16/07/2011 07:37 GMT+7

Câu hỏi thường gặp khi đi phỏng vấn xin việc

THÁI THẢO TRÂN
THÁI THẢO TRÂN

TTO - Tôi là sinh viên vừa mới ra trường, chuyên ngành kế toán. Tôi chuẩn bị làm hồ sơ xin việc vào Ngân hàng Nông nghiệp. Theo tôi biết thì tôi phải trải qua 2 vòng thi là thi viết và phỏng vấn trực tiếp.

mB1MTc1P.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: hubpages.com

- Chào bạn!

Thông thường, khi tuyển dụng nhân sự, các chuyên gia thường dựa vào cách trả lời câu hỏi của ứng viên để lựa chọn những người thích hợp. Những câu hỏi được đưa ra từ phía nhà tuyển dụng luôn có những mục đích nhất định, nên có thể bạn sẽ thấy một vài câu hơi “ngớ ngẩn” nhưng đừng coi thường, biết đâu dựa vào đó quyết định chọn hay từ chối bạn sẽ được nhà tuyển dụng đưa ra.

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng:

Câu hỏi 1: Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn

Đây là câu hỏi đầu tiên khi bạn tiếp xúc với nhà tuyển dụng. Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được khá nhiều kỹ năng của bạn, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, trình bày và thuyết phục. Đừng bao giờ kể “tràng giang đại hải” về tiểu sử bản thân ở đây! Điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe chỉ là một đoạn mô tả ngắn gọn chừng 2-3 phút về bạn và “vốn” bạn đã chuẩn bị để có thể ứng tuyển vào vị trí này (bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, thành tích đã đạt được…).

Hãy chuẩn bị một vài điểm nhấn để "quảng bá" bản thân, nhưng phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để tránh gây phản tác dụng

Câu hỏi 2: Bạn nghĩ lý do gì khiến chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Nếu bạn gặp dạng câu hỏi này, bạn nên mừng vì đây là một cơ hội tốt để bạn tạo sự nổi bật cho bản thân. Hãy chuẩn bị tối thiểu ba điểm mạnh để nhưng phải phù hợp với vị trí bạn nộp hồ sơ, vì nhà tuyển dụng luôn muốn tuyển “đúng người” cho “đúng việc”.

Câu hỏi 3: Đâu là điểm yếu của bạn?

Một câu hỏi khá hóc búa nhưng nhà tuyển dụng vẫn thường hay áp dụng để đánh giá ứng viên. Nhiệm vụ của bạn là cần phải đưa ra câu trả lời vừa trung thực lại vừa “ghi điểm” quả là một điều không dễ dàng. Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là thành thật thừa nhận điểm yếu của bạn, nhưng đồng thời phải chỉ ra được cách thức bạn đã khắc phục nó.

Chẳng hạn nếu bạn từng yếu trong việc lập kế hoạch và quản lý thời gian thì hãy chỉ ra cách mà bạn đã khắc phục, như lên lịch làm việc chi tiết vào đầu ngày rồi xếp mức ưu tiên cho từng công việc. Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người luôn quyết tâm cải thiện năng lực bản thân.

Câu hỏi 4: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong vòng năm năm tới là gì?

Không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển dụng một ứng viên không có kế hoạch và định hướng phát triển rõ ràng. Điều đó thể hiện bạn là một người không có mục tiêu nghề nghiệp và sẽ rất nguy hiểm khi chính bạn không biết mình thích gì và muốn làm gì.

Nếu bạn đã lập kế hoạch nghề nghiệp thì bây giờ chỉ việc sử dụng những thông tin trong đó để giới thiệu với nhà tuyển dụng. Ví dụ: “Trong vòng năm năm tới, tôi muốn trở thành trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng. Chính vì thế, hiện nay tôi đang theo học một khóa...”.

Câu hỏi 5: Bạn đề nghị mức lương ra sao?

Đây là câu hỏi khó nhất trong tất cả các câu hỏi, đặc biệt với những người ít kinh nghiệm. Thật ra, khi được đặt câu hỏi này, bạn nên phấn khởi vì đã nhận được dấu hiệu khả quan từ nhà tuyển dụng. Nhiệm vụ còn lại là đi đến mức lương thỏa thuận giữa hai bên. Thông thường, với các bạn sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các bạn thường thiếu tự tin khi bước vào phần thương lượng lương. Bạn nên tự tin để không mất điểm trước nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, để trả lời tốt câu hỏi này, trước khi đi phỏng vấn bạn hãy tìm hiểu mức lương phổ biến trên thị trường đối với vị trí bạn ứng tuyển. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về công ty bạn tham dự phỏng vấn về quy mô, chính sách đào tạo, lương thưởng để kết hợp với mức lương bạn mong muốn. Tốt nhất là bạn nên đề nghị mức lương kiểu "khoảng" hơn là một con số chính xác. Đối với nghề kế toán, mức lương khởi điểm có thể 3-4 triệu đồng.

Riêng đối với ngành nghề kế toán, bạn nên chuẩn bị thêm những kiến thức chuyên môn, những nội dung bạn đã học ở bởi vì nhà tuyển dụng sẽ có thêm những câu hỏi liên quan đến nghiệp vụ công việc của bạn. Đó thường là những tình huống thực tế mà bạn sẽ tiếp xúc trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thể hiện mình đã trau dồi các kỹ năng liên quan nhưng bổ trợ rất hiệu quả cho công việc của bạn như thế nào: kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm…).

Chúc bạn thành công!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

THÁI THẢO TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên