi Huế. Hiện công ty đang tuyển người về từ vùng dịch - Ảnh: Scavi Huế

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 7.200 cơ hội việc làm đang đợi người trở về từ vùng có dịch, đặc biệt là người có tay nghề.

Nhiều công ty trên địa bàn tỉnh như Scavi Huế, Vinatex, Jointwell Việt Nam... đã ra thư ngỏ mời những người trở về từ vùng dịch tham gia tuyển dụng sau khi hoàn thành cách ly y tế.

Ông Trần Văn Mỹ, tổng giám đốc Công ty Scavi Huế - một công ty chuyên về may mặc, cho biết: ứng viên sẽ được hỗ trợ miễn phí xét nghiệm PCR, công nhân may có kinh nghiệm và ký hợp đồng chính thức ngay với Scavi Huế sẽ được hỗ trợ nóng 5 triệu đồng. Ngoài ra, công ty cũng áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký ngay hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề. Hiện có khoảng 80 công nhân đã được công ty ký hợp đồng chính thức, sẽ đi làm vào cuối tháng 8 khi hoàn thành cách ly tại nhà. Theo ông Mỹ, từ nay đến cuối năm, công ty dự kiến còn 1.000 chỗ làm chờ bà con về từ vùng dịch. "Chúng tôi sẽ cố gắng vừa đảm bảo việc làm ổn định cho bà con, vừa đảm bảo an toàn tối đa ở công xưởng, tránh lây lan dịch bệnh", ông Mỹ nói.

Ông Đặng Hữu Phúc, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao sở xây dựng kế hoạch tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con từ các địa phương có dịch trở về quê đợt này. Sở đang tiến hành rà soát trong số hơn 18.000 người trở về Huế đợt này và sẽ giới thiệu công việc phù hợp tại các công ty, khu công nghiệp trên địa bàn, đồng thời có kế hoạch về việc dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cấp tốc cho những người chưa có tay nghề.

"Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức để sớm ổn định đời sống bà con trong giai đoạn khó khăn này. Việc quan tâm đến đời sống, việc làm của bà con trở về từ vùng có dịch cũng là một mục tiêu quan trọng được tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên giải quyết hàng đầu", ông Phúc nói.

NHẬT LINH

Quảng Trị: Về đến quê có việc ngay

Tại Quảng Trị, Công ty cổ phần Phát triển may mặc miền Trung (huyện Vĩnh Linh) đã sớm có thông báo tuyển dụng người hồi hương vào làm việc. Chị Trần Thị Thảo, 30 tuổi, quê thôn An Hướng, xã Gio An (huyện Gio Linh, Quảng Trị), là một trong những người đầu tiên nộp hồ sơ tại công ty này.

Thạo nghề may, cuối tháng 7 chị Thảo quyết định về quê sau nhiều tháng mất việc do dịch tại TP.HCM. "Khi ở trong khu cách ly, tôi được tin công ty đăng thông báo tuyển người, còn hỗ trợ 500.000 đồng nữa. Trong tình cảnh dịch bệnh này, đây là sự lựa chọn phù hợp cho tôi kiếm thu nhập giúp gia đình", chị Thảo chia sẻ.

Ông Võ Văn Hưng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết phương án mở rộng thêm các cơ sở, xí nghiệp, nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp của tỉnh đã được đưa ra để vừa phát triển được kinh tế, vừa tạo được công ăn việc làm cho số lao động hồi hương.

QUỐC NAM

Quảng Nam: giải quyết việc làm cho người về

Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay tỉnh đã đón khoảng 5.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về. Tỉnh đang tính cách giải quyết việc làm cho họ theo trình độ, nghề nghiệp, tạo điều kiện, giải quyết công ăn việc làm trước mắt và lâu dài.

Theo ông Phạm Quốc Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, hiệp hội đã vận động nhiều doanh nghiệp hỗ trợ 2.500 phần quà và nhu yếu phẩm cho người dân trở về từ TP.HCM. Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) là doanh nghiệp đầu tiên thông báo ưu tiên tuyển dụng người dân Quảng Nam hồi hương từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Khu công nghiệp Thaco Chu Lai cũng cho hay người lao động sẽ có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn, thu nhập ổn định (từ 6-20 triệu đồng/tháng) tùy vào sức khỏe, kinh nghiệm và hiệu quả làm việc.

LÊ TRUNG

Hải Phòng: Hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ khó khăn vùng dịch

UBND TP Hải Phòng đã quyết định trích nguồn kinh phí ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 (không tính nguồn vận động mua vắc xin) để hỗ trợ cho 1.158 hộ gia đình khó khăn đang sinh sống tại TP.HCM, mỗi hộ 2 triệu đồng.

Tổng số tiền hỗ trợ đợt 1 là hơn 2,3 tỉ đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hải Phòng sẽ phối hợp với Hội đồng hương Hải Phòng tại TP.HCM chuyển tiền nhanh nhất theo danh sách đang lập. Chủ trương này cũng hướng đến đồng bào đang ở những tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 thông qua ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại TP.HCM.

Ông Trần Thế Giới, trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Hải Phòng tại TP.HCM, cho biết ban đang tập trung rà soát kỹ lưỡng, lập danh sách từng trường hợp đang gặp khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm cách liên hệ những người Hải Phòng gặp khó khăn, thiếu thốn về nhu yếu phẩm. Hiện vẫn còn không ít bà con ở lại vùng dịch đang không có thu nhập, gặp khó từng ngày" - ông Giới chia sẻ.

TIẾN THẮNG

'Quy trình về quê'

TTO - Dù hết sức mong muốn, nỗ lực, quyết tâm nhưng lúc này phải nhìn thực tế là TP.HCM tuy đã căng mình vẫn không thể chăm lo chu đáo, đủ đầy cho người lao động, sinh viên nghèo đến từ các tỉnh.

HIẾU GIANG - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên