27/10/2019 18:12 GMT+7

Cha mẹ nên hành xử thế nào khi thần tượng của con 'sụp đổ'?

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Khi biết con thần tượng một ngôi sao nào đó, cha mẹ nên đồng cảm với con, giúp con biết cách làm chủ hành vi, hiểu được hành vi nào là phù hợp, hành vi nào thái quá. Và lỡ như thần tượng của con "sụp đổ", cha mẹ cần đồng hành với con nhiều hơn.

Cha mẹ nên hành xử thế nào khi thần tượng của con sụp đổ? - Ảnh 1.

Sulli trong phim Hotel Del Luna. Đây là vai diễn cuối cùng được phát sóng khi cô còn sống - Ảnh: TVN

Thường xuyên nhắc trẻ tránh tuyệt đối hóa một ai đó, mộ điệu một cách mù quáng.

Nguyễn Văn Công

Hiện tượng giới trẻ ái mộ đến mức sùng bái thần tượng một cách thái quá đã ảnh hưởng không ít đến đời sống tâm lý của trẻ. Nếu cha mẹ càng bỏ mặc con, khi thần tượng bị "sụp đổ" do phạm pháp hoặc tự tử, có thể sẽ để lại nhiều sang chấn ở trẻ - nhất là nhóm tuổi teen. Bởi lứa tuổi này sẽ có đặc điểm tâm lý nói chung là ham thích cái mới, thích khám phá, tìm hiểu và tôn sùng những giá trị được coi là có sức ảnh hưởng lớn, hấp dẫn theo số đông.

Mới đây, câu chuyện của Minh Vũ (13 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) đã làm người viết gợn rất nhiều suy nghĩ. Em thần tượng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc Sulli (Tuổi Trẻ 20-10). Từ lúc biết tin Sulli tự tử, Vũ rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang, hụt hẫng, mất ăn mất ngủ, thường khóc lóc một mình vì thương tiếc thần tượng, thậm chí còn đòi bỏ học vì chán đời. "Con buồn lắm, như bị ai lấy hết sức lực và niềm tin vậy..." - Vũ trải lòng.

Trẻ thần tượng một nhân vật nào đó cũng là hợp quy luật tâm lý tự nhiên. Các bạn trong độ tuổi 10 - 19 tuổi thường sẽ hướng đến một nhân vật nổi tiếng với tâm lý cho rằng người đó là hình mẫu cần vươn tới. Nên nếu thiếu kiểm soát về nhận thức, cảm xúc và ý chí bản thân, các em có thể dẫn đến những hành vi đáng tiếc.

Một số trẻ không có nền tảng giáo dục gia đình tốt, trẻ thường hướng vào thần tượng để tìm điểm tựa cho bản thân. Và khi thần tượng "sụp đổ" rất dễ dẫn đến mất phương hướng, vụn vỡ niềm tin và dễ sa vào suy nghĩ tiêu cực.

Không ai đồng hành tốt hơn với con trẻ trong quá trình khám phá thế giới này như cha mẹ và người thân. Chuyện không cấm cản con thần tượng ai đó có thể cho thấy sự chia sẻ của người lớn khi chơi với con, nhưng sự chia sẻ quan trọng hơn chính là thái độ gần gũi, quan tâm đến sở thích, nhu cầu của con để con trẻ thoải mái bộc bạch hơn về thần tượng của mình.

Điều này đòi hỏi người lớn rướn hơn một chút, tìm hiểu thêm về những ngôi sao đang được con trẻ thần tượng bằng một thái độ không định kiến, nắm bắt và chia sẻ với con trẻ những mặt hạn chế của thần tượng (nếu có) để trẻ chấp nhận, từ đó có một cái nhìn bình tĩnh, khách quan hơn. 

Lúc này, thái độ cần ở cha mẹ là sự đồng cảm với con, giúp con biết làm chủ hành vi, thế nào là điều nên làm, thế nào không. Ngược lại, cha mẹ cũng không được thần tượng hóa quá mức nhân vật, mà phải giúp trẻ hình thành những thần tượng đẹp đẽ trong tâm hồn.

Và nếu chẳng may một ngày, thần tượng của trẻ "sụp đổ" với bất kỳ lý do gì, cha mẹ cần đồng hành giúp trẻ vượt qua cú sốc tinh thần này. Một giải pháp có thể áp dụng kèm với những gần gũi, xoa dịu về mặt tâm lý là tăng cường các hoạt động thể thao, du lịch... bổ ích để trẻ nguôi ngoai nỗi hẫng hụt đang nếm trải.

Trường hợp cha mẹ không giúp trẻ được, cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chuyên gia tâm lý cùng các nhóm bạn thân, đáng tin cậy của con. Định hướng cho trẻ tiếp cận những loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, phim ảnh... mang tính tích cực, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.

Những điều lưu ý khi con có thần tượng

Về hiểu biết: Những trẻ thần tượng quá mức thường có tâm lý ngộ nhận, đánh giá sai lệch và thường mê muội chạy theo thần tượng. Có 2 chiều hướng suy nghĩ diễn ra: Thứ nhất, nếu như thần tượng đó đang được nhiều người quan tâm, ngưỡng mộ thì trẻ thường tôn sùng họ một cách tuyệt đối. Thứ hai là suy diễn theo hướng tiêu cực. Có thể khi thần tượng đổ vỡ thì tâm lý tiêu cực thường xảy ra cho chính bản thân trẻ, như một cách trừng phạt bản thân, trẻ tự làm khổ mình...

Về cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực thường vô hiệu hóa nhận thức gây nhầm lẫn trong quan sát, nhìn nhận vấn đề, làm mất khả năng tự chủ, giảm sút ý chí, từ đó các em thường chán chường, buồn rầu, ủy mị. Nhiều trường hợp xảy ra như bất mãn, khóc lóc, uất ức, đau khổ... khi sụp đổ thần tượng.

Về hành vi: Một số trẻ từ yêu thích thần tượng dẫn đến những biểu hiện thái quá như quên ăn, quên ngủ, quên học hành, chỉ nghĩ đến thần tượng. Khi thần tượng "sụp đổ" hay tự tử, trẻ tỏ ra buông xuôi tất cả, tự làm đau mình để vơi bớt. Có nhiều em tham gia các fanclub, dẫn đến những cuộc gây sự chỉ để bảo vệ thần tượng của mình.

Sulli treo cổ tự tử: Bi kịch dạy làm thần tượng, ai dạy làm người? Sulli treo cổ tự tử: Bi kịch dạy làm thần tượng, ai dạy làm người?

TTO - Sulli và Jong Hyun (SHINee) là hai ca sĩ của cùng một công ty, SM Entertainment. Họ cũng chọn kết thúc cuộc đời ở độ tuổi thanh xuân vì trầm cảm và áp lực danh tiếng.

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên