Một lộ trình chấm dứt nghịch lý này vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố ngày 7-8.
Hướng tới tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/nămNgân hàng thế giới: GDP Việt Nam hạng 42 thế giới Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu
Năm 2013, GDP - số ước tính - của nhiều địa phương cao hơn nhiều so với của cả nước. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với các phóng viên tại hội nghị (Nguồn: Tổng cục Thống kê, báo cáo của HĐND Hà Nội và TP.HCM, Cục Thống kê Đà Nẵng, Cục Thống kê Cần Thơ) - Ảnh: Đăng Nam - Đồ họa: Như Khanh |
Hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT khai mạc tại TP Đà Nẵng ngày 7-8 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hội nghị này được đánh giá là vô cùng quan trọng, liên quan đến nhiều quyết sách trong phát triển cơ cấu kinh tế đất nước trong năm năm tới.
Một trong những vấn đề mà lãnh đạo các tỉnh thành hết sức quan tâm, đó là cách tính GDP mới mà Chính phủ chuẩn bị thông qua vào đầu năm tới.
Không ai tính GDP địa phương
Phải chấp nhận tính lại một cách khoa học Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải bàn lại cách tính GDP của các tỉnh thành. “Cách tính GDP ở các địa phương hiện nay đã có từ lâu và kéo dài đến hôm nay khi chúng ta chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cách tính này giờ không còn phù hợp nữa và không sát với thực tế. So với quốc tế thì ta không giống ai, trong khi đất nước chúng ta đã ngày càng hội nhập” - Thủ tướng nói. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải có kế hoạch sớm tính GDP lại để sát với thực tế hiện nay, đồng thời đúng với thông lệ quốc tế. Các địa phương phải chấp nhận tính lại một cách khoa học cho chính xác. Việc tính lại GDP giao cho Tổng cục Thống kê bàn cách triển khai thực hiện. |
Nói về việc sắp tới đây cả nước sẽ phải điều chỉnh lại cách tính GDP mà lâu nay các địa phương tự xây dựng và công bố, ông Bùi Quang Vinh - bộ trưởng Bộ KH-ĐT - cho rằng đây là một bước quyết định rất quan trọng nhưng cũng vô cùng nhạy cảm. Quan trọng là nếu cứ để các địa phương tự tính toán rồi công bố theo hướng không chính xác sẽ dẫn đến nhiều quyết sách phát triển kinh tế của địa phương bị tính toán sai.
Theo ông Vinh, đơn cử như một số địa phương có cửa khẩu lớn, mỗi năm xuất khẩu qua cửa khẩu này từ 3-5 tỉ USD, thế nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải do địa phương này làm ra mà do các địa phương lân cận, nhưng họ vẫn tính vào giá trị xuất nhập khẩu của mình.
Như vậy là tính trùng, từ đó tạo nên tăng trưởng ảo. Và các địa phương cứ thế đua nhau chạy theo con số tăng trưởng ảo rồi đưa vào nghị quyết đại hội đảng bộ, rồi phấn đấu đủ thứ chuyện... như thế là không đúng. Trong khi quốc tế người ta nhìn mình rất lạ.
Tại sao các địa phương tăng 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng 14%/năm, nhưng kết cục GDP của cả nước chỉ tăng 5-7%/năm?
“Đây là điều không thể chấp nhận được trong kinh tế và các nước không tính GDP của địa phương mà phải tính cho cả quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi, vậy nên vẫn phải chấp nhận tính GDP cho mỗi địa phương mà chưa có cách nào khác” - ông Vinh nói.
Ông Vinh cho biết thêm: “Để hạn chế tính trùng, tính sai, vừa qua, Bộ KH-ĐT đã giao Tổng cục Thống kê trên cơ sở số liệu của cục thống kê các địa phương cung cấp, từ đó loại trừ các số liệu trùng lặp, sau đó thống nhất lại lần cuối có sự so sánh với GDP của địa phương lân cận, từ đó có một công bố chính thức cho các địa phương. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách lại và nó thực chất hơn".
"Tuy nhiên nó rất nhạy cảm bởi vì đảng bộ các tỉnh, thành sắp sửa vào đợt đại hội. Mọi năm đều công bố GDP của địa phương mình là 10-15% mà bây giờ chúng tôi công bố chỉ có 8-9%, thậm chí có địa phương tính ra chỉ có 4-5%, như vậy là khó rồi".
"Do vậy nếu không làm công tác tư tưởng trước thì các địa phương sẽ khó chấp nhận, cho rằng đó là con số không chính xác. Tuy nhiên đó là điều phải làm và chúng tôi khẳng định là dám làm vì lợi ích chung của đất nước. Tôi tin rằng các địa phương phải ủng hộ vì đây là chủ trương đúng đắn”, ông Vinh nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì hội nghị ngành kế hoạch - đầu tư - Ảnh: Đăng Nam |
Chính thức triển khai từ năm 2018
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), từ những bất cập trên, sắp tới Tổng cục Thống kê sẽ trình Chính phủ thông qua đề án đổi mới quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP cho các địa phương. Cuối năm nay, Bộ KH-ĐT sẽ trình Thủ tướng thông qua, và đề án này sẽ chính thức áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Ông Lâm nhận định việc các địa phương xây dựng, đưa ra con số GDP quá cao trong thời gian qua đã gây ra hệ quả làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược của ngay địa phương đó.
Tuy nhiên để không gây ra sự xáo trộn thì năm 2015 sẽ là năm chuẩn bị, hai năm tiếp theo sẽ triển khai tính toán theo quy trình mới mà Tổng cục Thống kê ban hành, có sự tham khảo theo cách tính cũ của các địa phương. Và bắt đầu từ năm 2018 trở đi, con số GDP của các địa phương sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán, công bố.
Tăng trưởng kinh tế mức 6,5-7%/năm Liên quan đến vấn đề đầu tư công trung hạn trong năm năm tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cái khó là làm sao xác định được nguồn lực trong năm năm tới, vì chúng ta chưa bao giờ xác định nguồn lực năm năm được. "Và đây là vấn đề rào cản mà trước đây chúng ta không dám làm". Trong dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ đề xuất tốc độ tăng trưởng bình quân trong năm năm tới là 6,5-7%/năm. Tuy nhiên dự kiến về vốn đầu tư trung hạn thì thấp hơn rất nhiều (chỉ tăng 10% của nguồn vốn so với năm trước). “Kế hoạch này đã được kiểm nghiệm trong suốt thời gian từ năm 2011 đến nay. Ngay như năm nay sự kiện biển Đông đã ảnh hưởng đến kinh tế đất nước nhưng tổng vốn vẫn được bảo đảm” - ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, một trong những khó khăn với kế hoạch trung hạn đó là vấn đề trượt giá. Và để làm tốt được điều này, theo ông Vinh, phải làm cho được ba điều, đó là dự báo tăng trưởng tốt; phải giữ vững được ổn định vĩ mô để không có lạm phát bất thường như thời gian vừa qua, nếu lạm phát tăng thì các dự báo đó sẽ đổ bể; và cuối cùng là vấn đề nhận thức. “Mấy chục năm nay, từ trung ương đến địa phương đã quen với cách làm phân bổ hằng năm rồi. Bây giờ chuyển qua làm trung hạn là phải biết dự báo, phải từ bỏ các lợi ích xin cho của nhiều cá nhân. Phải xác định đây là lợi ích của đất nước buộc phải làm chứ không phải là lợi ích của một nhóm nào nữa mà không làm” - ông Vinh nói. Ông Vinh cho biết mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững... |
* ÔngNGUYỄN TRÍ DŨNG (nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội): Cần xã hội hóa hoạt động thống kê Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc tính GDP, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết tại VN, mặc dù trước đây Tổng cục Thống kê không đồng ý để các tỉnh tính chỉ số này, nhưng nhiều tỉnh cứ tự tính, sau đó thành phong trào. Và kết quả GDP tỉnh nào cũng cao, thường vượt kế hoạch. * Theo ông, số liệu thống kê chính xác sẽ có lợi gì? - Chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng và sự hợp lý của các chính sách kinh tế vĩ mô được Quốc hội và Chính phủ đưa ra. Nếu nó không chính xác thì việc theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá, dự báo tình hình, yêu cầu hoạch định chiến lược... cũng sẽ khó bám sát thực tế, giải quyết được tốt nhất tình hình. Chúng ta cần có con số trung thực, phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế để không chỉ các cơ quan chức năng đề ra chính sách đúng, mà doanh nghiệp cũng có biện pháp, chiến lược phù hợp, giảm được thiệt hại. * Để nâng cao chất lượng thống kê, theo ông, việc Tổng cục Thống kê đứng ra tính toán và công bố GDP của các địa phương liệu có đủ? - Để nâng cao chất lượng công tác thống kê phải bắt đầu từ việc tuân thủ chặt chẽ 5 tiêu chí là tính bao quát, kịp thời, nhất quán, minh bạch và chính xác. Cơ quan thống kê cần có tính độc lập tương đối với Chính phủ. Cần thành lập một hội đồng chuyên môn độc lập, bao gồm các chuyên gia từ các cơ quan và cơ sở nghiên cứu, trường đại học, thậm chí có mời cả chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, cần luật hóa việc xã hội hóa hoạt động thống kê. Theo đó, việc thu thập, xử lý và công bố số liệu thống kê không còn là lĩnh vực độc quyền của Tổng cục Thống kê như hiện nay. * ÔngTRẦN DU LỊCH(ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội): Không thể so sánh GDP địa phương với GDP cả nước Có nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị tạo ra ở một thành phố này nhưng lại được thực hiện ở nơi khác, vì thực tế nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở một địa phương nhưng lại hoạt động trải rộng ở nhiều địa phương khác nhau. Trong quá trình đó giá trị hàng hóa nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nếu tính GDP địa phương thì sẽ bị trùng lắp. Ví dụ gạo được sản xuất ở ĐBSCL nhưng lại đem lên TP.HCM để bán cho người dân thành phố, dưới tỉnh gạo cũng được tính vào GDP, lên TP.HCM cũng vậy, như vậy là trùng lắp rồi. Hay như dầu khí, xét về công nghiệp thì tính vào GDP ở Vũng Tàu, nhưng khi đem đi xuất khẩu lại tính ở TP.HCM trong khi GDP là giá trị mới tạo ra trong một năm, sản phẩm hàng hóa dịch vụ cuối cùng. Theo tôi, địa phương có thể có thống kê GDP nhưng chỉ nên lấy đó làm số tham chiếu, so sánh năm trước với năm sau, chứ nếu lấy GDP địa phương để so sánh tăng mấy lần GDP cả nước là không chính xác. Trước nay Tổng cục Thống kê vẫn có hướng dẫn cách tính giá trị mới trên địa bàn, nhưng quan điểm của tôi để giải quyết vấn đề tận gốc chênh lệch giữa GDP địa phương với cả nước, chúng ta không nên có quan niệm cơ cấu kinh tế địa phương. Nếu còn thì vẫn tồn tại nhiều bất cập chứ không chỉ là con số thống kê. Các nền kinh tế địa phương cũng cần có những chỉ tiêu để phát triển nhưng không nên đi vào chỉ tiêu GDP, còn có rất nhiều cái khác để thể hiện nỗ lực phát triển kinh tế của địa phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận