27/01/2011 11:41 GMT+7

Chắc thầy giống...thầy

BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN
BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN

TTO - Chúng tôi gọi thầy là thầy Thể. Thầy là bố của bạn Vinh. Vinh học với tôi từ lớp 5 khi gia đình tôi mới chuyển lên Cẩm Thủy. Vì “thầy là bố của bạn” nên đôi khi chúng tôi quên mất “thầy là thầy”. Tan học, chúng tôi tạt qua nhà thầy, thầy vừa nấu cơm xong, hết tiết 5 đói quá, thầy mời ăn cơm, vô tư chúng tôi... đánh bay nồi cơm. Vợ thầy xuống thị xã lấy thuốc. Chỉ có thầy và Vinh ở nhà. Thầy không ăn mà ngồi nhìn chúng tôi. Thầy bảo:

gfIKe9Yn.jpgPhóng to
Ảnh minh họa của trang thiệp điện tửTTO

“ Nhìn các con ăn đã đủ no rồi ”.

Chiều, thầy lên lớp dạy học, bụng đói mà tiết Địa của thầy vẫn trôi chảy kì tài. Thầy dạy chúng tôi vẽ bản đồ, nét phấn vẫn rắn rỏi, chúng tôi vẫn mê.

Thầy tôi giống ai nhỉ? Sao quen quá mà vẫn không nhận ra là giống ai. Tôi ngồi ngẫm nhĩ một lúc rồi chậc lưỡi: “Chắc thầy giống... thầy!”. Vườn nhà thầy có bao nhiêu thứ trái. Mùa hè là ổi, xoài. Mùa đông là táo. Cặp của thầy đi dạy thường là nơi “trú ẩn” của những thứ quả ngon. Chúng tôi thích lắm, mong thầy đến lớp như mong mẹ đi chợ về.

Nhà thầy ở gần trường. Qua một sân bóng mi-ni, chúng tôi có thể an tọa trong khu vườn mát mẻ. Thuở đó, trường nghèo chưa có gạch xây tường bao quanh, chúng tôi thường phải trồng tre hay tầm vông để bảo vệ trường. Lớp tôi thiếu một đoạn rào, chúng tôi “tấn công” sang vườn nhà thầy. Cuối cùng, rào của trường kín như bưng. Vườn nhà thầy lại trống hoác. Chúng tôi nhìn nhau ngoác miệng cười... Lao động mệt lại không có nước uống, chúng tôi "tràn" về nhà thầy. Hết bình nước thầy nấu, chúng tôi dùng nước mưa trong bể. Thầy lắc đầu, lẳng lặng xuống bếp đun một ấm nước và luộc một nồi khoai.

Năm lớp 12, lớp tôi đa phần thi khối C - tất nhiên là có môn Địa. Chúng tôi đùn đẩy nhau một việc: đến xin thầy phụ đạo. Vinh thành “lá chắn”. Vinh bước đến bên khi thầy đang miệt mài. Thầy quay người ra, cặp kính để trễ: “Vào đi! Thầy đang soạn đề”.

Thầy là bố Vinh nên chúng tôi vẫn thường ...quên tiếng “ thầy” để thay bằng tiếng “bố”. Chúng tôi học“bố” nên thấy thật gần gũi. Thầy dạy các “con” nên hết sức mình.

Buổi chiều mùa hè ôn thi nóng nực lại không có điện, chúng tôi kê bàn ghế ra ngoài vườn. Ánh sáng cho lớp học là mặt trời trên đầu. Hơi mát cho lớp học là gió trời nhè nhẹ. Lại thêm hương trái cây ngọt lịm. Chúng tôi mê man đi theo các bài học.

Ôn tập địa lí Việt Nam, thầy đưa chúng tôi đi từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Thầy chỉ cho chúng tôi sự giàu có của những vùng mỏ, những vụng dầu. Thầy truyền cho chúng tôi tình yêu quê hương, đất nước từ vẻ đẹp của những dãy núi phía Bắc trùng điệp, những bãi biển miền Trung nên thơ đến những vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long bát ngát.

Năm ấy, chúng tôi thi đâu đậu đấy. Đến nhà thầy báo công lại thấy thầy cặm cụi bên lứa học trò sắp lên lớp 12.

Mười mấy năm sau, tôi trở lại. Vườn nhà thầy đã xây tường bao quanh. Nhà có điện nhưng bàn học vẫn kê ngoài vườn. Mặt trời cứ rực rỡ. Gió cứ mơn man. Thầy đã về hưu, tóc cũng bạc hơn. Thầy không dạy nhiều chỉ vài ba học sinh là cháu họ, là người nhà. Tôi ùa đến với thầy gọi tiếng “bố” thân thương. Thầy bắt tay tôi, cái bắt tay thật chặt: “ Xin chào người đồng nghiệp!”.

Tôi lại ngồi lắng nghe lời thầy giảng...

Trước mắt tôi là hình ảnh của thầy mấy năm sau, khi ấy con gái tôi đã lên lớp 12. Vẫn khu vườn này đây, vẫn ánh mặt trời rực rỡ, vẫn gió mát mơn man. Tôi thoảng nghe tiếng thầy giảng bài ấm áp và tiếng “ông” con gái tôi thốt lên tự đáy lòng.

BÀI DỰ THI NÉT BÚT TRI ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên