09/05/2015 11:02 GMT+7

Chăm chút khán giả trẻ cho sân khấu

ĐỨC TRIẾT thực hiện
ĐỨC TRIẾT thực hiện

TT - Nhà hát Tuổi Trẻ đã ký kết thành công dự án hợp tác dàn dựng vở kịch Ông lão đánh cá và con cá vàng với Nhà hát các thế hệ trẻ ở Đức.

Ông Trương Nhuận - GĐ Nhà hát Tuổi trẻ (bìa phải) đang cùng khán giả nhí ở Dresden (Đức) xếp hàng vào xem vở kịch rối Chú mèo đi hia ở Nhà hát các thế hệ trẻ - Ảnh: Doãn Bằng
Ông Trương Nhuận - GĐ Nhà hát Tuổi trẻ (bìa phải) đang cùng khán giả nhí ở Dresden (Đức) xếp hàng vào xem vở kịch rối Chú mèo đi hia ở Nhà hát các thế hệ trẻ - Ảnh: Doãn Bằng

Vừa trở về từ Liên hoan sân khấu thanh thiếu niên Đức và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ và trẻ em (Assitej) tại Berlin, giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận thông báo một tin vui: đã ký kết thành công dự án hợp tác dàn dựng vở kịch Ông lão đánh cá và con cá vàng với Nhà hát các thế hệ trẻ ở Đức.

“Vở kịch sẽ do họa sĩ Doãn Bằng vẽ trang trí sân khấu và đạo diễn Dominik Gunther dàn dựng cho nghệ sĩ ở cả hai nhà hát tại Việt Nam và Ðức.

Dự kiến khoảng tháng 11 vở diễn này sẽ được công diễn tại Việt Nam và đến tháng 4-2016 nhóm nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ sang Ðức cùng biểu diễn với nghệ sĩ Nhà hát các thế hệ trẻ tại TP Dresden” - ông Trương Nhuận nói.

* Còn chất lượng những vở diễn mà ông đã xem tại liên hoan này?

- Nhẹ nhàng mà tinh tế. Sân khấu được trang trí giản tiện nhưng luôn chuyển động. Dịp vừa rồi tôi được xem 12 vở diễn của các nhà hát ở Ðức tại Liên hoan sân khấu thanh thiếu niên Ðức (Festival Augen blickmal 2015) ở thủ đô Berlin và vở kịch rối Chú mèo đi hia, kịch thể nghiệm về danh họa Caspar David Friedrich ở Nhà hát các thế hệ trẻ tại Dresden. Tôi rất thích thú khi được xem kịch rối Chú mèo đi hia với hơn 100 em nhỏ. Là múa rối nhưng sân khấu được mở toang. Nghệ sĩ và con rối hòa làm một. Ðám trẻ mắt tròn mắt dẹt “đọc” lại câu chuyện cổ này bằng sức lay động của tài năng nghệ sĩ.

Còn kịch thể nghiệm tôi ngồi xem cùng với hơn 200 bạn trẻ sau khi đã được tìm hiểu sơ qua về danh họa qua những bức tranh, câu chuyện được nhà hát cố ý bố trí ở ngay sảnh vào. Vở kịch ấy phát triển bằng sự chuyển động của hình thể với âm nhạc trong suốt một giờ chứ tuyệt nhiên không có trò chuyện.

Thế mà những khán giả trẻ Ðức không hề tỏ ra mỏi mệt. Trái lại, họ thưởng thức rất chăm chú, tỏ vẻ kinh ngạc, ngưỡng mộ không chỉ trước câu chuyện lãng mạn của vở kịch mà còn vì sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, khổ công của nghệ sĩ.

* Xem ra khán giả trẻ ở Ðức rất quan tâm đến sân khấu?

- Thực tế là như vậy. Trong suốt sáu ngày diễn ra liên hoan ở Berlin, hầu như suất diễn nào cũng kín khán giả. Riêng tại Nhà hát các thế hệ trẻ ở Dresden thì giám đốc quản lý cho biết các suất diễn đều đặn hằng tuần chẳng khi nào trống ghế. Nhưng nhớ là mỗi vở kịch chỉ đón chào những khán giả trong độ tuổi được ghi trên vé đến xem.

Chúng tôi cũng rất ngỡ ngàng về điều này nhưng sau đó vỡ lẽ ra ở đây người Ðức đã xây dựng công tác phát triển khán giả cho sân khấu một cách bài bản. Cụ thể là tại Dresden có các buổi học miễn phí về sân khấu cho học sinh vào những ngày cuối tuần. Có khi các nghệ sĩ trực tiếp về tận trường phổ thông để trò chuyện, cũng có khi các em đến nhà hát để giao lưu.

* Liên hoan sân khấu thanh thiếu niên, rồi Hiệp hội sân khấu dành cho khán giả trẻ, lại thêm Nhà hát các thế hệ trẻ..., chỉ riêng từng đó tên gọi cũng cho thấy khán giả trẻ rất được sân khấu chăm chút. Vậy kinh phí nào cho các hoạt động và đề tài nào thế giới đang muốn giới trẻ quan tâm, thưa ông?

- Khi tham gia bốn buổi tọa đàm, thảo luận tại Festival Augen blickmal 2015, đại biểu của 75 nước trên thế giới đã bàn thảo nhiều lần về hai vấn đề: một là sân khấu toàn cầu hóa với những đề tài mang hằng số chung nhất được quan tâm dành cho trẻ em, khán giả trẻ (biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, chạy đua vũ trang, xung đột quan niệm sống giữa các thế hệ trong gia đình) và hai là cần phải kêu gọi chính phủ các nước dành nguồn lực tài trợ cho sân khấu dành cho khán giả trẻ và thiếu nhi.

Chủ đề thứ hai được đưa ra trong bối cảnh hoạt động này ở nhiều nước đang diễn ra khá manh mún, nhỏ lẻ, mùa vụ chứ không thường xuyên - kể cả những nước giàu có ở Tây Âu - khi phần lớn do một nhóm nghệ sĩ hoặc do tự thân một nhà hát nào đó thực hiện chứ không có tính chiến lược từ chính phủ.

Quay trở lại với Nhà hát các thế hệ trẻ ở Dresden, họ hoạt động rất quy mô, bài bản, chuyên nghiệp suốt hơn 60 năm qua như thế là vì luôn nhận được sự đỡ đầu của chính quyền địa phương - TP Dresden.

Hiện nay, từ nguồn đầu tư này, bên cạnh hệ thống nhà hát cũ có đủ ba khu nhà dành cho công tác hậu kỳ như trang trí sân khấu, kho chứa đạo cụ các vở diễn và xưởng may trang phục, làm đạo cụ; nhà hát đang xây dựng cụm biểu diễn mới với ba rạp: rạp múa rối, rạp biểu diễn kịch cho khán giả trẻ và rạp biểu diễn ca múa nhạc. Mà bạn phải nhớ rằng đây là điểm đến không chỉ dành cho khán giả trẻ Ðức mà dành cho cả trẻ em các quốc gia khác đang sinh sống, học tập tại đây.

Augen blickmal là một liên hoan sân khấu các vở diễn dành cho thanh thiếu niên, được tổ chức hai năm một lần tại Berlin. Tại đây, những tác phẩm được dàn dựng hay nhất thể hiện tính đa dạng về mỹ thuật cũng như nội dung, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả nhỏ tuổi.
ĐỨC TRIẾT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên