17/04/2016 07:38 GMT+7

Cha mẹ gục ngã bên xác con

TRẦN MAI - HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
TRẦN MAI - HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đến tối 16-4, cha mẹ của 7/9 em học sinh xấu số ở xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) chết đuối trên sông Trà Khúc tha phương mưu sinh mới trở về quê nhà làm tang cho con.

Chị Nguyễn Thị Sát - mẹ học sinh Trần Tiến Phát - vật vã trong cơn đau đớn khi vừa bước chân tới quê nhà để nhìn con lần cuối - Ảnh: Trần Mai

Những người cha, người mẹ đi làm ăn xa đã gần như gục ngã trong ngày về lo đám tang cho con...

Chiều muộn, anh Phạm Quốc Hoàng (36 tuổi) cùng vợ là chị Bùi Thị Ngọc Phú (35 tuổi) giàn giụa nước mắt bước xuống taxi, tất tả bước vào nhà. Nhìn thấy di ảnh con trai là Phạm Văn Thành nhang khói nghi ngút, chị Phú nghẹn ngào bám lấy vai chồng rồi ngất đi.

Ngày trở về trong nước mắt

Gần 10 năm qua, vợ chồng anh chị Hoàng rời quê nhà vào TP Biên Hòa (Đồng Nai) làm công nhân, để Thành lại cho ông bà nội chăm sóc.

Anh Hoàng nghẹn ngào: “Đang làm thì nghe cô giáo của cháu điện báo. Tôi vừa khóc vừa chạy qua phân xưởng của vợ làm, rồi hai vợ chồng chẳng còn biết gì nữa. Anh em làm chung công ty chở ra bến xe rồi về. Vậy mà vẫn không kịp nhìn mặt con lần cuối”.

Anh Trần Văn Hiệp (44 tuổi) và chị Nguyễn Thị Sát (41 tuổi), cha mẹ của học sinh xấu số Trần Tiến Phát, cũng chung cảnh đau đớn.

Ngày trở về, chị Sát vật vã bên quan tài của con trai: “Phát ơi, mẹ về rồi Phát ơi!” rồi ngất lịm. Chồng chị - anh Hiệp - cho biết hai vợ chồng vào TP.HCM thu mua ve chai mấy năm nay, con cái để lại quê cùng bà nội.

“Hôm qua nghe tin chỉ kịp đón xe trở về. Đau đứt ruột đứt gan, làm vì con mà giờ thế này thì sống sao nổi” - anh Hiệp đau khổ.

Còn anh Trịnh Văn Thùy (44 tuổi), cha của học sinh Trịnh Hữu Nhân, nhìn quan tài của con mà chết lặng. Anh Thùy tự trách mình không ở bên cạnh để dạy con những kỹ năng sống cơ bản nhất.

Vừa an ủi vợ, anh Thùy thở dài: “Tôi và vợ đi TP.HCM bán chè dạo và thu mua ve chai. Mấy ngày trước tôi nói với vợ tháng sau về quê ăn giỗ sẽ nghỉ một tháng dẫn hai chị em Nhân đi học bơi chứ ở vùng toàn sông nước mà lại không biết bơi lỡ có chuyện gì. Nào ngờ chưa kịp thực hiện thì đã...” - anh nghẹn ngào.

Cả xã Nghĩa Hà phủ kín cờ tang. Khắp các con đường làng người dân vẫn còn chưa hết bàng hoàng về chuyện vừa xảy ra. Tiếng khóc vẫn cứ rền rĩ nỉ non ở chín căn nhà lẩn khuất sau những hàng cây uốn lượn theo dòng sông nghiệt ngã.

Bài học trang bị kỹ năng sống

Thầy Bùi Phước, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết vào buổi chào cờ sắp tới trường sẽ tổ chức lễ tưởng niệm đối với các học sinh đã mất.

“Vụ việc xảy ra để lại sự mất mát, đau đớn đối với tất cả học sinh và giáo viên của nhà trường. Đây là bài học đắt giá trong việc giáo dục học sinh, chúng tôi sẽ quan tâm học sinh hơn nữa, phải dạy cho học sinh kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm trong cuộc sống.

Thật lòng qua vụ việc này chúng tôi thấy một phần là do các em thiếu được trang bị kỹ năng sống” - thầy Phước nói.

Ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT TP Quảng Ngãi ngay sau khi tổ chức đám tang cho các em học sinh xấu số sẽ cử những giáo viên bộ môn tâm lý xuống trường tổ chức buổi gặp mặt để ổn định tinh thần cho các em học sinh và thầy cô giáo trong trường.

Cùng với đó là huấn luyện cho các em những kỹ năng sống cơ bản, ý thức được nơi nào nguy hiểm để tự phòng tránh.

“Lễ tưởng niệm chín em học sinh không may mắn vào đầu tuần tới là một việc làm ý nghĩa. Qua câu chuyện thương tâm vừa xảy ra, chắc chắn phải rút kinh nghiệm sâu sắc không chỉ với Trường THCS Nghĩa Hà mà còn với tất cả các trường học khác trên cả nước” - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Dụng - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết sẽ đề nghị các trường học trên toàn tỉnh Quảng Ngãi triển khai mạnh đề án giáo dục kỹ năng sống mà Bộ GD-ĐT đang triển khai.

Theo ông Dụng, trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh cần phải xây dựng hồ bơi. Nhưng kinh phí xây dựng và vận hành hiện nay cần một nguồn kinh phí rất lớn, khó có thể thực hiện được.

Các trường cần tăng cường tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, dã ngoại ở khu vực nguy hiểm để tăng khả năng nhận biết nơi nguy hiểm cho các em mà chủ động né tránh.

“Tôi hết sức chia buồn cùng gia đình các em và đây cũng là bài học đau đớn về kỹ năng sống dành cho lứa tuổi học trò mà ngành vừa trải qua” - ông Dụng nói.

TRẦN MAI - HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên