Một giờ học của nhóm thiện nguyện “Chạm” với các bệnh nhi tại Viện Nhi trung ương - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Viện Nhi trung ương trên đường Đê La Thành (Hà Nội) một chiều đông, khác với không khí lạnh lẽo, ảm đạm nơi hành lang, khu điều trị, cách đó vài bước chân một căn phòng ngập tràn tiếng cười giòn tan, ấm áp. Nơi đó là “đại bản doanh” của “Chạm” - nhóm thiện nguyện của những chàng trai, cô gái rất trẻ.
Những thủ lĩnh “ét vê”
Lớp học đó đáng yêu một cách... lạ kỳ khi trò là những bệnh nhi, thầy cô là những sinh viên, đặc biệt lạ kỳ vì cô - trò gọi nhau là anh - em, chị - em, lạ kỳ nữa bởi những trang giáo án truyền dạy tình thương, truyền dạy cách yêu thương nhau. Lớp học nép mình giữa hai bức tường vuông nhau, có cửa kính hướng ra khu vườn với cơ man cây, hoa sóng sánh ánh nắng hứng từ phía trên giếng trời hắt xuống.
Có lẽ ít ai ngờ khi đội hình lớn mạnh có lúc lên tới gần 100 người của “Chạm” hiện nay khởi phát từ ý tưởng đầy “ngây ngô” của một nữ sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm 2013, bố của Lê Minh Huyền - cô sinh viên năm nhất ngành kinh tế trường này - phải điều trị bệnh tại Viện Huyết học truyền máu trung ương. Những lần lui tới chăm nom bố, chứng kiến những bệnh nhi khốn khó đã khiến cô gái trẻ lưu tâm, day dứt.
Ám ảnh đeo đẳng dẫn Huyền tới quyết định đầy táo bạo: lập ra một nhóm tình nguyện chơi cùng các bệnh nhi. “Chạm” ra đời như thế với vỏn vẹn hai thành viên là Huyền và cô bạn cùng lớp Trần Hương Lan. Chỉ vài tháng sau, khi chia sẻ ý tưởng với bạn bè cùng lớp, cùng trường đại học, bạn bè phổ thông... ai ai cũng háo hức tham gia nhóm.
Ban đầu mỗi tuần một buổi cả nhóm “hò” nhau gom đồ chơi, bánh trái rồi mang tới viện huyết học, viện nhi chia cho các bệnh nhi rồi... ngồi lì ở đó chơi đùa cùng các bé tới giờ các bác sĩ xua mới chịu về.
Giờ đây, dù đã du học tại Mỹ được gần bốn tháng nhưng hai bạn trẻ này vẫn thường xuyên cập nhật hoạt động của nhóm, khích lệ các thành viên và không ngừng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ hoạt động cho nhóm... Vị trí trưởng ban điều hành được trao cho Trần Thu Huyền Trang - cô bạn đồng môn của cả hai.
Đang quen với cuộc sống sinh viên vô tư, không âu lo, thời gian đầu tất cả thành viên phải vật lộn với một núi việc lạ, việc khó. Hết lên ý tưởng tổ chức lớp học, đôn đáo tổ chức sự kiện gây quỹ, liên hệ các thủ tục, giấy tờ với bệnh viện, lập và vận hành fanpage, soạn giáo án đứng lớp..., đến bây giờ mọi thứ mới vận hành trơn tru.
Vui hơn, như Trang nói, là nhóm ngày càng có thêm nhiều thành viên mới, trở thành mái ấm thân tình và vui vầy của nhiều người trẻ. “Chạm” hiện nay quy tụ gần 100 người đến từ nhiều trường đại học ở Hà Nội, ngoài ra có không ít thành viên là những người đã ra trường đi làm cũng hăng hái tham gia.
Lan tỏa yêu thương
Huyền Trang kể cô đến với “Chạm” rất tình cờ, sau một lần được Huyền “rủ rê” tham gia quyên đồ mang tới tổ chức tết cho các em bé tại viện huyết học. Với giọng đầy hứng khởi, đôi khi chùng nghẹn vì xúc động, Trang nói rằng không bao giờ quên hình ảnh những em bé đầu trọc lóc, tay chi chít mũi ven.
Ai cũng hiểu người nhà các bé đã trải qua đủ đau buồn, khổ sở, vì vậy tất cả các thành viên đều muốn “Chạm” giúp gia đình và các bé tạm lãng quên đi đau thương. “Chạm” không kỳ vọng tới điều gì quá to tát, lớn lao, điều “Chạm” hướng tới là “chạm” tới tâm hồn trẻ thơ, “chạm” tới những tấm lòng thiện nguyện. “Chạm” khẽ thôi nhưng lan tỏa thật nhiều, thật sâu.
Hai buổi chiều thứ ba và thứ tư hằng tuần, các tiết học về kỹ năng mềm, hội họa, mỹ thuật và âm nhạc ở lớp học trong Viện Nhi trung ương đều rất đông vui các bé bệnh nhi tới dự. Ở lớp, các bé được vui chơi thỏa thích, được chơi đồ chơi, đọc truyện tranh, múa, hát...
“Ở viện lâu nên các bé rất buồn, căng thẳng, chúng tôi coi những tiết học như một hình thức “trị liệu” giúp các bé vui tươi, lạc quan hơn, phần nào giúp các bé chóng khỏi bệnh hơn”, Huyền Thanh - sinh viên năm 3 ngành quản trị kinh doanh Đại học Ngoại thương, trưởng ban chuyên môn của nhóm - chia sẻ.
Và rồi, từ khi có lớp, bé Quân ở Lạng Sơn bị bệnh về máu từ lầm lì, ít nói đã trở nên hoạt bát; bé Lan bị thận ở Bắc Giang từ nhút nhát, hay khóc đã thành cô bé nhí nhảnh, hát rất hay; bé Hưng ở Long Biên (Hà Nội) vốn cộc cằn, cáu gắt chịu ảnh hưởng từ bệnh, nay điềm đạm hẳn và khéo tay không ngờ, biết tự làm đồ chơi tặng mẹ...
Huyền Trang cho hay dù là hoạt động tình nguyện nhưng nhóm luôn áp dụng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Việc sắp xếp các “giảng viên” đứng lớp cũng rất khoa học - khi thành viên là sinh viên trường mỹ thuật, kiến trúc dạy các bé xếp hình, gấp giấy, làm đồ chơi thủ công; thành viên các trường âm nhạc, nhạc viện, hội họa dạy các bé múa, hát, đánh đàn, vẽ tranh; các anh chị trường y, dược dạy các bé cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt...
Cách vận hành của “Chạm” cũng không kém phần “pờ rồ” khi chia ra các ban với những thành viên phù hợp để điều hành nhóm, như: ban chuyên môn (phụ trách đứng lớp), ban truyền thông (phụ trách xây dựng và truyền thông hình ảnh), ban đối ngoại (liên hệ với các bệnh viện, dự án tài trợ), ban tổ chức (lo hậu cần cho các thành viên và tổ chức sự kiện gây quỹ)...
Thời gian gần đây, không dừng lại ở Hà Nội, “Chạm” còn tổ chức chương trình đưa lớp học đến vùng sâu, vùng xa mà mới nhất là chương trình ngày hội trò chơi, triển lãm tranh, đồ thủ công và chương trình biểu diễn văn nghệ được nhóm tổ chức cho các em nhỏ ở xã Suối Bau (huyện Phù Yên, Sơn La). Con đường chạm đến trái tim yêu thương, cứ thế, mỗi ngày thêm dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận