16/09/2014 00:01 GMT+7

Cầu Kè triển khai nhiều biện pháp phòng, chống lũ

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cần biết - Cầu Kè là huyện đầu nguồn của tỉnh Trà Vinh, tiếp giáp với địa phận tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Hàng năm, khi nước lũ từ trên thượng nguồn đổ về (vào khoảng tháng 8, 9, 10 âm lịch), người dân Cầu Kè luôn sống trong thấp thỏm lo âu vì vào thời điểm này mực nước ở các sông rạch trên địa bàn dâng cao đe dọa tài sản, tính mạng của người dân, nhất là khu vực cù lao, khu vực nằm ven sông Hậu thuộc 3 xã Hòa Tân, An Phú Tân và Ninh Thới.

Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa lũ năm nay, huyện dành hơn 10 tỷ đồng từ các nguồn vốn đối ứng về thủy lợi nội đồng, vốn sản xuất lúa năm 2014, vốn hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa và vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, cây ăn trái (với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng) để triển khai thi công, gia cố 17 tuyến đê bao, bờ bao có tổng chiều dài hơn 31 km ở khu vực ven sông Hậu, khu vực vùng trũng trong nội đồng.

Đối với các công trình trọng điểm, huyện kiến nghị với tỉnh cần sớm thi công hệ thống đê bao ven sông Hậu có chiều dài khoảng 17 km. Ngoài ra, huyện Cầu Kè còn chỉ đạo các địa phương củng cố các ban chỉ huy phòng chống lụt bão từ huyện đến cơ sở, nhất là ở các khu vực xung yếu ven sông Hậu, cù lao An Lộc (xã Hòa Tân), cù lao Tân Qui I, Tân Qui II (xã An Phú Tân)…

Cồn An Lộc hay còn gọi là cồn Bần Chát có diện tích hơn 473 ha, với 143 hộ dân sinh sống. Đây là vùng đất cù lao mới nổi nằm giữa dòng sông Hậu, đất đai trù phú, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như nhãn, chôm chôm, xoài, sầu riêng, cam quýt… rất thích nghi vùng đất này. Tuy nhiên, do địa hình thấp nên trước đây vào mùa lũ hàng năm người dân phải sơ tán đến nơi khác để tránh lũ, diện tích cây ăn trái năm nào cũng bị thiệt hại nặng do ngập nước. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đê bao, người dân nơi đây an tâm hơn khi mùa mưa lũ đến.

JPcWB04P.jpg

UBND xã Hòa Tân cho biết, cồn An Lộc có hai khu vực gồm khu vực phía đầu cồn được đầu tư tuyến đê bao khép kín kết hợp bê tông hóa mạng lưới giao thông nông thôn có chiều dài hơn 2.500 mét đã hoàn thành vào năm 2012; phía cuối cồn còn tuyến đê bao có chiều dài gần 4.000 mét hiện chưa được khép kín.

Năm 2014, huyện đầu tư hơn 400 triệu đồng thi công thêm 380 mét đê bao, người dân tự nguyện đóng góp hơn 110 triệu đồng để thuê cơ giới tôn cao 6.500 mét đê bao cũ có bề mặt 4 - 5 mét, cao 4 mét… Tuyến đê bao này sẽ bảo vệ an toàn cho hơn 100 ha vườn cây ăn trái đặc sản trong mùa lũ.       

Sau khi tuyến đê bao hoàn thành, xã đã thành lập các hội bảo vệ đê bao, mỗi hội viên được phân công chịu trách nhiệm một đoạn đê, thường xuyên kiểm tra, canh giữ bảo vệ, phát hiện sự cố để sửa chữa một cách kịp thời. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn xã xây dựng phương án đối phó một cách cụ thể ở từng vùng, từng nơi. Các phương tiện vận tải thủy có trọng tải từ 5 tấn trở lên và thanh niên xung kích ở địa phương trong tư thế sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra….   

Tuy nhiên, các bờ phía trong khu vực cù lao An Lộc, cù lao Tân Qui I, Tân Qui II (xã An Phú Tân)… tuy được các nhà vườn đầu tư tu bổ sau mùa thu hoạch trái cây, nhưng hiện còn ở dạng “bờ bao cơm nếp”, bề mặt và chân chỉ khoảng 0,3 - 0,5 mét, cao khoảng 1 - 1,2 mét, nên khó có khả năng chống chọi khi nước lũ có chiều hướng ngày một dâng cao.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên