Cầu vượt đã xây xong từ năm 2019, nhưng đến nay đường dẫn hai đầu cầu chưa được xây dựng - Ảnh: D.THANH
Người, xe qua lại khu vực này phải đi trên đường tạm lầy lội vào mùa mưa bão.
Đây là tuyến đường nối cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc với các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nam Phú Yên. Do vướng giải phóng mặt bằng, đoạn đường Phước Tân - Bãi Ngà qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô bị "tắc" nhiều năm qua. Vốn đầu tư công được gia hạn thêm một năm, chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn.
Tuyến đường này được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đầu tư dự án vào ngày 31-12-2014, dài gần 4km, tổng mức đầu tư hơn 489 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 440 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Dự án khởi công vào tháng 11-2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Cây cầu vượt bê tông cốt thép dài 84m, rộng 57m trên tuyến đã làm xong từ năm 2019, nhưng đường dẫn hai đầu cầu hiện vẫn chưa có và nút giao trên tuyến cũng chưa thi công được.
Ông Võ Văn Ngôi - trưởng Ban quản lý đầu tư hạ tầng thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên - cho biết dự án đã thi công khoảng 83% giá trị hợp đồng, phần còn lại là do vướng giải phóng mặt bằng, từ cuối năm 2021 đến nay không thể thi công được.
Ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Giang - phó chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa - cho hay việc giải phóng mặt bằng làm đường này ảnh hưởng đến 167 hộ dân và tổ chức. Hiện vẫn còn 19 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Một số hộ đã được phê duyệt phương án nhưng không chịu nhận tiền bồi thường.
Theo ông Giang, công tác bồi thường kéo dài nhiều năm nên có sự thay đổi về cơ chế, chính sách. Người dân có nhiều yêu cầu về giá bồi thường, tái định cư, loại đất… không phù hợp quy định. Chính những điều đó khiến việc giải phóng mặt bằng cho dự án này gặp khá nhiều khó khăn.
"Chúng tôi liên tục làm việc, đôn đốc, động viên người dân giao mặt bằng. Còn một số vướng mắc, thay đổi về chính sách, thị xã đang xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Với những trường hợp đòi hỏi ngoài quy định, nếu không giao mặt bằng thì sẽ bị cưỡng chế. Việc thi công dự án đang được triển khai trở lại" - ông Giang cho hay.
Ông Võ Văn Ngôi cho biết: "Số vốn trung ương cấp cần phải giải ngân đến hết năm nay là 43 tỉ đồng, nếu có mặt bằng thì có thể thi công khoảng 3 tháng là xong".
Mất vốn do chủ quan sẽ xử lý trách nhiệm
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Phú Yên vừa qua, bà Cao Thị Hòa An - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên - khẳng định đối với dự án dùng vốn đầu tư công, nếu không sử dụng hết vốn đã được phân bổ và gia hạn, để mất vốn do chủ quan thì UBND tỉnh phải xử lý trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận