27/06/2015 18:02 GMT+7

Cậu học trò nghèo ước mơ thành nhà văn

LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TTO - Theo mẹ rời vùng quê Nam Định đi tha hương, không đất, không nhà, Chinh cũng lao vào làm thuê cuốc mướn, làm lụng để mưu sinh.

Ngoài giờ lên lớp, Chinh tranh thủ đi mót tiêu, hạt điều... đến lúc tối không rõ mặt người nữa mới về - Ảnh: Lĩnh Hồng

Thế nhưng, nghèo khổ không làm chùn chân cậu bé 15 tuổi. Suốt mấy năm liền em luôn là một học sinh giỏi toàn diện với ước mơ sẽ trở thành một nhà văn.

Cậu bé đầy nghị lực ấy là Vũ Ngọc Chinh, lớp 9C Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Căn nhà gỗ tối om, lỗ chỗ những tia sáng len lỏi qua mấy khe dột nát chiếu vào nhà. Căn nhà này được mẹ con Chinh thuê, mỗi tháng 200.000 đồng. Nơi đây lâu nay vốn không ai dám ở vì có ngôi mộ chìm ngay giữa nền nhà. “Buổi tối, học khuya em cũng sợ lắm” - Chinh cười nói.

Cách đây khoảng tám năm, năm Chinh lên lớp 3, bố bị mất đi khả năng lao động sau một vụ tai nạn và không còn làm chủ được hành vi của mình nữa. Từ đó, bố như một người điên đánh đập, hành hạ ba mẹ con.

Gánh nặng mưu sinh chồng lên vai gầy của mẹ. Cuộc sống tha hương không có nương rẫy, bà Vũ Thị Thoan - mẹ của Chinh - quanh năm suốt tháng đi làm thuê kiếm ăn qua ngày. Người dân quanh xóm thấy thương, cứ có việc cần thuê là để dành gọi cho bà đến làm, từ cắt cành, cuốc cỏ, cào bồn đến hái cà phê, lượm hạt điều...

Khi nhắc đến hai đứa con của mình, bà nở nụ cười thật tươi: “Đó là tài sản lớn nhất của cuộc đời tôi, chúng nó học giỏi và rất ngoan. Dù có chết tôi cũng phải lo cho các con ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn để sau này khi không có mẹ bên cạnh, chúng nó vẫn sống tốt và thoát khỏi cảnh nghèo”.

Thương mẹ, Chinh và chị gái là Vũ Thị Thơm (lớp 11) đều buổi đi học buổi đi làm thêm gánh vác cho mẹ phần nào. Vào dịp lễ tết, Chinh đi bán vé số dạo còn Thơm thường ra chợ bán rau thuê, mỗi ngày cũng được 100 ngàn đồng.

“Bán vé số phải liên tục ít nhất một tuần thì người ta mới giao hàng cho em bán chứ mỗi ngày chủ nhật thôi thì không ai thuê” - Chinh giải thích.

Khoảng thời gian ngoài giờ học trên lớp, không kể là trưa hay chiều, Chinh đều tranh thủ đi mót cà phê, hạt điều tùy thời vụ. Chinh kể: “Em mót đến lúc nào trời tối không còn thấy hạt để nhặt nữa thì thôi”.

Chinh thích được đến trường vì ở đó Chinh được sống trong những trang văn mà cô dạy. Nó đẹp và nó cho Chinh những ước mơ. Những lúc ra chơi em lại ngồi viết những cảm xúc thành vần thơ để dành tặng mẹ.

Chinh ước một ngày nào đó em sẽ thành một nhà văn để... viết về mẹ. “Em sẽ in ra hai tập. Một tập kể về cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn của mẹ. Tập nữa sẽ viết về tình cảm của em đối với quê hương” - Chinh mỉm cười chia sẻ.

Cô Lê Thị Quyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 9C - cho biết Chinh có niềm mê học văn, mặc dù em rất giỏi toán. Mấy năm liền Chinh đều là học sinh giỏi toàn diện. “Đó thật sự là một cậu bé giàu ý chí mà chính thầy cô cũng phải khâm phục” - cô Quyên tâm sự.

Cô học trò một mình trong nhà trống

Chưa bao giờ nhìn thấy mặt ba, mẹ lại đi thêm bước nữa, một mình thui thủi trong căn nhà tình nghĩa được các nhà hảo tâm xây cho, cô bé 14 tuổi sống tự lập, đi làm thuê lo kiếm tiền ăn học cho chính mình.

Hạnh dỗ dành, vuốt ve một con vịt bị thương - Ảnh: Lĩnh Hồng

Thế nhưng nhìn vào bảng thành tích học tập của em Đặng Thị Hạnh - lớp 8A2 Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông - thật đáng khâm phục. Suốt bao nhiêu năm đi học Hạnh đều là học sinh giỏi với số điểm trung bình trên 9.

Khoảng 11g30, Hạnh mới vội vã từ trong rẫy cà phê trở về để chuẩn bị bữa trưa rồi đi học. Hạnh đi ra phía sau nhà, vừa thấy cô chủ nhỏ, mấy con vịt con chạy ùa đến kêu ầm ĩ đòi cho ăn. Hạnh bế con vịt bị què ở chân lên vuốt ve, dỗ dành như chị chăm em, ngây thơ trò chuyện với mấy con vịt mà như đang chơi đùa với mấy người bạn của mình.

Lớp 8 học buổi chiều, nhà không có rẫy, Hạnh đi hái cà phê thuê cho hàng xóm vào mỗi buổi sáng. Trưa về muộn, Hạnh vội vàng nấu tạm mì gói để ăn nhanh cho kịp giờ đến lớp.

Cách đây mấy tháng, Hạnh còn có mẹ ở bên dù khổ cực nhưng hạnh phúc. Rồi giờ mẹ đã lấy chồng, Hạnh chỉ còn thui thủi một mình, tự kiếm tiền, tự chăm sóc bản thân. Gia cảnh bên chồng cũng khó khăn chồng chất, mẹ vẫn phải quanh năm suốt tháng đi làm thuê nên không có tiền gửi về chăm lo cho Hạnh. Nhưng em thấu hiểu điều đó và chưa bao giờ trách móc mẹ.

Lúc đầu Hạnh cũng phản đối, không đồng ý cho mẹ đi lấy chồng. “Em đã khóc rất nhiều và mẹ cũng thế - Hạnh ngậm ngùi - lúc đó em thật ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Nhưng nghĩ lại mẹ đã phải một mình vất vả nuôi em khôn lớn suốt 14 năm. Rồi sau này khi em đi học xa, mẹ sẽ cô đơn, ai sẽ chăm sóc cho mẹ? Nghĩ đến điều đó, em lại muốn mẹ đi tìm hạnh phúc cho mình”.

Hạnh nhớ như in những khổ cực hai mẹ con từng phải trải qua. Đó là một cái tết chỉ có vỏn vẹn 15.000 đồng tiền thịt, với 5.000 đồng bắp cải. Mẹ thương Hạnh nên thường khóc trong đêm. Hạnh tự hứa với lòng mình “học phải giỏi, phải ngoan, phải kiếm được nhiều tiền để mẹ không còn khổ cực nữa”.

Từ trước đến nay, dù có mẹ ở bên hay không, Hạnh vẫn buổi đến trường, buổi đi làm thuê kiếm sống. Hẳn vậy mà trong suy nghĩ của cô bé chín chắn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. “Em biết quý những đồng tiền bởi đó là những gì em và mẹ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được”.

Ở một mình buồn nhưng Hạnh thấy hạnh phúc vì có bạn bè, thầy cô giáo luôn kề bên, sát cánh. “Với em, nhà trường là ngôi nhà thứ hai đầy niềm vui và hạnh phúc. Ở đó thầy cô như ba, như mẹ lúc nào cũng hết lòng quan tâm, giúp đỡ em. Điều đó khiến em thấy thoải mái và chưa một lần thấy tự ti mặc cảm về hoàn cảnh của mình” - Hạnh chia sẻ.

Tuy vất vả cực nhọc, nhưng kết quả học tập cả Hạnh thật đáng nể. Suốt thời gian cấp I và cấp II, Hạnh đều là học sinh giỏi. Nhìn bảng điểm của Hạnh cao chót vót càng khâm phục ý chí nghị lực của cô bé nhiều hơn.

Lên lớp 6, được tiếp xúc với môn tiếng Anh, Hạnh thích thú, đam mê luôn từ đó. Những bài hát tiếng Anh được Hạnh ghi chép cẩn thận để vừa học hát vừa trau dồi vốn từ vựng. Lúc làm việc Hạnh hát nghêu ngao quên cả nhọc nhằn. Khi chúng tôi đề nghị Hạnh hát, em tự tin ca luôn mấy bài hát tiếng Anh phá tan không khí u tối, cô đơn và buồn tủi.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Như Hoa - giáo viên chủ nhiệm cho biết - thấy Hạnh có một niềm đam mê tiếng Anh và thật sự có năng khiếu nên thầy cô đã tạo điều kiện bồi dưỡng thêm cho em. “Hiện tại Hạnh có thể viết được bài văn, dịch đề toán sang tiếng Anh một cách dễ dàng. Những bài hát nổi tiếng em đều có thể hát được” - cô Hoa cho biết thêm.

Ước mơ của Hạnh sau này sẽ làm một hướng dẫn viên du lịch để “có thể đưa mẹ đi du lịch khắp nơi”.

200 học bổng “Ngăn dòng bỏ học” cho học sinh tỉnh Đắk Nông

Báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam phối hợp cùng Sở Giáo dục - đào tạo và Tỉnh đoàn Đắk Nông đã tổ chức lễ trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” dành cho 200 học sinh THCS và THPT tỉnh Đắk Nông có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ sẽ không đến trường.

Đây là học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” thứ 394 của báo Tuổi Trẻ, tổng kinh phí chương trình hơn 530 triệu đồng do Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam tài trợ.

Tố Oanh

 

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên