05/03/2008 09:19 GMT+7

Cha mẹ bận rộn, con chậm nói

THANH PHƯƠNG
THANH PHƯƠNG

TT - Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết năm 2007 đơn vị tiếp nhận hơn 1.000 trẻ chậm nói, trong đó 70% là do cha mẹ ít có thời gian tiếp xúc với trẻ, không biết cách chơi cùng trẻ...

1mJ1ZGzI.jpgPhóng to
Trẻ chậm nói trong một tiết học ngoài trời - Ảnh: T.Phương
TT - Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết năm 2007 đơn vị tiếp nhận hơn 1.000 trẻ chậm nói, trong đó 70% là do cha mẹ ít có thời gian tiếp xúc với trẻ, không biết cách chơi cùng trẻ...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Hơn 3 tuổi nhưng cháu V.N.M.A. ở quận Phú Nhuận vẫn không nói được một tiếng nào. Mẹ của cháu, bà N.T.A.T., 37 tuổi, kể lúc chín tháng tuổi cháu đã bắt đầu bập bẹ nói "ba ba...". Đó là khoảng thời gian bà còn rảnh để nhận biết điều này. Còn khi ba cháu đi tu nghiệp ở nước ngoài, bà còn rất ít thời gian dành cho M.A..

Bà kể ban ngày đi làm, chiều về đón đứa con lớn, sau đó nấu ăn, tắm rửa cho bé lớn, tối đến lại dạy bé lớn học bài, còn bà cũng tranh thủ đọc thêm tài liệu. Cháu M.A. gần như được "khoán trắng" cho người giúp việc, từ sáng đến tận khi ru cho bé ngủ.

Không chịu nhìn mẹ

Tròn 18 tháng tuổi, bé M.A. vẫn chưa nói được từ nào. Ngay cả những tiếng bập bẹ trước kia cũng mất dần. Nhận thấy con mình chậm nói hơn so với lứa tuổi nhưng bà T. cứ tự nhủ "chắc vì ít được tiếp xúc nên chậm nói". Lại thêm những người xung quanh động viên "lo gì, cứ đến 3 tuổi là nói được liền" càng củng cố niềm tin cho bà.

Tới khi tròn 3 tuổi, M.A vẫn không thể nói được một từ, gia đình mới cho bé đi học mẫu giáo để có môi trường giao tiếp. Tại trường, bé vẫn không nói được và chỉ chơi một mình. Ba tháng sau, bé được chuyển vào lớp mầm, cô giáo bắt đầu dạy học vẽ cuộn chỉ, giọt nước và chỉ những phần trên cơ thể thì thấy rõ bé không làm được, không tập trung, tỏ ra khó chịu. Bé còn không chịu tiếp xúc bằng mắt và không nhìn cả ba mẹ.

Lúc này, bà mới đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bé được chẩn đoán chậm nói. Các bác sĩ đã hướng dẫn bà cách chơi và gần gũi với con. Qua một tuần, bé M.A. đã chịu nhìn mẹ, ba tuần sau bé đã nói những từ đầu tiên "ba ba", "bai bai"... bé dần nhận biết những vật xung quanh. Đến nay, qua hai tháng điều trị bé đã biết hát, biết diễn tả những điều mình muốn. Bà T. bảo trước đây cứ nghĩ trẻ nhỏ chưa biết gì nên chưa cần sự quan tâm, đâu ngờ... Hiện mỗi ngày bà T. đều sắp xếp công việc để chơi với con 30-60 phút.

Cho em xin 15 phút

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho biết đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 ít tiếp nhận trẻ chậm nói đơn thuần mà thường kèm theo thiếu cả kỹ năng giao tiếp do trẻ không có ai để nói chuyện. Đa số trẻ chậm nói được các bậc cha mẹ đưa đến bệnh viện khi 2-3 tuổi mà chưa nói được từ nào, hoặc nhà trẻ không nhận vì không hòa đồng với lớp học.

Bác sĩ Thanh nói dù công việc có bận rộn đến đâu người mẹ cũng nhớ dành hẳn 15 phút mỗi ngày để chơi với trẻ, để trẻ được tiếp xúc và cảm nhận sự yêu thương. Với trẻ chậm nói, nếu phát hiện bệnh trước 3 tuổi sẽ có kết quả điều trị tốt, thực tế cho thấy nhiều trẻ chỉ sau 3-6 tháng điều trị đã nói chuyện được.

Bác sĩ Thái Thanh Thủy, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết ngoài nguyên nhân thực thể do khiếm khuyết ở các cơ quan phát âm, sự chậm nói của trẻ còn do nguyên nhân tâm lý như gia đình bỏ bê hoặc quá cưng chiều, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó của gia đình làm ảnh hưởng đến trẻ.

Để tránh nguyên nhân chậm nói do tâm lý, theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, khi trẻ được sáu tháng trong bụng mẹ, cha mẹ có thể đặt tên và trò chuyện với trẻ. Trong thời gian này cũng cho trẻ nghe những điệu nhạc giao hưởng để trẻ tiếp cận sớm và làm quen với nhiều loại âm thanh khác nhau, giúp trẻ phát triển trí não. Khi trẻ sinh ra, gia đình nên gần gũi, trò chuyện và chơi trò chơi cùng trẻ.

Bé lên 3, cả nhà tập nói

Giai đoạn 2-3 tuổi, đứa trẻ phát triển về tư duy ngôn ngữ rất nhanh "bé lên ba cả nhà tập nói". Chính vì vậy, ở giai đoạn này, vai trò của môi trường ngôn ngữ gia đình là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là của người mẹ. Tuy nhiên, hiện nay các cặp vợ chồng trẻ thường bận bịu với công việc.

Sau khi sinh khoảng 4-5 tháng, nhiều người mẹ trẻ đã lao vào công việc để bắt kịp tiến độ mà mình gián đoạn thời gian qua. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ buổi tối về vẫn không có thời gian dành cho trẻ. Họ cứ giao toàn bộ việc chăm sóc con cho người giúp việc. Điều đó làm trẻ rất khó khăn trong việc tập phát âm và tìm hiểu ngôn ngữ. Đã có những công trình nghiên cứu xác định việc chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ là do ít được trò chuyện cùng cha mẹ và trẻ xem tivi quá nhiều. Đây có thể xem là nguyên nhân hàng đầu về mặt tâm lý dẫn tới việc chậm nói ở trẻ em.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ có ba và mẹ nói hai thứ tiếng khác nhau, vô hình tạo cho trẻ áp lực khi phải tập phát âm và hiểu hai ngôn ngữ cùng lúc. Nhiều trẻ không thể tiếp thu ngay được do vậy thường rơi vào tình trạng chậm nói.

Tình trạng chậm nói ở trẻ rõ ràng là một trạng thái rối nhiễu tâm lý và thường để lại nhiều hậu quả. Thường các em này có trí tuệ phát triển bình thường, có vốn ngôn ngữ phù hợp so với lứa tuổi. Tuy nhiên, các em lại không thể biểu hiện hay bộc lộ bằng ngôn ngữ thông thường. Ví dụ, các em đòi mẹ mua đồ chơi nhưng không thể nói điều đó ra bằng lời. Chính vì vậy, các em hay bực tức và căng thẳng. Theo các nhà nghiên cứu, việc chậm nói và rối loạn hành vi và cảm xúc liên quan với nhau. Bên cạnh, một số em mặc cảm thường thu mình, tránh né và không cởi mở. Điều này ảnh hưởng đến nhân cách của các em sau này.

Kỳ tới: Mải lo danh lợi, "chuyện ấy" ỉu xìu

THANH PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên